Có vô vàn mối nguy hiểm đe dọa sự an toàn của trẻ nhỏ, nhưng đáng nói là có những mối nguy hiểm bắt nguồn từ những thứ vô cùng quen thuộc với các bé, là món đồ chơi yêu thích của trẻ mà cha mẹ vẫn nghĩ rằng chúng an toàn. Chẳng hạn như các loại bóng bay. Hầu như bé nào cũng thích mê khi được bố mẹ mua cho 1 vài quả bóng, nếu là bóng hình các con vật, có thể bay lơ lửng trên cao thì trẻ càng thích. Thật không may, đây cũng là đồ chơi không hề an toàn.
Bóng bay phát nổ dù không tiếp xúc với lửa hay tàn thuốc
Mới đây, chị M.H (ở Móng Cái, Quảng Ninh) đã phải lên tiếng cảnh báo các bố mẹ có con nhỏ phải chú ý khi cho con mình chơi bóng bay sau khi con gái chị bị bỏng toạc cả da bàn chân vì loại bóng bay được bán nhan nhản khắp các đường phố này.
Chị M.H viết: "Mọi người chú ý khi cho con mình chơi bóng bay loại này nhé. Con mình đang cầm chơi thì tự nhiên bóng bị nổ, phát ra lửa, vỏ bóng rơi xuống qua đầu bé cháy một ít tóc rồi rơi xuống quấn vào chân, lửa vẫn cháy bùng bùng và bị bỏng như này đây. May mà bế con vào nhà vệ sinh xả nước ngay, chứ không chậm 1,2 phút mà cháy lên quần áo thì không biết sẽ như thế nào. Đau quá khóc hết nước mắt luôn rồi. Thương con quá thôi!".
Xác quả bóng cháy rơi xuống dính vào chân bé vẫn bùng bùng cháy khiến chân bé bị bỏng.
Kèm theo lời cảnh báo là bức ảnh chụp bàn chân con gái chị M.H bị bỏng toạc cả da. Hiện tại, vết thương do bỏng ở chân của bé đã khá hơn nhưng bé vẫn đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện.
Chị M.H nhấn mạnh là loại bóng bay khiến con chị bị bỏng là dạng bóng bay hình thú có bơm khí bên trong được bán rất phổ biến và bóng tự nổ, không chạm lửa hay tàn thuốc gì. Khi bóng tự nổ thì phát lửa rơi từ trên xuống khiến con gái chị M.H cháy cả một đám tóc. Xác quả bóng cháy rơi xuống dính vào chân bé vẫn bùng bùng cháy khiến chân bé bị bỏng như vậy.
Rất nhiều mẹ thắc mắc rằng tại sao quả bóng bay không hề tiếp xúc với lửa hay tàn thuốc mà có thể tự bốc cháy và phát ra lửa. Theo các chuyên gia, khí hydro thường được sử dụng để bơm vào bóng bay vì loại khí này rất rẻ tiền, dễ sản xuất, nguyên liệu bao gồm vụn nhôm, vôi, kiềm, nén lại trong bình... là có khí hydro.
Khí hydro nhẹ, cấu trúc phân tử bé nên bơm vào bóng bay thẩm thấu cực nhanh và có thể nổ mà không cần nguồn lửa. Đôi khi chỉ cần tiếp xúc với bóng đèn, gặp không khí nóng, hoặc đi ngoài trời nắng là đủ để kích hoạt phản ứng, khiến trái bóng nổ tung. Hoặc khi quả bóng bay nổ, khí hydro thoát ra gặp không khí (O2), hydro phản ứng với O2 tạo ra hiện tượng nổ. Như vậy, quả bóng có thể phát nổ ngay cả khi không tiếp xúc với lửa.
Ngày 23/10 tại khu đô thị Phú Lộc 4, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, một bé trai 20 tháng tuổi cũng bị bỏng do bóng bay bơm khí hydro. Cụ thể, gia đình bé có bơm bóng bay cỡ lớn để trang trí đám cưới. Khi bé đang chơi quả bóng bay có bơm khí hydro thì bất ngờ quả bóng phát nổ khiến bé bị bỏng nhẹ, cháy sun tóc và bị xước da.
Lưu ý khi cho trẻ chơi bóng bay
Mỗi dịp sinh nhật, lễ Tết hay cuối tuần, dịp ra ngoài chơi, bố mẹ thường chiều theo sở thích của con, mua cho trẻ vài quả bóng bay dọc đường hay ở những khu vui chơi cho trẻ. Những loại bóng bay này với nhiều hình thù, màu sắc vô cùng bắt mắt nên dễ dàng thu hút sự chú ý của trẻ nhỏ.
Nguy hiểm lớn nhất là cha mẹ hầu như không cảnh giác khi con chơi loại bóng bay bơm khí hydro này, không nghĩ rằng nó có thể nổ và gây bỏng. Ngoài ra, trẻ nhỏ thường cầm bóng bay ở tay, gần mặt nên khi bóng bay phát nổ có thể khiến trẻ bị tổn thương nặng ở vùng mặt và tay, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe lại tác động đến vấn đề thẩm mỹ.
Bởi thế, để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc do món đồ chơi này gây ra, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Không nên mang bóng bay hydro vào trong nhà bởi nếu tiếp xúc với bóng đèn, gặp không khí nóng nó có thể phát nổ.
- Tốt nhất không nên cho trẻ chơi loại bóng bay bơm khí hydro.
- Luôn để mắt đến trẻ khi chơi bóng bay.
- Những dịp sinh nhật, sự kiện, không nên mua bóng bay với số lượng lớn để ở trong nhà.
Trong trường hợp trẻ bị bỏng do bóng bay gây ra, cha mẹ cần ngay lập tức làm mát khu vực trẻ bị bỏng bằng nước mát (18 - 25 độ), sau đó đắp gạc lên vùng da bị tổn thương rồi nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Một điều đáng lưu ý là nếu trẻ bị dính chặt quần áo vào chỗ bỏng, không nên kéo quần áo ra sẽ khiến trẻ bị trượt da.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.