Bé gái 7 tuổi suýt chết vì thói quen cắn bút khi ngồi học

(lamchame.vn) - Chúng ta vẫn nghĩ rằng chỉ có trẻ dưới 3 tuổi mới có nguy cơ bị hóc dị vật, thực tế thì có nhiều dạng hóc dị vật khác nhau. Mới đây có 1 bé gái 7 tuổi ở TP HCM đã suýt chết vì bị hóc dị vật  do có thói quen cắn bút khi ngồi học.

Bệnh viện Nhi đồng 2 - TP HCM hàng ngày tiếp nhận nhiều ca bệnh liên quan đến hóc dị vật. Mới đây nhất là 1 bé gái 7 tuổi, ngụ quận 9 với những biểu hiện ho có đờm, họng thường xuyên phát ra tiếng động lạ. Khi hỏi gia đình xem bé có ăn phải xương cá hay món ăn nào có khả năng bị hóc hay không thì bố mẹ đều không chắc chắn. Bé được chụp CT, kết quả trên phim cho thấy có dị vật ở dưới thuỳ phổi phải.

Sau khi nội soi phế quản, các bác sĩ đã gắp dị vật là ngòi bút chì dạng lắp ghép ra khỏi đường thở của bé. Điều này khiến gia đình hết sức bất ngờ. Hóa ra thói quen cắn bút khi ngồi học của bé lại chính là nguyên nhân khiến bé bị hóc dị vật.

Thói quen cắn bút tưởng như vô hại lại khiến trẻ có thể bị hóc dị vật

Điều may mắn là bố mẹ đã cho bé đến viện kịp thời bởi nếu chỉ để vài ngày nữa là carbon trong đầu bút chì có thể gây kích thích tạo đờm nhớt. Những tổn thương đó có thể sinh mủ, gây viêm phổi nặng hoại tử, áp xe phổi, nhiễm trùng huyết và có thể dẫn đến tử vong. 

Theo các bác sĩ Tai – mũi – họng thì cắn bút không phải là thói quen duy nhất khiến trẻ bị hóc dị vật. Họ đã tiếp nhận những ca bệnh mà nguyên nhân hóc đều không nằm trong sự dự đoán của mọi người. Đặc biệt có bé đã tử vong vì hóc cọng kẽm quấn quanh đầu cây xúc xích mà bé vẫn ăn hàng ngày. Cọng kẽm này đã gây ra biến chứng viêm phổi kéo dài, nhiễm trùng huyết. 

Vì vậy trong mọi trường hợp các gia đình không cho con ăn những đồ ăn cứng, những bé dưới 4 tuổi không ăn các loại thực phẩm dạng hạt. Khi ăn nên duy trì trạng thái ngồi thẳng và có sự giám sát của người lớn. Không nên để bé vừa ăn vừa nằm hoặc vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa sẽ dễ dẫn đến sặc hoặc hóc. 

Khi cho trẻ uống thuốc bố mẹ cần hòa tan hoặc nghiền nhỏ, không nên bẻ vụn viên thuốc vì những cạnh sắc có thể cũng khiến bé bị hóc. Luôn trò chuyện với con về những nguy cơ hóc dị vật để con tự biết cách bảo vệ chính mình. Nếu phát hiện ra con bị hóc bố mẹ không nên cố móc họng của con để con nôn ra bởi như thế sẽ càng làm cho tổn thương nặng hơn. Hãy tìm đến các cơ sở y tế để có sự can thiệp kịp thời.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang