Bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh như thế nào? Bệnh ho gà có gây nguy hiểm?

(lamchame.vn) - Ho gà là một trong những bệnh về đường hô hấp mà Trẻ sơ sinh hay mắc phải, đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa. Những biến chứng nguy hiểm có thể gặp ở Trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Nhận biết bệnh ho gà như thế nào?

Ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Đây là căn bệnh rất dễ lây nhiễm sang người khác khi có tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh hoặc không khí có chứa vi khuẩn gây bệnh.

Với trẻ sơ sinh, vi khuẩn sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm sưng phổi và tấn công vào các cơ quan khác nằm trong hệ hô hấp của trẻ. Bệnh thường bắt đầu bằng các triệu chứng giống như cảm lạnh và có thể ho nhẹ hoặc sốt nhẹ.

Những cơn ho sẽ ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

ho-ga-o-tre-so-sinh.jpg

Bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh thường tiến triển qua các giai đoạn: Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 6-20 ngày (trung bình khoảng 9-10 ngày): thời kỳ này không có triệu chứng; Giai đoạn viêm long đường hô hấp: kéo dài khoảng 1-2 tuần, các triệu chứng xuất hiện giống như các bệnh viêm đường hô hấp trên bao gồm sốt nhẹ, chảy nước mũi, ho húng hắng , hắt hơi cuối giai đoạn này ho nặng thành cơn;

Giai đoạn khởi phát: kéo dài từ 1-6 tuần, có trường hợp đặc biệt có thể kéo dài trên 10 tuần với biểu hiện cơn ho điển hình như: Trẻ ho rũ rượi, thành từng cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ở trẻ những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần như ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.

Thở rít vào: Xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít. Khạc đờm: Khi trẻ khạc đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Trong đờm có trực khuẩn ho gà.

Trong khoảng 2 tuần đầu của giai đoạn này tần suất các cơn ho khoảng 15 cơn/ ngày. Sau đó giảm dần có thể kéo dài trên 3 tuần nếu không được điều trị. Sau mỗi cơn ho trẻ mệt, có thể nôn, thở nhanh. Có thể kèm theo các triệu chứng sau: sốt nhẹ, mặt và mí mắt nặng.

Giai đoạn phục hồi: Cơn ho ít dần, bệnh nhân hạ sốt. Tuy nhiên sau đó nhiều tháng ho có thể tái lại gây viêm phổi.

Ho gà có nguy hiểm với trẻ sơ sinh?

Ho gà có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Vì những dấu hiệu khởi phát tương tự như bệnh cảm lạnh thông thường, nhiều bậc phụ huynh thường có tâm lý chủ quan, tự ý điều trị ở nhà, tự mua thuốc và áp dụng kinh nghiệm dân gian. Điều này vô tình làm bệnh ho gà trở nặng và dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, mất nước, khó thở hoặc ngưng thở do oxy không đủ cung cấp lên não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm…

Chăm sóc và điều trị bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh

Ho gà là căn bệnh có khả năng lây lan rất cao, vì vậy khi phát hiện trẻ bị bệnh mẹ nên cách ly trẻ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với quá nhiều người, tránh tình trạng bệnh lây lan sang người khác.

Các bậc cha mẹ tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị cho trẻ khi không có chỉ định của bác sĩ.

Khi trẻ bị ho gà cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thông thường, nếu phát hiện trẻ bị ho gà bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn kháng sinh để điều trị cho bé nhằm loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh.

Bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh nếu được phát hiện và điều trị sớm bằng kháng sinh sẽ có tác dụng làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh ho gà, loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh và rút ngắn thời gian điều trị, ngăn ngừa bệnh lây nhiễm sang người khác.

Nguồn: Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang