- Trước và sau Tết Nguyên đán, hàng nghìn người lại đổ về các ngôi chùa để làm lễ cúng sao giải hạn. Họ đến chùa cúng với niềm tin sẽ giúp giảm nhẹ tai ương và cầu an cho gia đình. Thưa Thượng tọa, Phật giáo quy định như thế nào về tục này?
- Tục cúng sao có nguồn gốc từ Đạo giáo của Trung Quốc, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tôn giáo của nước này từ hàng nghìn năm nay. Đạo Phật liệt tục cúng sao vào nhóm mê tín, tà kiến.
Mê tín là vì không hiểu rõ nhân quả, tà kiến là nhận thức sai dẫn đến hành động sai. Trong kinh Phật, Đức Phật còn khẳng định rằng bất kỳ ai làm nghề cúng sao, bói toán, đoán hưng suy, vận hạn… đều thuộc về nghề phi pháp theo đạo đức Phật giáo.
Về bản chất, tục cúng sao là cái nhìn về vũ trụ rất thiển cận, khi cho rằng vũ trụ này có 28 chòm sao. Còn kinh Phật thì cho rằng vũ trụ này có vô số hành tinh, trong đó nhiều hành tinh có sự sống của con người. Do đó, không có thần sao chiếu mệnh, không có vận hạn tốt xấu.
Còn trong mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ, theo Đức Phật đều có những thời khắc, sự kiện thuận và không thuận, thích hợp và chưa thích hợp. Còn bản chất của tốt xấu phụ thuộc vào hành động, động cơ sống, lối sống của con người dẫn đến tiến trình nhân quả. Nó là một quy luật rất tự nhiên.
Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Giáo lý Phật giáo có cho phép nhà chùa được làm lễ dâng sao giải hạn cho phật tử hay không, thưa Thượng tọa?
- Rất tiếc, một số chùa ở miền Bắc, của người Hoa tại Sài Gòn và một số tỉnh thành khác vẫn còn tập tục cúng sao để thu hút quần chúng mê tín đến với chùa. Việc đặt ra giá cả ở một số ngôi chùa cho việc cúng sao, cúng cầu an là điều dễ tạo ra ngộ nhận.
Bản chất của Phật pháp là phục vụ dân sinh, hướng dẫn tận tâm, tận tình giúp con người vượt qua nỗi đau, sống lương thiện hơn. Hành động phát tâm cúng dường của bá tính được xem là việc công đức chứ không phải là quy định bắt buộc, hay yêu cầu người dân phải đóng số tiền bằng này, bằng kia.
Đạo Phật luôn chống lại những tập tục mê tín, dị đoan và đương nhiên không cho phép các nhà chùa làm những điều này.
- Việc dâng sao giải hạn ở một số ngôi chùa hiện nay có quy mô rất lớn, hàng nghìn người tham gia, lấn chiếm không gian công cộng. Thượng tọa nhìn nhận sao về sự việc này?
- Một cách tương đối, theo tôi quan sát, những chùa tổ chức các khóa lễ và có rất đông người đến tham dự hầu như được sự cho phép của chính quyền địa phương.
Ví dụ: Vào ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm là ngày cầu thế giới hòa bình, quốc gia phát triển. Đây là dịp tăng ni hướng dẫn người dân đến chùa sống sao cho có đạo đức. Đây là việc làm rất hữu ích, cho nên có chiếm không gian công cộng và được sự cho phép của chính quyền địa phương thì có thể thông cảm được. Nhưng nếu lợi dụng vào đó mà tổ chức các hoạt động không phù hợp với văn hóa Phật giáo, như cúng sao giải hạn, thì cần phải xem xét lại.
- Nếu việc cúng sao là trái với giáo lý Phật giáo, theo Thượng tọa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có động thái nào để hạn chế tình trạng nhiều chùa mở dịch vụ cúng giải hạn như hiện nay?
- Vào ngày 12.2.2018, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành Công văn 31, đề nghị tăng ni trên toàn quốc kêu gọi Phật tử không đốt giấy vàng mã, vì gây lãng phí, ô nhiễm. Việc này đã nhận được sự ủng hộ của dư luận. Tôi rất mong Giáo hội ban hành thêm các công văn nghiêm cấm việc cúng sao, tuyên truyền mê tín dị đoan ở các chùa càng sớm càng tốt.
Đồng thời, cần nghiêm cấm việc bói toán, tổ chức xin xăm… trong phạm vi các ngôi chùa, để trả Phật giáo lại với văn hóa truyền thống của đạo Phật. Để người đến chùa có cơ hội tĩnh tâm, đọc kinh sách, tập thiền, phát triển đạo đức chứ không phải tin vào những điều mê tín.
Nếu Giáo hội vào cuộc và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, tôi tin người dân sẽ nhận thức được.
Cảm ơn Thượng tọa đã chia sẻ!
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.