Chuyện người già "khác người" ở Úc: U80 không "thèm" cậy nhờ con cháu, cãi nhau xong lại ôm hôn thắm thiết làm hòa

Ông bà chẳng sống cùng con cháu, sống độc lập, không phiền lụy đến ai nhưng chưa bao giờ biết đến 2 chữ ''cô đơn''.

Tuổi già ập đến luôn trở thành nỗi lo lắng, trăn trở thậm chí là khủng hoảng cho bản thân những người đã đến dốc bên kia của cuộc đời và cho cả con cháu, người thân trong gia đình của họ. Nỗi lo về sức khỏe, cách ăn uống hay đơn giản là câu hỏi "làm gì để giải trí, tránh rơi vào căng thẳng?" dần trở thành nỗi ám ảnh mà chẳng ai muốn đón nhận.

Con cái dù nam hay nữ, dù giàu hay nghèo, dù có ở gần hay xa cách thì cũng đều có cuộc sống riêng và nhiều thứ cần phải lo toan. Ai cũng chỉ mong cho bố mẹ được an hưởng tuổi già, sống trọn vẹn những năm tháng cuối đời. Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được chữ "AN HƯỞNG" ấy chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Chuyện người già khác người ở Úc: U80 không thèm cậy nhờ con cháu, cãi nhau xong lại ôm hôn thắm thiết làm hòa - Ảnh 1.

Có những người mua cho bố mẹ già cả vài chục triệu tiền thuốc bổ nhưng lại chẳng thể ở bên bố mẹ được vài tiếng trong ngày, chứ đừng nói là vài ngày hay vài tháng. Cũng có những người chấp nhận ở chung chăm sóc bố mẹ già nhưng lại coi như "cục nợ", chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng.

Còn bố mẹ tuổi già, chỉ sợ phiền con cháu, mang đủ nỗi sợ (sợ bệnh, sợ chết, sợ cô đơn...) mà âm thầm chịu đựng, lâu dần biến thành sự ức chế. Thế nhưng, chẳng cần đến ai cả, người già tự biết nhìn đời lạc quan, quan tâm đến mọi người, sẵn sàng chia sẻ với người khác thì sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, an yên. Hơn thế, tự tạo cho mình những niềm vui và bận rộn với niềm vui ấy mỗi ngày thì cuộc sống về già đâu có nghĩa là nhàm chán.

Mới đây, chị Anna Phan, một nàng dâu Việt hiện đang sống ở Úc, đã có một câu chuyện khá thú vị về chính bố mẹ chồng là người Úc của chị. Ông bà chẳng sống cùng con cháu, sống độc lập, không phiền lụy đến ai nhưng chưa bao giờ biết đến 2 chữ "cô đơn". Bản thân chị Anna Phan cũng nhận thấy rằng câu chuyện của bố mẹ chồng chị là một tấm gương sáng đáng để thế hệ sau học hỏi.

Sau đây, xin trích dẫn lại bài viết của chị Anna Phan để độc giả có một góc nhìn khác, mới mẻ hơn trong cuộc sống của người già ở Úc:

"NĂM MỚI NÓI VỀ NHỮNG NGƯỜI GIÀ Ở ÚC

Nhìn cách người già ở Úc sống, mình thấy rất đáng cho thế hệ mình và lớn hơn học hỏi… để chuẩn bị cho "tuổi già" đang sầm sập tới.

Bố mẹ chồng mình sống trong một ngôi làng toàn người già. Nói là làng nhưng mọi người đừng hình dung như các làng quê Việt Nam. Đây là nơi dành cho những người đã về hưu, có thể là 1 cặp vợ chồng già; 1 đôi bạn thân, về già sống cùng nhau; hay 2 anh em, 2 chị em, hoặc chỉ là 1 người phụ nữ, hoặc 1 người đàn ông do bạn đời đã mất… Lứa tuổi từ 65 trở lên. Ví dụ như hàng xóm của bố mẹ chồng mình là cụ bà trên 94 tuổi vẫn sống một mình và hàng ngày vẫn đi… chơi bài.

Cuộc sống sinh hoạt ở đây, giống hệt như các gia đình khác, chỉ là không ai phải đi làm. Mọi người tự đi chợ, nấu ăn, đi chơi hay làm gì thì tuỳ.

MÌNH HỌC ĐƯỢC GÌ Ở ĐÂY?

Ông dù 85 tuổi, bà 80 tuổi vẫn lái xe đi lại bình thường, ngày nào cũng đưa 3 mẹ con mình đi chơi, rồi đi chợ, nấu nướng. Họ không có khái niệm già rồi, sẽ ngồi hưởng, hay nhờ con cái giúp đỡ, còn khỏe thì còn sống độc lập, không phụ thuộc vào con.

Ông bà sống như một cặp vợ chồng son. Ngày ngày, ông dậy sớm chuẩn bị trà và bữa sáng cho bà. Ông bà già rồi nên không ăn nhiều nữa nhưng lúc nào ông cũng mua đủ những thứ bà thích.

Chuyện người già khác người ở Úc: U80 không thèm cậy nhờ con cháu, cãi nhau xong lại ôm hôn thắm thiết làm hòa - Ảnh 2.

Hình ảnh bố mẹ chồng chị Anna Phan. "Món quà đầu tiên ông mua tặng bà, khi đó đang là bạn gái, là một con cá sấu. May cho ông từ cá sấu trong tiếng anh không đồng nghĩa với xấu, nếu không chắc không có bức ảnh này nữa. Dù vậy bà vẫn choáng váng vì ai đời đi tặng người yêu món quà đầu tiên là con cá sấu", chị viết.

Hàng ngày, ông bà cũng ôm hôn nhau như các cặp vợ chồng trẻ. Đặc biệt sau tranh luận, lại làm hòa bằng cái ôm hôn thắm thiết. Ông tất bật suốt ngày với mảnh vườn nhỏ, rồi sửa chữa nhà cửa, giặt phơi quần áo (cho quần áo vào máy giặt)… luôn giữ sự "bận rộn" để cơ thể khỏe mạnh.

Mình đã ở cùng bà từ ngày ông bà sang Maldon (1 thị trấn cách nhà mình 200km), nhưng phải đến tận "đại bản doanh" của bà mới hiểu tại sao chồng mình lại khuyên mình cho lũ trẻ sang để bà rèn giũa và phải đến tận đây mới hiểu tại sao phụ nữ Hà Nội xưa được khen thanh lịch, duyên dáng và có lẽ họ học được điều đó từ phụ nữ châu Âu.

Chuyện người già khác người ở Úc: U80 không thèm cậy nhờ con cháu, cãi nhau xong lại ôm hôn thắm thiết làm hòa - Ảnh 3.
Chuyện người già khác người ở Úc: U80 không thèm cậy nhờ con cháu, cãi nhau xong lại ôm hôn thắm thiết làm hòa - Ảnh 4.

Bàn ăn do mẹ chồng chị Anna Phan bày biện, trang trí

Cách mẹ chồng mình nói chuyện, trang trí nhà cửa, ăn mặc… có gì đó rất giống phụ nữ Hà Nội xưa. Mẹ chồng mình thích style vintage và toàn bộ đồ đạc trong nhà đều là gỗ thật, lâu đời. Lúc nào cũng thích hoa và cắm hoa, nên bố chồng mình làm vườn nhỏ cho bà ngắm và mang hoa vào nhà cắm. Bàn ăn luôn được bày biện một cách xinh xắn, đầy đủ khăn ăn, khăn trải bàn… nói chung là bà luôn thích cái đẹp. Bà luôn ăn nói nhẹ nhàng duyên dáng, tủ quần áo, giày dép nhiều như những phụ nữ thích ăn mặc đẹp khác.

Từ trẻ đến già bà luôn để ý ăn uống 'healthy' và giữ gìn cơ thể, nên lúc nào trông cũng gầy, gọn gàng. Mình nhận ra những người già như bố mẹ chồng mình, sống được từ 80 tuổi trở lên hầu như toàn là người ăn uống 'healthy' từ trẻ, chịu khó vận động.

Bà rất quan tâm dạy Cua - Cốm (tên gọi ở nhà 2 con của chị Anna Phan) cách ăn nói, cư xử đúng mực, lịch sự, cách ăn uống sao cho trông thật thanh lịch, chuẩn mực theo cách của người phương Tây".

 

Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/chuyen-nguoi-gia-khac-nguoi-o-uc-u80-khong-them-cay-nho-con-chau-cai-nhau-xong-lai-om-hon-tham-thiet-lam-hoa-162220501195326827.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang