Mới đây, facebook P.N chia sẻ quan điểm, tiêm viêm gan B sớm cho trẻ sơ sinh là “một tội ác”. Theo lý luận của chị P.N thì trẻ sơ sinh vốn rất non nớt, yếu ớt, tự dưng bị tiêm chẳng vì cái gì.
“Nếu mẹ bị viêm gan B, có 2 khả năng xảy ra: Khả năng 1, con bị nhiễm viêm gan B do lây từ mẹ. Nếu đã nhiễm thì tiêm phỏng có ích gì. Khả năng hai, con không bị lây từ mẹ, tức là chưa bị nhiễm viêm Gan B. Nguy cơ con bị nhiễm viêm gan B là rất thấp nếu không muốn nói là không thể vì con đường lây nhiễm chính là dùng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục không an toàn,...”, chị P.N chia sẻ.
Chị P.N khẳng định, không nên quá phụ thuộc và tin tưởng hoàn toàn vào vắc xin. Nhiều trường hợp tiêm phòng rồi mà vẫn mắc bệnh. Ý kiến này của chị đã nhận được ủng hộ của không ít người.
Virus viêm gan B dễ lây hơn so với HIV gấp 100 lần
Trao đổi với TS.BS. Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng Khoa Gan mật Bệnh viện Nhi Trung Ương về vấn đề có nên tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ sau sinh. Bác sĩ Hoa khẳng định, việc tiêm viêm gan B cho trẻ sau sinh là cần thiết.
“Nếu mẹ không mắc viêm gan B thì cần phải tiêm ngay sau khi sinh. Còn trong trường hợp mẹ mắc viêm gan B phải tiêm ngay 2 mũi (một mũi là vắc xin phòng viêm gan B trong 4 giờ sau sinh ở đùi và mũi 2 là vắc xin phòng viêm gan B). Cả hai mũi tiêm này cần tiêm càng sớm càng tốt, để trẻ có kháng thể kháng, chiến đấu lại với vi rút. Không có chuyện vô nghĩa khi tiêm viêm gan B sớm cho trẻ sơ sinh”, bác sĩ Hoa nói.
Một bà mẹ đã được chẩn đoán có viên gan B trước khi mang bầu cần phải theo dõi để hạ lượng virus viêm gan B tới mức tối thiểu. Mức HbsAg âm tính khi có bầu là tốt nhất. Nếu người bị viêm gan B đã trót có bầu thì phải đi kiểm tra tải lượng virus, men gan, HbsAg để có kế hoạch điều trị ở 3 tháng cuối, giảm khả năng lây nhiễm cho con.
Bác sĩ Hoa cho biết, người lớn mắc viêm gan B mới tỷ lệ trở thành mãn tính sẽ thấp hơn rất nhiều so với một đứa trẻ sơ sinh. Đứa trẻ bình thường khỏe mạnh thì cần tiêm càng sớm, sau sinh càng tốt. Tuy nhiên sẽ có một số trường hợp không được tiêm sớm như trẻ sinh non, cân thấp có vấn đề và tim mạch hoặc huyết áp…
Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao (khoảng 10-20%) đặc biệt tỷ lệ mang virut viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10-16% và ở trẻ em là 2-6%. 90% trẻ bị nhiễm lúc dưới 1 tuổi sẽ phát triển thành viêm gan B mạn tính và là nguồn lây chủ yếu của cộng đồng; trong khi nhiễm lúc 1-4 tuổi thì 40% trở thành bệnh mạn tính.
Còn theo Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang (Đại học Y dược, TP. HCM), virus viêm gan B dễ lây hơn so với HIV gấp 100 lần. Do nguy cơ lây nhiễm viêm gan B cao cho nên ngay sau khi sinh trẻ sơ sinh cần phải tiêm vắc xin ngay để có kháng thể.
Mũi kim tiêm chỉ làm cho trẻ đau trong 5 giây sau đó sẽ hết. Nếu trong trường hợp trẻ không được tiêm phòng viêm gan B sớm nếu trong gia đình ông, bà, bố, mẹ họ hàng có người mang vi rút viêm gan B nhưng không biết nguy cơ lây nhiễm cho trẻ là rất cao.
“Phác đồ tiêm viêm gan B trong 24 giờ sau sinh được áp dụng trên cả thế giới và đã có nghiên cứu cụ thể. Không nên vì một lý do cảm tính suy nghĩ của số ít các bà mẹ mà kéo dài thời gian tiêm của trẻ nhỏ”, bác sĩ Sang nói
Hiệu quả của vắc xin viêm gan B sẽ cao nếu như tiêm càng sớm càng tốt. Nếu cha mẹ chưa sẵn sàng có thể và kiểm soát được khả năng phơi nhiễm, có thể để 1-2 ngày sau sinh tiêm cho trẻ. Tuy nhiêu, không nên trì hoãn việc tiêm quá lâu sẽ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Vắc xin viêm gan B rất an toàn đau tại chỗ tiêm. Trường hợp phản ứng nặng như sốc phản vệ là rất hiếm gặp 1/1,1 triệu liều tiêm.
Vắc-xin giúp hệ miễn dịch của bé "đánh trận giả"
Bác sĩ Sang cho biết, cần phải hiểu đúng bản chất của vắc-xin. Bản chất vắc xin là mảnh vỡ vi sinh vật hoặc toàn bộ vi sinh vật nhưng nó không có khả năng gây bệnh. Khi tiêm vào cơ thể, vắc-xin đóng vai trò như "quân xanh”, giúp cho hệ miễn dịch của bé "đánh trận giả". Do vậy, trẻ sẽ có những phản ứng như sốt, sưng vết tiêm, quấy khóc. Đó là phản ứng hoàn toàn bình thường khi tiên vắc xin. Đây là dấu hiệu cơ thể trẻ đang "đánh trận giả".
Nhóm tế bào miễn dịch, gọi nôm na là "tế bào ghi nhớ" có vai trò ghi chép lại lịch sử tất cả các lần tiếp xúc với mầm bệnh. Tế bào này kêu gọi bạch cầu, kích thích miễn dịch hoạt động khi tiếp xúc với vắc xin. Để khi tiếp xúc với mầm bệnh thực sự, hệ miễn dịch sẽ nhanh và mạnh gấp 100, thậm chí 1000 lần, tựa như một tấm rào chắn không cho chúng lan tràn vào máu, vào cơ thể làm hại trẻ.
Giống như thuốc, vắc-xin dù tốt đến đâu cũng khó đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn. Tiêm vắc-xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể. Sau một thời gian, chất bảo vệ trong máu sẽ giảm dần. Đến lúc giảm dưới ngưỡng bảo vệ, mầm bệnh vẫn gây hại được cho cơ thể. Đó là lý do vì sao trẻ cần được tiêm phòng nhắc lại.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.