Mẹ thực sự không hiểu mình. Mình chỉ muốn nói với mẹ: "Hôm nay mình không ăn, không phải mình bệnh hay muốn làm bướng đâu. Mình thấy mẹ buồn và lo lắng, mẹ lại càng áp lực hơn khi bác hàng xóm nói bạn Tin gần nhà ăn lượng gần gấp đôi mình. Rồi mẹ cố ép mình ăn nào sữa, nào cơm, nào bún cho bằng bạn Tin.
Thực ra, mình cũng chưa hỏi bạn ấy nữa, mình cũng không biết bạn ấy có đang bị ép ăn như mình không. Mình thương mẹ lắm, mình muốn ăn để mẹ vui, nhưng mình ăn không nổi, ăn nhiều mình sẽ bị ói. Nhiều lần mình muốn nói với mẹ, mẹ ơi con no rồi nhưng hình như mẹ không nghe thấy! Mình buồn lắm!".
Những dòng tâm sự của 1 em bé "biếng ăn" trên đây hẳn sẽ khiến không ít cha mẹ bất ngờ. Nhưng bất ngờ hơn nữa là đôi khi nguyên nhân dẫn đến việc trẻ biếng ăn không phải nằm ở chỗ mẹ nấu ăn tệ hay lý do gì khác, mà lý do lại rất bất ngờ.
Bài viết của bác sĩ Anh Nguyễn (ĐH Worcester - Anh) sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn nữa về những điều đặc biệt của hệ tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Một nghiên cứu gần đây dẫn đầu bởi Tiến sĩ Harris, ĐH CN Queensland, Úc cho biết sự thiếu hiểu biết về nhu cầu, về sự phát triển của trẻ đã vô tình khiến nhiều cha mẹ cho trẻ ăn sai cách và dẫn đến sự biếng ăn kéo dài của trẻ. Đây là một vài điều thú vị về hệ tiêu hóa của trẻ mà cha mẹ nên hiểu để chăm sóc trẻ tốt hơn.
1. Bí mật cái bụng nhỏ xíu của trẻ
Một vài điều cha mẹ cần hiểu thêm về cái bụng của trẻ. Dung tích chứa của "bụng" (dạ dày) trẻ 1 tuổi chỉ khoảng 200ml, và 2 tuổi vào khoảng 500ml. Trong khi người lớn là 2000ml. Nó thật sự rất nhỏ nếu so với của người lớn chúng ta. Nó không thể chấp nhận ăn nhiều một lúc hay cố ăn thêm, và nó cũng không thể nhận thêm gì nếu trước đó trẻ ăn lặt vặt quá nhiều.
Thời gian tiêu hóa cũng chậm hơn nhiều so với người lớn. Đặc biệt với một số chất béo bão hòa hoặc trans-fat, chất đường ngọt là khó tiêu hóa đối với trẻ. Vậy, nếu trẻ ăn vặt đặc biệt là bim bim hay bánh kẹo quá gần bữa chính có thể làm trẻ no và không cảm thấy hứng thú trong bữa ăn chính.
Do đó, cha mẹ nên xem xét:
- Lượng bé đã ăn lặt vặt trong ngày là bao nhiêu hoặc biết đâu tâm lý sợ bé đói, bạn đã cho bé ăn thêm những món nào trước đó?
Hãy viết ra giấy. Đôi lúc khi viết xong bạn cũng nhận rằng thật ra trẻ ăn nhiều hơn bạn nghĩ. Nếu thực sự trẻ không ăn gì, kể cả món vặt thì bạn nghĩ lượng sữa bé uống 400-500ml là cân bằng với trẻ chưa?
Để trả lời, bạn cũng nên xem xét thêm trẻ có uống gì khác ngoài sữa không, ví dụ như nước ép trái cây, ăn dưa hấu chẳng hạn.
2. Trẻ cũng cảm nhận được sự lo lắng và stress của cha mẹ
Tôi nhớ có một lần đi siêu thị, thấy người mẹ mắng con rằng: "Đau bụng gì hoài, lúc nào cũng toàn viện cớ. Mốt không cho đi theo nữa", lúc này cô bé tầm 4 tuổi càng tức tưởi và khóc lớn hơn. Người mẹ có vẻ khá bực bội khi phải chờ tính tiền lâu.
Thực ra, trong độ tuổi phát triển đến 6 tuổi, trẻ có thể trải qua 1 số cơn đau bụng thường xuyên hơn người lớn chúng ta. Điều này có thể liên quan đến khả năng đáp ứng stress của trẻ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến stress của trẻ cũng có thể đến từ cha mẹ. Nếu tâm trạng bạn buồn bực khi chăm sóc trẻ, trẻ cũng cảm nhận được sự buồn bực và khó chịu, hệ thống đáp ứng với stress giữa hệ tiêu hóa và não bộ chưa hoàn thiện có thể gây ra một số khó chịu này.
Tiến sĩ Taylor, ĐH Bristol (Anh)
Cha mẹ càng stress trong bữa ăn của trẻ, trẻ lại càng biếng ăn và khó chịu hơn mà không giải quyết được vấn đề.
Hãy tưởng tượng xem, trẻ 4 tuổi trở lên có thể kể bạn nghe là trẻ bị đau bụng mà đôi lúc bạn cho là "trẻ làm bộ". Với trẻ nhỏ hơn không đủ ngôn ngữ và nhận thức để nói cho bạn nghe, việc trẻ thể hiện mệt mỏi, khó chịu hoặc chán ăn là điều dễ hiểu. Càng la mắng, càng làm trẻ cảm thấy tệ hơn. Đôi lúc bạn nghĩ trẻ đang làm bạn stress, nhưng ngược lại chính bạn cũng đang làm trẻ rất stress đó.
Cha mẹ được khuyên là nên bình tĩnh và luôn thể hiện thái độ tích cực và vui vẻ. Điều này cũng làm trẻ có thái độ tích cực khi đáp ứng lại với bạn. Nếu trẻ biếng ăn, thay vì ép, dụ hoặc la mắng trẻ, khi bữa ăn kéo dài hơn 30 phút, bạn có thể ngưng bữa ăn đó trẻ.
Tuy nhiên, cha mẹ vẫn kiên nhẫn hằng ngày giới thiệu bữa ăn cho trẻ, thay đổi mì nui bún nếu bé không thích cơm cháo, thay đổi màu sắc hình dạng món ăn. Nếu có dịp thì khuyến khích bé cùng bạn trang trí dĩa thức ăn, hoặc cho bé chọn món ăn bé thích bỏ vào dĩa. Những ngày không chịu ăn sẽ sớm qua đi một cách nhẹ nhàng và con sẽ ăn trở lại nếu trẻ không thấy áp lực nào từ cha mẹ.
Dưới đây là 10 đặc điểm của một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Nếu con bạn dưới 5 điểm là lúc bạn cần thay đổi một số thói quen để giúp trẻ có hệ tiêu hóa và thói quen ăn uống tốt hơn
1. Uống đủ nước.
2. Ăn thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm chất xơ tan.
3. Không hoặc ít ăn bánh kẹo ngọt và nước ngọt.
4. Không hoặc ít ăn những thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh.
5. Dùng sữa, sữa chua hoặc thực phẩm có bổ sung lợi khuẩn.
6. Nhai kĩ khi ăn.
7. Năng tập thể thao, và thời gian thụ động < 1 tiếng trên màn hình mỗi ngày.
8. Ngủ tốt.
9. Ăn cá ít nhất 1 ngày/tuần.
10. Thường xuyên vui vẻ.
Vài nét về tác giả:
Bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.