Bộ Y tế đưa ra cảnh báo nguy hiểm về tiết canh lợn

(lamchame.vn) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đưa ra các cảnh báo về bệnh liên cầu lợn và các nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm do ăn tiết canh lợn.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đưa ra cảnh báo tỷ lệ tử vong do liên cầu lợn gây ra khoảng 7%. Đặc biệt, món tiết canh không chỉ gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm mà còn khiến người ăn mắc các bệnh như người nổi "gạo" vì sán lợn, toàn thân xuất hiện các ban hoại tử vì liên cầu lợn, giun xoắn từ món tiết canh lợn bệnh khiến các vùng cơ đau đớn… .

Con đường lây truyền bệnh từ lợn sang người có thể qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở heo bệnh hoặc qua đường ăn uống. Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục.

Tiết canh món ăn nguy hiểm

Không chỉ vậy, người tiêu dùng có thể mắc bệnh giun xoắn nếu ăn phải thịt lợn bị nhiễm giun xoắn nấu chưa chin, nhất là món lòng lợn luộc chưa kỹ và món tiết canh vì trong thành ruột non và máu những con vật này có rất nhiều giun xoắn và ấu trùng. Đây là một bệnh nặng, khó chữa, dễ gây tử vong.

Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo, giun xoắn là một loại giun đặc biệt nguy hiểm vượt hẳn ra ngoài giới hạn các bệnh giun sán thông thường. Nó cũng là bệnh giun duy nhất gây sốt cao kéo dài ở giai đoạn đầu có thể làm ta nhầm với các bệnh nhiễm khuẩn nặng như thương hàn, sốt rét…

Bệnh liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm, có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó lợn (heo) và người là chủ yếu. Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị.

Bệnh liên cầu lợn ở lợn rất khó phát hiện, thường phải qua xét nghiệm mới biết. Vi khuẩn liên cầu lợn có khắp nơi trong tự nhiên, ổ chứa là lợn nhà (đã thuần chủng). 

Cả lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim cũng có thể mang vi khuẩn liên cầu lợn. Những loài động vật này mang mầm bệnh nhưng chúng không gây bệnh, nếu có chỉ gây bệnh nhẹ, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng mới gây nguy hiểm.

Bệnh ở lợn biểu hiện bằng viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm nội tâm mạc và viêm khớp. Thông thường người bị nhiễm vi khuẩn do tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh, lợn chết hoặc ăn tiết canh lợn, thịt lợn bệnh, lợn chết chưa được nấu chín kỹ.

Vi khuẩn gây hai bệnh cảnh chính là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết, nặng có thể gây sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, viêm nội tâm mạc... Nếu không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong. Cho dù bệnh nhân hồi phục, bệnh vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề như bị ù tai, giảm thính lực, điếc hoàn toàn…

Thời gian ủ bệnh ngắn, từ vài giờ đến 3 ngày. Khi khởi phát, người bệnh có các triệu chứng như sốt cao có thể kèm theo rét run; mệt, đau mỏi người; đau đầu, buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy; có thể mê sảng, ngủ gà, hôn mê. Những trường hợp nhiễm khuẩn huyết có thể xuất huyết dưới da, ban xuất huyết hoại tử lan rộng ở mặt, ngực, chân, tay và đầu các chi.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo hiện chưa có vaccine phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Do đó, người dân cần chú ý lựa chọn và sử dụng các sản phẩm thịt đã được chứng nhận thuộc chuỗi thực phẩm an toàn có quy trình kiểm soát từ khâu nuôi, giết mổ và kinh doanh có tem truy xuất nguồn gốc là một trong những giải pháp để tránh dùng phải nguồn thịt mang mầm bệnh. Với những hộ chăn nuôi cần quản lý và xử lý tốt nguồn chất thải của cả người và vật nuôi.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang