Con khờ đánh mẹ vì cơm ăn không đủ no
Nhiều năm nay, người dân ấp 14, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải không còn xa lạ với hình ảnh đôi vợ chồng già, suốt ngày quần quật đi cắt cỏ thuê, ai kêu gì làm nấy để gom góp tiền mua gạo về nuôi 4 đứa con khờ. Dù ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng cuộc sống của vợ chồng ông Quân và bà Dương Thị Đầm (64 tuổi) chưa một ngày nhàn hạ.
Dù đã hơn 30 tuổi nhưng cả 4 người con của vợ chồng ông Quân như trẻ lên ba. |
Anh Hưởng là người bệnh nặng nhất khi suốt ngày chỉ biết la hét. |
Những ngày đầu tháng 8/2018, chúng tôi tìm về căn nhà lá dột nát nằm sâu trong cánh đồng lúa thuộc ấp 14, nơi cả gia đình 6 người nhà ông Quân đang sinh sống.
Loay hoay cột lại bao cỏ, ông Quân cố hết sức vác lên người để đi giao cho người ta. Những bao cỏ dại được hai vợ chồng gom góp được là cần câu cơm giúp 4 đứa con khờ của ông qua cơn đói.
Quệt những giọt mồ hôi lăn dài trên đôi gò má, cố nhíu đôi mắt lờ mờ, ông Quân cho biết đã hơn 30 năm nay, niềm vui con cháu chưa một lần được trọn vẹn khi lần lượt những đứa con của ông bỗng hóa khờ, điên dại la hét khắp nơi.
Anh Trung thì cười nói, ú ớ suốt ngày. |
Vì bệnh nặng mà không có tiền đi bệnh viện, đôi mắt của anh Hưởng cũng đã bị mù. |
"Tụi nó khùng điên chứ có biết gì đâu mà mình hông thương. Con có điên, có dại cũng là con mình, sao mà tôi bỏ được", ông Quân nghẹn ngào nói.
Theo ông Quân, sau khi ông và bà Đầm kết hôn, cuộc sống của hai vợ chồng được sum vầy hạnh phúc khi lần lượt đón những đứa con chào đời. Trớ trêu thay, cả 4 người con của ông bà càng lớn lại không giống người ta, đứa thì phát bệnh, suốt ngày la hét, gặp ai cũng đánh, đứa thì khờ khạo, chỉ biết ru rú suốt ngày trong nhà không dám ra ngoài.
"Con Bí năm nay đã 38 tuổi rồi, thằng Hưởng cũng 30, mà đứa nào đứa nấy chẳng biết làm gì. Đến cơm ăn mẹ nó phải bới cho nữa. Lúc sinh tụi nó ra đều bình thường cả, nhưng không hiểu sao cứ lớn lên hết đứa này bệnh đến đứa kia, tụi nó có biết ai là cha, là mẹ đâu. Thằng Hưởng còn nhiều lần đánh bả phải nhập viện cơ đấy", ông Quân đau đớn nói.
Bữa cơm trưa của anh Hưởng được bà Đầm đem tới chòi riêng. |
Tép con với một ít rau xào đã là bữa ngon của gia đình bà. |
Bới tô cơm trộn với ít tép nhỏ, rau xào, bà Đầm lom khom ra sau vườn, nơi anh Hưởng đang sống để cho con ăn bữa trưa. Cũng vì phát bệnh nặng, suốt ngày chỉ biết la hét, đánh người nên buộc ông bà phải dựng riêng một cái chòi cho anh Hưởng ở tạm.
Nghe tiếng bước chân của bà Đầm, từ cánh cửa đóng chặt bỗng vang lên tiếng la hét của anh Hưởng. Biết con đang giận, bà Đầm nhỏ nhẹ cuối xuống bên con, cố hết sức dỗ ngọt rồi đưa tô cơm trưa. Nhìn đôi bàn tay anh Hưởng bốc cơm, bà Đầm nuốt nước mắt.
Ông Quân cho biết dù rất thương con nhưng ông không biết làm cách nào để cải thiện cuộc sống. |
Hai vợ chồng già nhìn những đứa con khờ dại mà rớt nước mắt. |
"Mấy hôm rồi nó phát bệnh, không còn hiền như trước nữa, phần thì nó đói bụng mà cơm ăn không đủ no, phần khác đôi mắt nó giờ coi như đã mù rồi. Tôi thương nó mà chẳng biết làm sao cả, bệnh tật cứ để như vậy chứ nào có tiền mà đi mua thuốc", bà Đầm bật khóc.
Theo bà Đầm, anh Hưởng từ nhỏ đã không được bình thường, hay đi đánh người, có lần đuổi đánh cả ông bà nên trong làng ai cũng sợ. Vài tháng nay thì anh bệnh nặng, đôi mắt không còn thấy đường nên ông bà dựng tạm cái chòi sau nhà để anh ở, cứ đến giờ cơm bà lại cặm cụi ra chăm sóc cho anh.
Lúc trước còn khỏe, hai vợ chồng ông bà đi mần cỏ, làm ruộng, ai kêu gì làm nấy để đổi lấy gạo, mắm muối về nuôi 4 đứa con khờ. Mấy năm trở lại đây, bà Đầm mắc bệnh xương khớp, ông Quân cũng không còn khỏe như trước nên cuộc sống càng thêm chồng chất khó khăn.
Vợ chồng tôi chết sẽ đưa các con theo cùng, chứ để lại biết sống với ai
Kể từ ngày anh Hưởng đổ bệnh nặng, hai vợ chồng ông Quân như ngồi trên đống lửa khi không có đủ tiền để mua thuốc cho con. Trong khi đó, 3 người con còn lại của ông bà "có lớn mà không có khôn", chỉ biết ú ớ cười nói suốt ngày.
Anh Trung nói cười, đó cũng là niềm vui của ông bà lúc tuổi xế chiều. |
Chị Bí là người tỉnh nhất trong những đứa con của ông bà, có thể tự bới cơm đẻ ăn. |
Ngồi bên cạnh bà Đầm, chị Bí (38 tuổi, con gái lớn) cứ luôn miệng cười rồi bẽn lẽn nói: "Em thương mẹ lắm, thương đến chết mới thôi". Kế bên chị Bí, anh Trung (33 tuổi), vừa chỉ trỏ, vừa cười ngặt nghẽo: "Em ăn không có được no, khi nào mẹ có mới cho ăn. Ngoài kia có xe to lắm, đẹp lắm, em muốn mua xe, không muốn ngồi một chỗ như thằng Hưởng đâu". Nhìn 4 người con ngây dại, hai vợ chồng ông Quân chỉ biết nuốt nước mắt.
Mỗi ngày, với thu nhập vài chục ngàn từ những bao cỏ, hai vợ chồng ông Quân chỉ đủ mua gạo và chút thức ăn cho các con. Nhiều lúc, ông bà chỉ ước có được bữa cơm ngon, đầy đủ cá thịt để ăn cùng các con rồi chết cũng mãn nguyện.
Mỗi ngày, hai vợ chồng già phải đi cắt cỏ để bán lấy tiền mua gạo. |
Căn nhà trống trải không lấy một vật dụng đáng giá. |
"Mình nghèo khổ, có được cơm ăn đã mừng, đâu cần ăn ngon đâu, đồ đạc quần áo của cả nhà tôi đều xin cả. Chỉ sợ đến một ngày hai vợ chồng không còn sức lao động nữa, mấy đứa nhỏ không biết lấy gì để bỏ bụng thôi", bà Đầm ngấn nước mắt.
Trong số 4 người con, anh Chanh (35 tuổi) mắc phải chứng co giật, lại rù rờ như người mất hồn nhưng vì không có tiền, ông bà đành để ở nhà, xin thuốc nam cho uống.
"Giờ vợ chồng tôi đâu còn cách nào khác, chỉ trách mình nghèo quá không lo được cho con, để bây giờ chúng phải khổ. Nhiều lúc tôi chỉ muốn chết đi để không còn phải chứng kiến cảnh các con khờ dại, đói ăn nữa", ông Quân nói.
Anh Chanh bệnh rất nặng nhưng bà Đầm không dám đưa đi bệnh viện vì không tiền. |
Cảnh nghèo nàn cứ bám víu lấy cuộc sống gia đình bà. |
Thấy vợ chồng ông khổ cực, người dân xung quanh cũng thường xuyên lui tới, lâu lâu lại cho lon gạo, mớ rau để chia sẻ với ông bà. Nhiều người khuyên đưa mấy người con vào bệnh viện tâm thần cho đỡ cực nhưng ông bà không nỡ.
"Nó là con của tôi, sao nỡ đưa nó vào trại cơ chứ. Tôi còn sống ngày nào thì tôi phải chăm sóc cho tụi nó. Lỡ mà hai vợ chồng chết đi, không biết tụi nó sẽ sống như thế nào. Tôi tính rồi, có chết tôi sẽ đưa các con theo cùng, trước khi mất chỉ mong cả gia đình được ăn một bữa đàng hoàng", bà Đầm xúc động nói.
Đến cơm ngày ba bữa, bà cũng phải chạy từng ngày. |
Chỉ mong có một phép màu để giúp đỡ gia đình bà bớt khó khăn. |
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Quân khi 4 đứa con đều mắc bệnh tâm thần, chúng tôi tha thiết kêu gọi quý độc giả gần xa giúp đỡ để gia đình có điều kiện đưa 2 người con đi chữa bệnh, cải thiện cuộc sống.
Theo tri thức trẻ