Cách xử lý giúp 90% trẻ con thoát chết khi hóc thạch rau câu

(lamchame.vn) - Thói quen để con tự mở nắp thạch rồi hút vào thật mạnh hoặc cha mẹ mở nắp đưa nguyên miếng to cho con là sai lầm dễ gây hóc chết người ở trẻ.

Ngày 6-12, Bệnh viện Nhi Nghệ An cho biết một bé trai 11 tháng tuổi (tại Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) đã tử vong do hóc thạch rau câu.

Sự việc đau lòng xảy đến khi cháu bé 11 tháng tuổi bị lên cơn ho sặc khi đang ăn thạch. Dị vật mắc ngang đường thở đã khiến bé bị ngạt không thở được gây tím tái toàn thân. Do gia đình không biết cách xử lý nên khi được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu, cháu bé đã hôn mê sâu, ngừng thở, ngừng tim, giãn đồng tử, mất phản xạ thần kinh. Sau 1 ngày chữa trị, cháu bé vẫn không có dấu hiệu sự sống, gia đình đã xin bệnh viện đưa về lo hậu sự.

Đây không phải trường hợp đầu tiên trẻ nhỏ tử vong đau lòng vì hóc thạch rau câu. Đầu năm 2018, một bé 11 tháng tuổi ở TP HCM đã được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng tương tự. Gia đình cho biết sau khi bị sặc, tím tái, bé được đưa vào bệnh viện địa phương mất 20 phút để cấp cứu. Khi tới nơi, bé đã hôn mê sâu, bác sĩ hồi sức phục hồi tim phổi nhưng không tác dụng.

Thạch rau câu có thể gây chết người nếu cho trẻ ăn không đúng cách

Trước đó, bé trai 5 tuổi ở quận 10, TP HCM đã tử vong trước khi đến Bệnh viện Nhi đồng 1 vì hóc rau câu. Đặc biệt, nước ta sắp bước vào dịp Tết, rau câu đóng hộp được bày bán khắp chợ, siêu thị, trường học nên phụ huynh cần chú ý mỗi khi con ăn. Riêng tại TP HCM mỗi dịp Tết các bệnh viện đã tiếp nhận hàng chục ca hóc thạch rau câu.

Tại sao hóc thạch rau câu dễ chết?

Theo các bác sĩ, sở dĩ khi hóc thạch râu câu trẻ dễ tử vong là vì dị vật sẽ rơi vào đường thở và bít hết lối lưu thông không khí vào phổi. Do miếng thạch rau câu to, mềm dễ chèn vào đường thở, trẻ dễ hít chặt vào khó ho ra. Khi cấp cứu, các bác sĩ cũng không thể gắp nhanh chóng vì thạch trơn, dẻo.

Thói quen để con tự mở nắp thạch rồi hút vào thật mạnh hoặc cha mẹ mở nắp đưa nguyên miếng to cho con là sai lầm dễ gây hóc chết người ở trẻ. Chị Hoài Phương (Huế) cho biết mỗi mùa Tết, đi đến nhà nào cũng dọn rau câu, nên vợ chồng chị cho hai con dưới 5 tuổi ăn thoải mái. “Tôi thường mở nắp bằng nhựa ở trên rồi cho bé nhỏ cầm ăn, còn bé lớn tự lấy răng mở được bóp vào miệng ăn vô tư. Tuy nhiên, gần đây đọc báo thấy trẻ tử vong do ăn cách này quá nhiều, tôi mới thấy mình quá sai lầm”, chị Phương kể.

Theo các chuyên gia, khi ăn, nắp thanh môn của con người luôn mở ra để hút hơi vào đường thở và thức ăn vào tới miệng, cơ thể có phản xạ đóng nắp thanh môn để đẩy đồ ăn xuống thực quản, dạ dày. Tuy nhiên, khi trẻ hút rau câu vọt vào miệng quá nhanh và mạnh, nắp thanh môn này chưa kịp đóng nên dị vật kịp chui nhanh vào đường thở khiến bé hóc. Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ dễ tử vong.

Cấp cứu đúng khiến trẻ có 90% cơ hội sống sót

Các bác sĩ cho rằng thời gian “vàng” để cấp cứu cho trẻ hóc dị vật chỉ từ 5-10 phút. Nếu các con không được sơ cứu kịp thời trong thời gian này, khó có cơ hội sống sót. Sau thời gian vàng này, nếu trẻ được cứu sống cũng không thể phục hồi não, có thể sống cuộc đời thực vật.

 

Do đó, phụ huynh cần trang bị những kiến thức về sơ cứu khi con bị hóc. Cụ thể, với trẻ nhỏ, cha mẹ đặ bé nằm uóp trên cánh tay, tay còn lại vỗ mạnh vào lưng trẻ cho đến khi dị vật rơi ra, bé hồng hào lại. Đối với bé lớn, cha mẹ quàng tay quanh ngực, sốc trẻ về sau.  Khi trẻ đã bất tình, đặt trẻ nằm ngửa, người lớn nắm tay thành nắm đấm, đột ngột ấn ngay vào dưới xương ức 5 cái liên tiếp. Nếu nạn nhân vẫn hôn mê, cần hà hơi thối ngạt 2 cái, nếu vẫn chưa ra thì kết hợp hà hơi thổi ngạt với ấn tay cho đến khi dị vật ra, trẻ khóc được.

Nếu cấp cứu đúng, dị vật sẽ văng ra ngoài và tỉ lệ trẻ được cứu sống lên đến 90%.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang