Xem để tránh xa: Những sai lầm chăm sóc trẻ sơ sinh khiến mẹ sữa phải ân hận

Khi chăm sóc trẻ sơ sinh, vì lo lắng thái quá hoặc những hành động quá vội vàng mà nhiều bố mẹ đã phải ôm hận khi để con lãnh đủ hậu quả tồi tệ.

1. Thấy tóc con rụng vành khăn là vội vàng cho uống canxi

Như một công thức định sẵn, hễ cứ thấy tóc con mình rụng vành khăn là các bà mẹ lại kháo nhau đi mua canxi bổ sung cho con. Nhưng các mẹ có biết, với trẻ sơ sinh bổ sung canxi như thế nào, liều lượng bao nhiêu đều phải do bác sĩ chỉ định hay không? Nếu tùy tiện cho con uống canxi có thể gây ra dư chất, dẫn đến những cơn co giật và nhiều hậu quả khác.

2. Qua 6 tháng không cho con bú mẹ vì tin sữa đã hết chất

Qua 6 tháng, sữa mẹ bắt đầu mất dần màu vàng đậm đặc như ban đầu và thay vào đó là lượng sữa trắng trong, nhạt hơn, loãng hơn. Chính vì điều này mà nhiều người cho rằng sữa đã hết chất, không còn đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của con khi trẻ ngày càng lớn dần. Điều này đúng nhưng không đủ.

Sữa mẹ ngoài nguồn dinh dưỡng phong phú còn đồng thời cung cấp các yếu tố sinh học như: kháng thể, các men và bạch cầu… Đặc biệt là Casein, một chất đạm chỉ có trong sữa mẹ, giúp trẻ ngừa tiêu chảy, phòng các nhiễm trùng hô hấp, viêm tai và dị ứng. Do đó, dù giảm đi về thành phần dinh dưỡng cũng như các kháng thể nhưng sữa mẹ vẫn là lựa chọn tốt nhất cho trẻ. Từ 6 tháng trở đi, trẻ nên được bổ sung ngoài sữa mẹ các thực phẩm dinh dưỡng bằng những bữa ăn dặm đầu đời với đủ nhóm chất: bột, béo, đạm, rau.

3. Trẻ bú mẹ cũng phải uống nước tráng miệng vì mẹ ăn đồ mặn, con sẽ khát

Một số mâu thuẫn giữa các thế hệ làm mẹ trong gia đình sẽ phát sinh khi chăm sóc thế hệ tiếp theo. Các bà mẹ trẻ thì cho rằng đứa bé dưới 6 tháng tuổi không cần phải uống thêm nước. Trong khi đó các bà, các cụ một hai khăng khăng phải cho cháu súc miệng hoặc nhấp môi chút nước vì mẹ ăn đồ mặn làm sữa mặn và con hiển nhiên sẽ bị khát.

Sự thật là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi nếu được cho uống thêm nước lọc sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hại. Đã có trường hợp trẻ sơ sinh tử vong vì uống thêm nước lọc. Vậy nên những lo lắng của các bà mẹ trẻ, những người đã bắt đầu tiếp thu kiến thức nuôi con theo khoa học hoàn toàn có cơ sở.

4. Để con không giật mình phải quấn chăn thật kỹ

Trẻ sơ sinh có phản xạ giật mình khi ngủ. Đây là điều hết sức bình thường. Để giúp con cháu mình không dở giấc ngủ ngon và chóng lớn, nhiều bà, mẹ phải quấn chăn rất kỹ, thậm chí dằn đủ thứ gối chung quanh. Việc làm này có thể dẫn đến nguy cơ đột tử sơ sinh, một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong giai đoạn sơ sinh cao nhất. Trước những vụ thương tâm cha mẹ mất con vì các vật dụng chèn, chặn hoặc quấn trẻ quá kỹ, các chuyên gia khuyên chỉ nên quấn trẻ theo đúng kỹ thuật. Gần đây, một bác sĩ ở Thái Bình đã chia sẻ cách quấn khăn cho trẻ ngủ đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các bà mẹ bỉm sữa.

5. Con đi ngoài phân cứng phải bơm thụt hậu môn ngay

Trẻ sơ sinh lúc thì xì xoẹt hoa cà, hoa cải nhưng cũng có lúc 2-3 ngày mới chịu đi ngoài một lần. Điều này rất dễ hiểu khi hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu và chưa hoàn thiện. Nhưng oái ăm thay, nó lại khiến các mẹ không khỏi sốt sắng lo lắng. Chữa cháy cho những lúc thế này, các bà mẹ thường ra tiệm thuốc mua dụng cụ bơm, thụt về và giải quyết gọn lẹ vấn đề. Nhưng các mẹ cẩn thận nhé! Lạm dụng bơm, thụt sẽ làm trẻ mất phản xạ tự đi ngoài, nhu động ruột hoạt động kém và ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa sau này. Các mẹ cũng nên biết khi nào trẻ mới được gọi là táo bón. Một đứa trẻ chỉ táo bón khi phân keo dính, cứng, trẻ đi ngoài khó khăn chứ không hoàn toàn theo số lần đi ngoài trong ngày.

6. Không cho trẻ soi gương vì sợ vía nhập

Một số gia đình theo quan niệm tâm linh, rất sợ con trẻ nhìn vào gương soi. Theo dân gian, trong gương luôn có hồn vía dễ bắt trẻ con. Bằng chứng là trẻ soi gương ban ngày thì đêm về hay giật mình, quấy khóc và đó là biểu hiện của việc bắt vía. Tuy nhiên, trẻ con khóc dạ đề, giật mình khi ngủ hoàn toàn có thể lý giải bằng khoa học. Hơn nữa, việc để trẻ nhỏ soi gương còn là cách kích thích giác quan và trí não mà nhiều nhà nghiên cứu đã khuyến khích. Bằng cách soi gương, trẻ nhận biết được sự khác biệt trên cơ thể mình, qua từng bộ phận và dần dần học cách tư duy để nhận biết sự vật, hiện tượng. Nói dễ hiểu, soi gương là cách để kích hoạt trí thông minh của một đứa trẻ.

7. Dùng mật ong rơ lưỡi mới sạch vi khuẩn

Mật ong như một thực phẩm thần thánh trong kho kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh của các cụ. Nó có thể dùng để làm cho trẻ tăng cân, cũng có thể dùng để rơ lưỡi cho một đứa trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trẻ dưới 1 tuổi được cảnh báo là đối tượng nhạy cảm với độc tố của mật ong. Ngộ độc mật ong ở một đứa trẻ trong độ tuổi này thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

8. Muốn trẻ sơ sinh ngủ đêm ngon giấc phải để phòng thật yên tĩnh

Trẻ sơ sinh giấc ngủ ngắn và hay trở mình, quấy khóc. Điều này khiến cho các bà mẹ chăm con nhỏ vô cùng vất vả. Những quầng thâm, bọng mắt và thần sắc nhợt nhạt của các mẹ có con sơ sinh đã nói lên hết tất cả nỗi vất vả này. Chính vì vậy mà việc ru giấc cho con rất được chú trọng. Nhiều gia đình chọn cách giữ phòng ngủ của bé thật yên tĩnh, không một tiếng ồn để bé được ngủ sâu hơn. Tuy nhiên đây là một sai lầm vì thực tế “tiếng ồn trắng” như âm thanh róc rách của nước, tiếng quạt vo vo nhẹ nhàng… lại giúp trẻ ngủ ngon hơn nhiều so với một căn phòng tĩnh mịch.

9. Mẹ không có sữa thì xin sữa mẹ vẫn tốt hơn dùng sữa công thức

Khi sữa mẹ cạn hoặc chưa kịp về mẹ sẽ làm cách nào? Thay vì tạm cho con dùng sữa công thức, nhiều mẹ chuộng nuôi con tự nhiên đã đến xin sữa mẹ từ các nơi về cho con bú. Trong một thời gian dài, thậm chí còn có cả hội cung cấp sữa mẹ miễn phí cho các bà mẹ thiếu sữa. Việc làm này xuất phát từ lòng tốt nhưng lại không được các bác sĩ đồng thuận. Bởi lẽ sữa mẹ nhiễm bệnh, sữa mẹ từ quá nhiều nguồn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn. Do đó nếu sữa chưa kịp về, mẹ nên tạm pha sữa công thức cho con uống bằng muỗng trong thời gian tìm cách kích sữa nhé!

10. Muốn đi làm trở lại, không bế khi con khóc để tập cho bé không rịt hơi mẹ

Nhiều người cho rằng trẻ nhỏ quen hơi mẹ sẽ rịt hơi và không chịu rời mẹ. Như thế khi mẹ đi làm trở lại sẽ rất khó khăn. Do đó, để tập tành, nhiều người đã bỏ mặc đứa trẻ khóc đòi mẹ và kiên quyết dằn lòng nhất định không bế dù con khóc khan cả họng. Thực tế, các nhà nghiên cứu không đồng tình với lựa chọn này. Bộ não của trẻ sơ sinh vẫn chưa phát triển đầy đủ, dễ bị tổn thương và các tế bào còn phải tiếp tục hoàn thiện. Trẻ liên tục quấy khóc trong những năm tháng đầu đời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống điều khiển cảm xúc, khả năng giữ bình tĩnh và tiết chế căng thẳng khi trẻ lớn lên sau này. Ngoài ra nó còn có thể dẫn đến những bệnh tâm lý phức tạp và làm rối loạn hành vi của trẻ khi lớn lên.

11. Trẻ con đề kháng yếu, bệnh là bình thường

Trẻ nhỏ bệnh, sốt, cảm là bình thường do hệ miễn dịch yếu. Nhưng trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi bị sốt phải đặc biệt quan tâm vì nó có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe: co giật, mất nước, biến chứng về hô hấp và tim mạch, rối loạn đông máu, di chứng thần kinh, vận động…, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

12. Trẻ con bắt buộc phải dùng phấn rôm

Không biết tự bao giờ trẻ sơ sinh luôn gắn với phấn rôm. Nhà nào có trẻ sơ sinh đều không thể không có bình phấn rôm trong nhà. Có thể dùng phấn rôm để hạn chế hăm da ở trẻ sơ sinh nhưng nếu lạm dụng hoặc dùng không đúng cách có thể làm tình trạng hăm lở da thêm nặng, nhất là trong mùa nắng nóng, trẻ dễ đổ mồ hôi. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp phấn rôm có thể gây ngộ độc.

13. Cứ tóc máu là phải cắt

Quan niệm dân gian cho rằng việc cắt tóc máu thường xuyên sẽ kích thích, giúp tóc bé mọc nhanh, dày và khỏe hơn. Tuy nhiên, từ góc độ y khoa, cắt tóc máu là việc làm không cần thiết, nếu trẻ còn quá nhỏ. Tóc có thể bảo vệ da đầu trẻ nên nếu cắt quá sớm có thể làm tổn thương da đầu và ảnh hưởng đến thóp đầu của trẻ. Tốt nhất để trẻ qua 1 tuổi hãy bắt đầu nghĩ đến việc cắt tóc máu để bảo vệ và giữ ấm cho thóp.

14. Người lớn có thương mới hôn trẻ nhỏ

Cha mẹ rất hạnh phúc khi con mình được nhiều người yêu thương, quan tâm. Nhưng giới hạn của những yêu thương dành cho trẻ sơ sinh sẽ là cách tốt nhất để bảo vệ con. Những cái ôm hôn yêu thương của cha mẹ, hay của người thân, bạn bè có thể trở thành “nụ hôn thần chết” cướp đi mạng sống của con chỉ trong một thời gian ngắn. Cơ thể bé còn rất non yếu, kháng thể trong người rất kém, nhưng vi rút, vi khuẩn gây bệnh từ người lớn truyền qua lại quá mạnh, đủ để quật ngã một đứa trẻ chỉ vừa chào đời không lâu.

Hy vọng những sai lầm chăm sóc trẻ sơ sinh như thế này sẽ được truyền rộng rãi đến các cha mẹ để bảo vệ an toàn cho con trong những tháng đầu đời non yếu nhé!

 

Theo tinhannhat.info

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU