Bí quyết giúp trẻ phát triển khỏe mạnh sau cai sữa

Theo các chuyên gia y tế, sau giai đoạn cai sữa, trẻ nhỏ rất hay gặp các vấn đề về sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, còi xương, suy dinh dưỡng… Vì vậy, việc bổ sung các dưỡng chất cần thiết giúp cơ thể trẻ phát triển khỏe mạnh là việc làm vô cùng quan trọng trong giai đoạn này.

Các chuyên gia khuyến cáo, sau khi cai sữa, bố mẹ cần tăng cường các chất dinh dưỡng cần thiết để trẻ phát triển khỏe mạnh.  Ảnh minh họa

Các chuyên gia khuyến cáo, sau khi cai sữa, bố mẹ cần tăng cường các chất dinh dưỡng cần thiết để trẻ phát triển khỏe mạnh. Ảnh minh họa

Ốm vặt liên miên sau khi cai sữa mẹ

Vất vả, vật lộn mới cai sữa cho con được hơn một tuần, nhưng chị Phương Liên (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại phải đối mặt với tình trạng “khủng hoảng” sau cai sữa. Theo lời chị Liên, sau 2 đêm khóc ròng vì “nhớ” ti mẹ không ngủ được, con gái chị (19 tháng tuổi) lăn ra ốm. Dù đã làm đủ mọi cách để nịnh con ăn nhưng cô bé nhất quyết không chịu uống sữa, cả ngày ăn được vài thìa cháo khiến người ngày càng gầy tọp đi. Vì quá thương con, chị Liên đang nghĩ đến phương án cho con “tái nghiện” trở lại.

Cũng là một trong những trường hợp “nghiện” sữa mẹ, bé Hoàng Anh (2,5 tuổi) trở nên biếng ăn, hay ốm vặt kể từ khi bị mẹ “cắt” sữa. Chị An, mẹ bé cho biết, sau cai sữa vài ngày, con chị bị tiêu chảy. Sau đó là một chuỗi ngày những trận ốm vặt liên miên. Lúc thì viêm mũi, viêm họng, khi thì đau bụng rồi táo bón. Cân nặng của bé thì ngày càng có chiều hướng đi xuống. Lo con bị suy dinh dưỡng, vợ chồng chị An cũng ngược xuôi tìm thuốc bổ sung dưỡng chất cho con.

ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trẻ nhỏ cần được bú sữa mẹ tối thiểu đến 2 tuổi để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ. Tùy từng hoàn cảnh và thể chất của trẻ, người mẹ có thể quyết định thời gian cai sữa cho con. Nếu việc trẻ bú mẹ không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của mẹ và con, không ảnh hưởng đến việc ăn uống của trẻ (trẻ không bị biếng ăn), không ảnh hưởng đến công việc của mẹ thì bà mẹ vẫn có thể cho con bú đến 3-4 tuổi. Sữa mẹ lúc này tuy không tốt như lúc mới sinh nhưng vẫn đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

Theo BS Lê Thị Hải, sau khi cai sữa, trẻ nhỏ rất dễ gặp phải một số vấn đề về sức khỏe. Nguyên nhân là do, khi trẻ còn bú mẹ, trẻ được cung cấp nhiều kháng thể có trong sữa mẹ, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, sau khi cai sữa, nguồn kháng thể từ sữa mẹ bị “cắt” trong khi hệ miễn dịch trong cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên rất dễ bị các vi khuẩn tấn công gây bệnh.

Trong đó, rối loạn tiêu hóa là tình trạng hay gặp do trẻ bị nhiễm khuẩn từ thức ăn, nước uống, đồ chơi, môi trường xung quanh. Các biểu hiện thường thấy như tiêu chảy cấp, táo bón, nôn trớ, đầy bụng, khó tiêu. Bên cạnh đó, nhiều trẻ sau cai sữa rơi vào tình trạng biếng ăn. Đây là nguyên nhân gây chậm lớn, chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao và có thể dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng, không đạt đến chiều cao tối đa ở tuổi trưởng thành. Do đó, chuyên gia khuyến cáo, giai đoạn sau cai sữa là thời điểm vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần đặc biệt chú ý, nhất là chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ.

Bí quyết giúp trẻ phát triển khỏe mạnh sau cai sữa

Theo các chuyên gia, quá trình cai sữa cho bé có thể mất vài ngày, thậm chí vài tuần tùy vào sự thích nghi của từng trẻ. Do đó, mẹ không nên cho bé ngưng bú đột ngột mà cần tiến hành dần dần. Việc ngưng bú mẹ đột ngột có thể khiến trẻ bị sốc và biếng ăn, còn mẹ gặp phải những vấn đề như tắc tia sữa, áp-xe vú… Bên cạnh đó, không cai sữa cho trẻ khi trẻ bị ốm, nhất là khi trẻ bị tiêu chảy vì thức ăn thay thế trẻ chưa thích nghi được càng bị rối loạn tiêu hoá, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng.

Để bắt đầu giai đoạn cai sữa, BS Lê Thị Hải tư vấn: Người mẹ nên cai sữa từ từ bằng cách giảm dần các cữ bú trong ngày. Chẳng hạn, bỏ bớt một cữ bú trong ngày và rút ngắn thời gian cho bú mỗi lần. Trong giai đoạn chuyển từ bú mẹ sang bú bình, mẹ có thể nhờ người thân gần gũi chăm sóc bé nhiều hơn. Tuy nhiên, BS Lê Thị Hải lưu ý, điều đó không đồng nghĩa với việc mẹ cách ly bé hoàn toàn. Thực chất, bé cai sữa chứ không phải “cai mẹ”. Do đó, việc cách ly khỏi người mẹ có thể khiến trẻ bị tổn thương về mặt tinh thần.

Cũng theo BS Lê Thị Hải, sau khi cai sữa thành công cho trẻ, việc quan trọng là mẹ cần bổ sung sữa công thức giàu dưỡng chất phù hợp với độ tuổi của trẻ. Bên cạnh đó, tăng cường các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày để đảm bảo trẻ không bị thiếu hụt các nguồn dinh dưỡng thiết yếu. Chú ý khẩu phần ăn hàng ngày của bé phải cân đối, đa dạng thực phẩm, sử dụng các thực phẩm dễ tiêu hóa, hấp thu, giàu chất xơ, giúp tăng cường miễn dịch như sữa, sữa chua, thịt, cá, trứng, rau, trái cây. Những loại rau xanh và củ quả mềm rất thích hợp với trẻ như táo, chuối, khoai lang, cà rốt, súp lơ, bí xanh, rau bina…

Cụ thể, với các bé trên 6 tháng tuổi, bên cạnh việc cho bé bú bình, mẹ có thể cho bé tập ăn dặm và tăng dần số lượng nếu bé đã đủ cứng cáp. Mẹ nên cho bé ăn dặm từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều, giới thiệu đa dạng món ăn nhưng mỗi lần chỉ cho bé ăn một món, tập làm quen vài ngày mới chuyển sang món mới. Bé từ 6 - 9 tháng tuổi, mỗi ngày nên ăn ngày 2 bữa, ít hay nhiều do tùy từng bé. Sau 9 tháng tuổi thì bé cần ăn 3 bữa/ngày. Khi cho bé dưới 2 tuổi ăn dặm thì chỉ cần cho bé ăn đủ chất, không cần ép ăn nhiều, nên cho ăn theo khả năng của bé, sữa vẫn là thực phẩm quan trọng cung cấp năng lượng và dinh dưỡng. Nếu bé ăn 2 bữa/ngày thì cần uống ít nhất 800 ml sữa mỗi ngày, nếu bé ăn 2 bữa/ngày thì cần uống ít nhất 600 ml sữa mỗi ngày. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên bổ sung Vitamin D cho trẻ mỗi ngày để phòng chống bệnh còi xương.

Ngoài ra, để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, bố mẹ nên đảm bảo vệ sinh môi trường sống xung quanh và giữ nhà cửa sạch sẽ. Tuân thủ nguyên tắc cho trẻ ăn chín, uống sôi và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ. Nếu trẻ bị nhiễm khuẩn, đường hô hấp hoặc tiêu hóa phải đưa đi khám và điều trị sớm, tránh bệnh nặng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Một số mẹo có thể dùng khi cai sữa

Mẹ có thể dùng cao hoặc dầu gió bôi lên hai đầu ti, nếu bé đòi bú thì cho bé ngửi hoặc ngậm đầu ti. Mùi hắc khó chịu sẽ khiến bé thấy lạ không đòi bú nữa. Tuy nhiên, khi áp dụng cách này, mẹ nên bôi dầu và cao với số lượng vừa phải, coi chừng nguy hiểm cho bé. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể hóa trang đầu ti bằng cách dùng son môi tô đỏ lên đầu ti hoặc dùng băng dính đen dán lên đầu ti của mẹ để bé nhìn thấy “sợ” sẽ không dám bú nữa.

Theo giadinh.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang