Tuổi thơ của trẻ có lẽ đều trải qua tuổi thơ của mình với ít nhất một lần rạn vỡ một mối quan hệ nào đó. Việc giận dỗi ở trẻ con thường xuyên xảy ra, tuy nhiên chỉ cần lời xin lỗi là trẻ lại vui vẻ chơi với nhau.
Theo chuyên viên tâm lý giáo dục Võ Thị Trường Thanh, Trung tâm Fudubank (chuyên về kỹ năng cho học sinh tại TP.HCM), dưới góc nhìn của trẻ nhỏ, mọi thứ lại thực sự quan trọng. Để nói ra được lời xin lỗi với người khác phải là người rất dũng cảm.
Đối với những bé có suy nghĩ này, nghĩa là con hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của câu nói xin lỗi. Nó thể hiện sự nhận biết khuyết điểm hoặc hành động sai của mình. Đồng thời là sự nhận thức về ảnh hưởng của hành động đó đã làm người khác bị tổn thương.
Bà Thanh cho biết thêm, một lời xin lỗi chân thành với thái độ đúng mực sẽ giúp mở cánh cửa của sự tha thứ, khiến mọi người cảm thông với nhau hơn. Từ đó, cải thiện tình trạng của mối quan hệ. Ngược lại, có thể làm cho mối quan hệ đó tệ đi.
"Việc dạy trẻ biết và hiểu ý nghĩa của hành động xin lỗi là rất quan trọng. Điều đó sẽ tác động đến sự duy trì mối quan hệ xã hội của trẻ sau này. Chúng ta nói tới “hành động xin lỗi” vì đây không chỉ gồm câu nói “xin lỗi” mà thôi. Nó còn chỉ đến thái độ khi nói, và những hành động thiết thực để thể hiện mục đích xin lỗi nữa" , bà Thanh nói.
Một số phương pháp sau đây sẽ giúp trẻ biết nhận lỗi và xin lỗi:
Dạy trẻ cách phân biệt đúng - sai, nên - không nên
Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ biết nhận thức hành vi của bản thân. Chính là bước đầu để giáo dục trẻ biết xin lỗi và chịu trách nhiệm cho sai lầm của bản thân. Người lớn cần đưa ra tình huống cụ thể cho trẻ nhận biết được hành động, cử chỉ hay lời nói nào là đúng, nào là sai cũng như cho trẻ biết rằng làm những điều đó sẽ nhận được kết quả như thế nào, có nên hay không nên làm.
Người lớn làm mẫu cho trẻ về việc nhận lỗi và xin lỗi
Khi bạn có hành động sai, hãy thừa nhận. Xin lỗi khi bạn phản ứng thái quá: “Ba/mẹ xin lỗi vì la mắng con. Con không đáng bị mắng như vậy”. Thay vì bạn chỉ vào mặt con và nói: “ Tại sao con lại lặp lại như vậy mẹ đã nói con như thế nào rồi”.
Dạy cho trẻ nói lời xin lỗi khi con làm việc sai trái bằng cách cho trẻ thấy rằng tất cả mọi người đều làm vậy. Nó khiến cuộc sống trở nên dễ chịu và thoải mái hơn. Đây là bài học quý giá mà chúng ta cần dạy cho trẻ.
Hướng dẫn cho trẻ chủ động nhận lỗi và xin lỗi
Chúng ta không nên ép buộc những lời xin lỗi của bọn trẻ. Các bạn nên dạy trẻ tự giác xin lỗi và lời xin lỗi chân thành có thể dẫn đến sự tha thứ.
Lời xin lỗi “cưỡng bức” không thực sự thay đổi hành vi và chỉ làm cho đứa trẻ cảm thấy đáng xấu hổ và tức giận. Điều tốt nhất cần làm là để con bạn hiểu được những việc sai của chúng đã làm và giúp chúng tìm ra cách thay đổi. Phụ huynh hãy hướng dẫn cho trẻ sửa lỗi của mình bằng hành động thiết thực. Điều đó, giúp trẻ tự nhận thức rằng bản thân phải chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình.
Chấp nhận tha thứ hoặc bỏ qua và khen thưởng trẻ sau khi trẻ nhận lỗi và xin lỗi
Một lời khen ngợi là rất cần thiết khi trẻ dám dũng cảm đứng ra nhận lỗi của bản thân mình. Bạn có thể dùng những câu như “Con rất dũng cảm, biết nhận lỗi như thế là đã lớn”… để khích lệ con mình. Hãy đưa ra cho trẻ những ví dụ rằng kể cả người lớn đôi khi cũng mắc sai lầm và nói thật ra để mọi người cùng góp ý, sửa chữa mới đáng khen và được tha thứ.
Không la mắng hay phạt trẻ
Đôi khi chúng ta cần có những hình phạt dành cho trẻ cứng đầu nhưng mọi phương pháp như vậy chỉ là nhất thời, quan trọng là người lớn cần giải thích cho trẻ hiểu sai lầm của trẻ và cho trẻ thấy rằng nếu còn tiếp tục sẽ nhận lại nhiều hậu quả. Việc la mắng hay phạt trẻ cũng là hình thức bạo lực, điều này càng làm tăng hung tính trong trẻ mà không giải quyết được gì.
Trên thực tế, rất nhiều trẻ không chịu nói xin lỗi đơn giản vì chúng không biết được tầm quan trọng của hành động ấy. Trẻ cần phải học được cách cũng như hiểu được tầm quan trọng của hành động xin lỗi.
Cha mẹ hãy giải thích để trẻ hiểu xin lỗi là việc cần làm khi trẻ có lời nói hoặc hành động sai trái với người khác. Trẻ cũng cần hiểu rằng hành động xin lỗi không xóa bỏ được những gì đã xảy ra. Điều đó cho thấy trẻ sẽ nỗ lực để không lặp lại việc sai đó nữa. Ngoài ra, việc hiểu được bằng cách xin lỗi, trẻ sẽ xoa dịu được những tổn thương mà mình đã gây ra cho người khác. Tất nhiên, bạn hãy diễn đạt theo cách phù hợp nhất với độ tuổi cũng như tính cách của trẻ.
Đối với các trẻ dưới 3 tuổi, trẻ cần được chỉ bảo khi nào cần nói xin lỗi và bạn nên tập trung vào câu nói này.
Ở các trẻ 3 - 5 tuổi, con nên được chỉ ra những gì mình đang làm là sai.
Đến 5 - 6 tuổi, trẻ đã hiểu và bắt đầu phát triển sự hối hận về hành động của mình.
"Dù ở độ tuổi nào, bạn cũng cần lưu là đừng khiến trẻ hiểu theo hướng câu “xin lỗi” sẽ là một thẻ bài miễn trừ giúp bản thân được an toàn khỏi mọi rắc rối. Việc giúp trẻ nhận lỗi và xin lỗi là những điểm quan trọng mà trẻ cần nhận thức, rèn luyện được để trở nên một người có trách nhiệm với bản thân và mọi người trong tương lai", bà Thanh nhấn mạnh.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.