Cách chăm sóc con trẻ trong mùa nồm ẩm mà mẹ nào cũng nên biết 

(lamchame.vn) - Thời tiết nồm ẩm mùa đông khiến người lớn cũng khó chịu. Vậy nên, các bố mẹ cần lưu ý quan tâm chăm sóc sức khỏe cho các con vì trẻ có sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh. 

1.    Giữ ấm cơ thể
Giữ ấm bụng cho trẻ để tránh bị lạnh bụng, gây tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng khác. Còn giúp hệ tiêu hóa hấp thu thức ăn tốt hơn.

Các kiểu áo giống tạp dề, hoặc quấn khăn xô mỏng quanh bụng rồi mới mặc quần áo ra ngoài giữ ấm bụng trẻ nhỏ rất tốt (quấn vừa, kéo quấn quá lỏng khăn tuột sẽ không giữ được nhiệt, quấn quá chặt trẻ sẽ khó thở). Quấn khăn cả khi trẻ ngủ để đề phòng trẻ đạp chăn sẽ bị hở bụng.

Buổi sáng đi học nên mặc cho trẻ một áo cotton bên trong, ngoài khoác áo rét. Như thế sáng trẻ được mặc ấm, trưa nóng thì cởi bớt áo khoác để tránh mồ hôi thấm ngược dễ sinh cảm lạnh.

Ban đêm trẻ hay ra mồ hôi. Nên đặt vào lưng trẻ tấm khăn xô, nếu sờ thấy lưng trẻ ướt thì lau lưng và rút khăn ướt ra, thay khăn khô vào để trẻ không bị mồ hôi làm nhiễm lạnh.

 

 

Nên có sẵn vài chiếc khăn xô thấm nước để lau mồ hôi cho trẻ. Lau kỹ vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân – nơi ra nhiều mồ hôi.

Hạn chế cho trẻ tiếp xúc nóng - lạnh đột ngột, hạn chế ra ngoài trời. Trẻ bé nếu cho ra ngoài trời cần quấn kín chân và phần thân dưới bằng tấm chăn mỏng để giữ nhiệt.

Mũ, áo quần của trẻ mùa nồm ẩm thích hợp nhất là loại không thấm nước.

Khi cho trẻ ra ngoài trời cần mặc áo khoác và quần dài để giữ ấm. Tới nơi cho trẻ hoạt động một lúc hãy cởi bớt quần áo để bé vận động thoải mái hơn.

Từ ngoài về nhà cũng nên đợi một lát để trẻ thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ rồi mới cởi áo khoác, quần dài cho trẻ.

2.    Cho trẻ uống đủ nước
Trẻ nào cũng cần uống nhiều nước, nhất là trẻ nằm ở phòng có quạt (đèn) sưởi, hoặc điều hòa hay bị mất nước. Nếu trẻ bị dính nước mưa cần thay quần áo nhanh, cho trẻ uống sữa, nước đường gừng nóng… ngay.

 

3.    Quan tâm đôi bàn chân
Bàn chân là nơi rất nhạy cảm với môi trường bởi bị lạnh là ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn và suy giảm sức khỏe. Hãy cho trẻ đi tất, giầy ấm. Trước khi đi ngủ cần rửa sạch và ngâm chân trẻ trong nước ấm, rồi lau (hoặc sấy khô) ngừa cảm lạnh, giúp bé dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

Nếu trẻ bị ướt chân vì mưa lạnh, cần làm khô và sưởi ấm ngay. Tránh để trẻ bị dầm mưa, hay ngâm chân quá lâu kẻo bị cảm. Không cho trẻ đi chân đất, tắm quá lâu, hoặc mặc quần áo đã ẩm ướt khi nồm ẩm.

4.    Tiêm phòng
Nếu xung quanh có người bị hắt hơi, sổ mũi... cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc. Nên cho trẻ đi tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh.

5.    Dọn dẹp vệ sinh nhà 
Trẻ đã từng mắc dị ứng, hô hấp càng cần hạn chế tiếp xúc với nấm mốc. Dọn dẹp, hút bụi đồ vật bị nấm mốc, đặc biệt là tủ sách lâu năm để tránh nhiễm bệnh vì hít phải bụi, mốc.

 

 

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang