Chánh văn Hoàng Anh Tú: Nạn nhân hiếp dâm còn bị miệt thị ăn mặc hở hang, việc tử tế của Thủy Tiên phải chịu "gạch đá" cũng là chuyện bình thường...

Và ngôi sao, đương nhiên, anh mà giỏi giang và tử tế hơn thì anh phải chết, anh phải chịu ăn đá gạch. Ai cho anh đã xinh đẹp, nổi tiếng lại còn tử tế hơn tôi?', anh Chánh Văn - Hoàng Anh Tú nói.

Những ngày qua, người được nhắc tới nhiều nhất chính là ca sĩ Thủy Tiên, người đã đứng ra kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung và huy động được số tiền lớn, lên đến hơn 150 tỷ đồng. Tiên cũng không quản ngại mưa gió, lội nước đến từng nhà dân phát từng phần quà. Thủy Tiên đã truyền cảm hứng cho biết bao người về việc sống tử tế.

Nhưng bên cạnh những động viên, khích lệ việc làm thiện nguyện của Thủy Tiên, đã xuất hiện các luồng ý kiến trái chiều, đòi hỏi Thủy Tiên phải minh bạch số tiền khổng lồ kia. Nhân danh phản biện xã hội, họ tấn công cá nhân Thủy Tiên rằng “làm từ thiện bằng tiền bá tánh”, đánh bóng tên tuổi. Thậm chí họ soi cô mặc trang phục gì, thêu dệt những chuyện liên quan đến đời tư...

Dưới đây là cuộc trò chuyện với anh Chánh Văn - Hoàng Anh Tú để thể hiện 1 góc nhìn về cách làm từ thiện của Thủy Tiên và rộng hơn nữa là việc làm người tử tế...

Cách làm của Thuỷ Tiên xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa về cách làm từ thiện

Những ngày qua ca sĩ Thủy Tiên đứng ra kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung, đích thân nữ ca sĩ còn không quản nguy hiểm, lặn lội phát cứu trợ đến từng nhà dân. Người ta gọi Thủy Tiên là “cô tiên” với rất nhiều sự ngưỡng mộ. Anh nghĩ gì về ngọn lửa truyền cảm hứng từ việc sống tử tế như Tiên?

Tôi luôn yêu quý Thủy Tiên không chỉ từ chuyện này. Tiên là một cô gái chân chất và thực lòng nhất mà tôi biết. Nhìn những gì Tiên đã làm được, tôi không ngạc nhiên. Vì thứ chúng ta thấy không phải một người nổi tiếng đi làm từ thiện mà là một người tử tế.

Thuỷ Tiên không chỉ đang truyền cảm hứng mà còn là đưa ra cách làm từ thiện chuyên nghiệp và tinh tế thế nào trong việc những phần quà luôn kèm theo chai nước, minh bạch bằng cách công khai không màu mè.

Cách làm của Thuỷ Tiên xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa về cách mà chúng ta làm từ thiện. Không tự nhiên mà Thủy Tiên khiến hàng trăm ngàn người ủng hộ đến 150 tỷ như vậy.

Nhưng… cái gì cũng có 2 mặt. Thủy Tiên nhận được "hoa" nhưng cũng nhận luôn cả “gạch đá”. Điều tiếng và bình luận ác ý cũng đi kèm; sự ghen ghét, đố kị cũng xuất hiện. Theo anh có phải muốn làm người tử tế không hẳn là dễ và làm việc tử tế 1 cách lâu bền thì cũng khá mệt mỏi?

Tôi lại cho đó là chuyện rất đỗi bình thường. Như trong nhiều bài báo về kẻ thủ ác, chúng ta vẫn đọc thấy những lời lẽ bênh vực và lên án nạn nhân đấy thôi. Thậm chí, tệ hại hơn, nhiều nạn nhân của hiếp dâm vẫn bị ném đá chuyện ăn mặc khêu gợi đấy. Cho nên, việc tử tế của Thủy Tiên phải chịu gạch đá cũng là chuyện bình thường.

"Sự tử tế của Thuỷ Tiên là nam châm, nó sẽ chỉ hút những điều tích cực và sẽ tự đẩy ra những điều tiêu cực".

Dư luận luôn có những kẻ thích nói ngược và công kích người khác dẫu cho phi lý đến đâu. Chúng ta chỉ nên cảm thấy mệt mỏi nếu như điều ta làm gây tổn hại đến ai đó. Trong chuyện của Thủy Tiên, ai cảm thấy tổn thương và bị hại thì hãy lên tiếng. Chứ còn nếu chỉ lên tiếng vì ganh tị hay thể hiện sự hiểu biết của mình thì thật không đáng phải bận tâm. Bằng những ai đọc được những điều đó mà lăn tăn không còn ủng hộ Thuỷ Tiên nữa thì cứ việc.

Tôi luôn tin rằng sự tử tế của Thuỷ Tiên là nam châm, nó sẽ chỉ hút những điều tích cực và sẽ tự đẩy ra những điều tiêu cực.

Nếu không làm một người tử tế, chúng ta sẽ còn giá trị gì để dạy con cái?

Bản thân anh từng có bao nhiêu năm làm anh Chánh Văn của tờ báo tuổi hoa. Có 1 hội nhóm lắng nghe những tâm tư thầm kín. Anh cũng là người nghe được bao nhiêu câu chuyện tréo ngoe xung quanh từ cuộc sống. Có 1 câu chuyện đặc biệt nào anh muốn chia sẻ về... nỗi khổ của người tử tế?

Nhiều chứ! Từ những chuyện giúp người bị nạn rồi trở thành kẻ bị nạn khi mà gia đình chưa cần biết mô tê đã lao vào đánh đấm. Đến cả những chuyện vô cùng bé nhỏ như lắng nghe tâm sự của người khác rồi bị cho là kẻ thứ 3 phá bĩnh hôn nhân của người khác. Cá nhân tôi đã từng bị khá nhiều mẹ chồng inbox chửi rủa vì đã khuyên con dâu họ dám cãi lại mẹ chồng.

Hay như nhiều ông chồng doạ đánh vì tôi khuyên vợ họ nên biết trân quý bản thân, lên tiếng khi bị chồng bạo hành. Có lần tôi phải gọi điện nhờ 113 can thiệp. Chúng ta, dù làm bất cứ chuyện gì giúp người đi chăng nữa thì vẫn sẽ luôn khiến cho những người không được giúp hay bị ảnh hưởng vì việc đó cảm thấy khó chịu.

“Làm một người tử tế có khó không” là câu hỏi thường trực mà tôi muốn trả lời mọi người cũng như muốn mọi người trả lời cho chính họ. Quá nhiều người đã không muốn làm người tử tế nữa vì sự ích kỷ của bản thân, vì cơm áo gạo tiền, vì cả nỗi sợ làm người tử tế sẽ phải chịu thiệt thòi.

Nhưng dạy con kiếm tiền giỏi như bố bằng cách lừa lọc người khác ư? Hay dạy con chọn chồng giàu có chứ đừng chọn vì yêu như mẹ để con hạnh phúc hơn?

Tôi vẫn cho rằng thứ làm nên giá trị của một con người chính là sự tử tế. Bạn không cần phải kêu gọi được 150 tỷ như Thuỷ Tiên mới là người tử tế. Nhưng bạn sẽ không thể tử tế được nếu như bạn chỉ chăm chăm lợi ích cho mình, bất chấp điều đó có thể gây tổn thương, vả cả tổn thất cho người khác.

"Nếu không làm một người tử tế, chúng ta sẽ còn giá trị gì để dạy con cái chúng ta?".

Số chỉ trích và nhìn bằng ánh nhìn soi mói, miệt thị, nghi ngờ, thị phi từ MXH cũng không phải ít, không riêng Thủy Tiên mà nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác trước đây cũng đã từng bị “ném đá” vì sự tử tế. Anh nghĩ gì về cái mác “công tâm” nhưng thực chất bên trong là những cái đầu đầy định kiến và những tư tưởng hẹp hòi?

Chính xác là sự hẹp hòi cản bước ta đi. Nhiều người chỉ nhìn thấy thứ họ mất đi chứ không bao giờ nhìn thấy thứ mà họ có được. Họ chỉ chăm chăm tìm lỗi của người khác để trốn chạy ám ảnh tự ti của họ, để họ thấy họ không bé nhỏ, vô danh và thất bại. Những kẻ đó luôn là những kẻ thất bại trong cuộc sống. Vì họ thất bại nên họ phải dìm người hạnh phúc hơn họ, thành công hơn họ, giỏi giang hơn họ, tử tế hơn họ… xuống bằng họ hoặc thấp hơn họ.

Những kẻ ghen ghét chúng ta là những kẻ đang uống thuốc độc và nguyền rủa chúng ta chết.

Hoàng Anh Tú

Thậm chí hôm vừa rồi, đọc status của anh Trần Vũ Hoài, tôi phá lên cười khi mà anh kể có những người tranh cãi với anh không được quay ra chê anh… răng vẩu. Nhiều người như thế lắm. Họ luôn tìm mọi cách để đè được người khác. Nó thể hiện cả trong chính cách chúng ta tham gia giao thông hiện nay. Xe máy chửi bới ô tô vì trời nóng thế mà bọn nó được ngồi trong máy lạnh, nghe nhạc khi tắc đường. Rồi cố chen lên tí, đầu xe mình cao hơn đầu xe người khác nửa phân cũng thành chiến tích.

Chúng ta tranh giành với nhau từng chút một trong cuộc sống để rồi hân hoan một cách bần tiện về chiến thắng nhờ ăn bẩn, lươn lẹo của mình.

Và ngôi sao, đương nhiên, anh mà giỏi giang và tử tế hơn thì anh phải chết, anh phải chịu ăn đá gạch. Ai cho anh đã xinh đẹp, nổi tiếng lại còn tử tế hơn tôi?

Người ta thường nghi hoặc lòng tốt vì luôn cho rằng sự tử tế phải đi kèm với 1 lý do, nhưng nhiều khi chính bản thân sự tử tế đã là 1 phần thưởng, Thủy Tiên hoặc nhiều người khác cảm thấy hạnh phúc với những gì mình làm được. Cô ấy nói rằng: “Chết tôi còn không sợ nữa là bị nói xấu”. Nhà văn Trang Hạ cũng bày tỏ: “Cách duy nhất chống lại sự tồi tệ online chính là, hãy trao cho bản thân quyền tiếp tục sống tử tế!”. Anh có đồng ý với ý kiến này, bởi ngoài lòng nhân ái, bản lĩnh cũng là điều vô cùng cần thiết với người làm từ thiện, người lan truyền sự tử tế?

Tôi đồng ý! Vì những kẻ ghen ghét chúng ta là những kẻ đang uống thuốc độc và nguyền rủa chúng ta chết mà. Hãy để họ toại nguyện. Việc của chúng ta là cứ tiếp tục tử tế đi. Chuyện nguyền rủa là của họ. Hai thứ chả liên quan gì đến nhau cả đâu.

Và như tôi nói, chúng ta sẽ chỉ hấp thụ điều tích cực và tự đẩy ra những điều tiêu cực. Mây tầng nào thì gió tầng nấy, đừng lo lắng!

 

Chỉ có những kẻ làm từ thiện trên bàn phím mới cần "bật thật to" lên để nghe thấy tiếng bàn phím thôi

Nếu có thể nói điều gì với những kẻ chẳng bao giờ chịu đốt 1 ngọn đuốc nào nhưng lại luôn miệng nguyền rủa bóng đêm, những kẻ chỉ thích “làm từ thiện trên bàn phím”, anh sẽ nói gì? Bởi sự tử tế nếu được thúc đẩy trong cộng đồng bao giờ cũng mang lại 1 giá trị tốt đẹp hơn rất nhiều so với việc chỉ có… những người tử tế cô đơn?

Tôi nghĩ mình không cần phải nói gì đâu. Vì những người tử tế họ làm vì lương tâm và trách nhiệm của họ. Họ không “trình diễn” sự tử tế, nên họ chẳng cần khán giả. Không có người tử tế cô đơn đâu, tôi chắc chắn đấy. Vì người tử tế thực sự thì không bao giờ cô đơn. Họ có sự tử tế làm bạn rồi. Họ có những người mà họ giúp đỡ làm bạn rồi.

"Những người tử tế họ làm vì lương tâm và trách nhiệm của họ phải làm; họ không “trình diễn” sự tử tế".

Chỉ có những kẻ làm từ thiện trên bàn phím mới cần "bật thật to" bàn phím lên để nghe thấy tiếng của nó thôi. Và thứ họ có không phải là những cái like cho ý kiến của họ mà là chính sự cô độc của họ. 

Đừng nghĩ comment của mình nhận được nhiều like là vì mình nói đúng. Bạn nhận được nhiều like chẳng qua là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Trong số những kẻ đã like comment chửi người khác của bạn, họ sẽ chờ ai đó chửi bạn và like comment ấy thôi. Vì xét cho cùng, những người thích xem chửi nhau trên mạng đông không kém gì những người bu lại xem đánh ghen ngoài đường. 

Họ chưa bao giờ yêu quý bạn cả, đừng nằm mơ.

Ở Ý, những công dân Naples giàu có đã có truyền thống lâu đời sẽ mua thêm một cốc cà phê gọi là “caffe sospeso” cùng với ly họ uống. Họ trả sẵn tiền, để dành cho ai khó có đủ tiền mua món uống xa xỉ này. Trong một thế giới văn minh đó là điều tử tế, nhưng khi chúng ta không chịu tiến hóa, “ly cafe chia sẻ” kia sẽ được gọi tên là ly cà phê chơi trội, làm màu, PR… Bản chất sự việc không thay đổi, nhưng đổi góc nhìn sự việc bị bóp méo. Ủng hộ sự tử tế là 1 cách, nhưng chống lại những tư tưởng cực đoan chắc hẳn cũng là việc cần thiết?

Để thay đổi được tư duy đám đông không bao giờ là việc dễ dàng. Nhất là chúng ta đang có những đám đông chỉ quan tâm đến “hóng biến”. Tôi không nghĩ ra cách gì để thay đổi được những con người ấy. Đến trục vớt bom mà người ta còn bu lại xem huống chi. Nên, ủng hộ sự tử tế tôi nghĩ chỉ là sự chọn lựa cách mình sẽ sống thế nào thôi.

Chánh Văn - Hoàng Anh Tú: "Bảo vệ sự tử tế xin hãy bằng cách làm nhiều hơn nữa những điều tử tế".

Bảo vệ sự tử tế, xin hãy bằng cách làm nhiều hơn nữa những điều tử tế. Để khi sự tử tế nhiều đến độ nó trở thành điều tất lẽ dĩ ngẫu. Như chuyện nhặt được của rơi là tự động mang đến đồn công an hay bảo vệ. Làm sao để chuyện tử tế thành lẽ sống của nhiều người. Làm sao để người không tử tế sẽ cảm thấy xấu hổ. Đó mới là cách bảo vệ sự tử tế.

Ngày nay sự “cho đi” đã trở thành một trào lưu phổ biến và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cho đi mà không cần lý do, cho đi mà không cần nhận lại… Dù không nghĩ tới, nhưng có lẽ người đầu tiên hưởng lợi vẫn lại là chính mình...

Nó vốn là điều đương nhiên của cuộc sống, khi mà chúng ta đang ngày một văn minh lên. Là khi con người sẽ vượt qua những sự ích kỷ cố hữu của bản thân. Là khi chúng ta đến xả rác xuống đường cũng thấy mình giống kẻ phạm tội. Đó là khi quanh chúng ta, ai cũng cho đi thì những kẻ vơ vét sẽ thấy mình xấu xí.

Để đạt được lòng tự trọng xã hội như thế, cần lắm những thuở sơ khai như hôm nay, nơi mà kẻ xấu xí đang diễn minh hoạ cho mọi người thấy: “Tôi xấu xí nên tôi làm thế này. Hãy ghét tôi đi mọi người ơi”

Tôi nhìn những đứa trẻ quanh tôi và thấy, ngày đó không còn xa nữa đâu.

 

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/chanh-van-hoang-anh-tu-nan-nhan-hiep-dam-con-bi-miet-thi-an-mac-ho-hang-viec-tu-te-cua-thuy-tien-phai-chiu-gach-da-cung-la-chuyen-binh-thuong-162203010200553398.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang