Tiểu Dương (Trung Quốc) là một cậu bé bám mẹ. Từ nhỏ, bé đã thường xuyên làm nũng với mẹ, được mẹ cưng chiều hết mực. Ban đầu, bà mẹ thấy vô cùng hạnh phúc vì tình cảm hai mẹ con khắng khít. Nhưng khi con lớn hơn, một số vấn đề bắt đầu xuất hiện.
Tiểu Dương không có chút gì gọi là kiêng nể hay sợ hãi với mẹ. Mỗi khi làm sai điều gì, nếu bị cha trách phạt, cậu bé sẽ ngay lập tức đến tìm mẹ và khóc lóc với vẻ mặt đau khổ. Người mẹ xót con, tất nhiên sẽ dùng những câu bao biện như "Con còn nhỏ, chúng ta hãy từ từ tìm cách dạy dỗ", "Chuyện không to tát lắm, đừng gay gắt như vậy" để phản đối sự nghiêm khắc của chồng mình.
Cho đến một lần, Tiểu Dương chơi với một đứa trẻ và đẩy ngã bạn rất mạnh. Khi được mẹ yêu cầu xin lỗi, thay vì làm theo, cậu bé chỉ mỉm cười rồi chồm lên hôn má mẹ, nhất quyết không "hạ mình". Tiểu Dương khi đó nói một câu khiến bà mẹ "chưng hửng": "Mẹ sẽ không bao giờ la mắng mình đâu, nếu bạn còn tới chỗ chơi của mình, mình sẽ đẩy bạn nữa".
Nhiều lần như vậy, người mẹ nhận ra con càng ngày càng lớn nhưng vô cùng thiếu kỷ luật. Cậu bé chỉ nghe lời bố, còn những khuyên nhủ, hướng dẫn của mẹ thì không để vào tâm trí. Lúc đó, chị mới nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề và hối hận sâu sắc về cách đối xử với con trai trong quá khứ. Nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ không có lợi cho sự trưởng thành của Tiểu Dương. Chị quyết định để bản thân và con trai duy trì một "khoảng cách tình cảm" phù hợp. Có như vậy mới không xảy ra tình trạng "mẹ hiền con hư".
Điều đầu tiên chị làm là: Xây dựng cảm giác uy nghiêm
Trên thực tế, trẻ em rất khôn ngoan, chúng có thể cảm nhận cảm giác của những người xung quanh rất tốt, chẳng hạn sự nhún nhường của những bà mẹ. Những bà mẹ quá nhân nhượng rất dễ đánh mất nguyên tắc và con cái rất nắm vững những "chiêu trò" trốn tránh trách nhiệm, thậm chí còn dần dần hình thành tâm lý "có thể làm việc sai trước mặt mẹ mình" và "mẹ sẽ không để ý đâu".
Với mẹ của Tiểu Dương, ban đầu khi xây dựng lại nguyên tắc cực kỳ khó khăn. Ví dụ, trước đây khi Tiểu Dương chơi đồ chơi, chị sẽ giục con cất đi, nhưng đứa trẻ luôn leo lên đầu gối và ôm lấy mặt mẹ, nũng nịu "Mẹ ơi, mẹ cất giúp con đi" bằng ngôn từ ngọt ngào nhất có thể. Lúc này, bà mẹ sẽ "chịu thua" và chấp nhận làm thay con.
Và sau khi đã quyết định đặt ra quy tắc và không bao giờ mềm lòng, khi con muốn "giở trò", chị sẽ cúi đầu xuống nhìn con, dõng dạc nói không, nhìn con cất đồ chơi đi rồi mới làm việc khác. Ban đầu đứa trẻ có thể miễn cưỡng, nhưng chỉ cần mẹ nhìn với ánh mắt nghiêm túc, Tiểu Dương sẽ ngoan ngoãn thu dọn.
Nhiều bậc cha mẹ cũng sẽ đặt ra các quy tắc cho con mình, chẳng hạn như: Không được giật đồ chơi, không được mất bình tĩnh, hoàn thành việc này mới được chuyển sang việc tiếp theo... Nhưng đôi khi, việc phá vỡ các quy tắc cũng chỉ trong vài giây. Nếu đứa trẻ làm nũng, giả khóc hoặc phàn nàn thì với các cha mẹ mềm lòng, quy tắc này sẽ bị phá vỡ.
Cha mẹ ngày nay phần lớn đều theo giáo dục yêu thương, đối xử với con cái không bạo lực, không đánh mắng, ôn hòa hết mực, nhưng hơi bất cẩn một chút sẽ trở nên buông thả! Trong quá trình trưởng thành của trẻ em, mặc dù nên khuyến khích cha mẹ cho con tình yêu thương và sự tự do thích hợp, nhưng cái gì cũng có giới hạn, không được bỏ qua các nguyên tắc.
Qua câu chuyện của mẹ Tiểu Dương, các bậc phụ huynh càng cảm nhận sâu sắc rằng sự thân thiết giữa cha mẹ và con cái cũng nên có giới hạn. Đừng đợi đến khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát rồi mới nhớ thiết lập các quy tắc.
Làm thế nào để trẻ tuân thủ nguyên tắc?
1. Tự do vừa phải
Ý thức về ranh giới là bài học đầu tiên mà một đứa trẻ nên học. Điều rất quan trọng là cho trẻ biết đâu là ranh giới của một vấn đề. Ví dụ, tuân theo các quy tắc ở nơi công cộng, không hung hăng và lịch sự là điều nên làm.
Chẳng hạn, với câu hỏi, bạn nên làm gì nếu bắt gặp con mình khóc nơi công cộng? Phương pháp mà mẹ Tiểu Dương sử dụng lúc đầu là: Bế con đến nơi vắng người hoặc ít người để thuyết phục và giáo dục, nếu thuyết phục không hiệu quả thì để con khóc một lúc. Lúc này, quan trọng nhất là không được mềm lòng, không được thỏa hiệp, giả vờ như không thấy con khóc.
2. Các quy tắc khác nhau cho các nhóm tuổi khác nhau
Sự phát triển tinh thần của trẻ khác nhau ở mỗi độ tuổi, nên các quy tắc khác nhau nên được thiết lập dần dần. Ví dụ, 0-3 tuổi là xác lập khoảng thời gian ranh giới rõ ràng và an toàn. Trẻ em trong giai đoạn này thực sự không có ý thức về các quy tắc. Một khi không cho phép một số việc, bé sẽ thường xuyên khóc lóc, làm ầm ĩ, lúc này cha mẹ nên lựa chọn cách thông cảm trước rồi mới đặt ra quy tắc. Có thể nói: Mẹ biết con buồn, con có thể ôm mẹ và khóc một lúc để giãi bày nỗi bất bình của mình, nhưng điều này thực sự là không thể.
Đối với trẻ từ 3-6 tuổi, hãy thiết lập các quy tắc hòa hợp với những người xung quanh. Ví dụ, nếu làm phiền người khác, con nên nói lời xin lỗi, nếu ai đó giúp đỡ, con nên nói lời cảm ơn; Đối với trẻ em trên 6 tuổi, các quy tắc của các nơi công cộng khác nhau và các quy tắc lịch sự hay tôn trọng người lớn tuổi nên được hướng dẫn và quy định rõ.
3. Hãy kiên định
Phải kiên quyết khi trẻ phạm lỗi và cần giáo dục trẻ kịp thời, dù trẻ có khóc hay cười nịnh để miễn trách nhiệm thì cũng phải kiên quyết xử lý.
Một chuyên gia tâm lý từng nói: Người thành đạt không nhất thiết phải có trí thông minh vượt trội người thường, nhưng nhất định phải là người có ý thức về quy tắc. Muốn đạt được điều này, "quy tắc" và "kỷ luật" nên được thiết lập từ khi còn rất nhỏ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.