Con 30 ngày tuổi xuất huyết não, hôn mê vì bố làm rơi khi tắm nắng

(lamchame.vn) - Do bố bất cẩn làm rơi con khi đang tắm nắng, bé 30 ngày tuổi bị xuất huyết não nặng, hôn mê nhiều ngày liền

Các bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà cho biết Khoa tiếp nhận và cứu sống thành công bé 30 ngày tuổi bị xuất huyết não nặng phải do bố bất cẩn làm rơi con trong khi đang tắm nắng.

Con hôn mê vì bị bố làm rơi khi tắm nắng

Sau tai nạn, bé được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà  trong tình trạng hôn mê, biến dạng vòng đầu, rối loạn hô hấp.

Khi trẻ bị rung lắc mạnh, lực rung sẽ chuyển tới não và làm tổn thương não

Kết quả chụp CT scan sọ não cho thấy xuất huyết não vùng trán phải, rải rác 2 bán cầu não và liềm não, tụ máu dưới màng cứng, phù não, vỡ lún sọ vùng thái dương đỉnh chẩm bên phải.

Xác định đây là ca xuất huyết não nặng, các bác sĩ Khoa Nhi nhanh chóng tiến hành điều trị chống phù não, truyền máu, nuôi dưỡng tĩnh mạch. Đồng thời, hỗ trợ hô hấp điều chỉnh khí máu, rối loạn đông chảy máu, giảm đau, chống co giật cho bé. Sau 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi ổn định và được xuất viện vào cuối tháng 2.

BS Nguyễn Ngọc Huy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà cho biết, đây là trường hợp trẻ xuất huyết não  may mắn được cứu sống. Bs Huy cũng cho hay thông qua trường hợp này, các bác sĩ muốn cảnh báo đến một bệnh cảnh chấn thương gián tiếp khác hay gặp cũng gây nên xuất huyết não ở trẻ em và trẻ sơ sinh, đó là “hội chứng rung lắc”. Hội chứng này dễ gây tổn thương mắt, cột sống cổ và não của em bé, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi”.

Đừng rung lắc trẻ dù nhẹ nhất

Nhiều ông bà, bố mẹ vì yêu con quá nên có những hành động như bồng bé đưa lên đưa xuống nhanh, ẵm bé đưa lên cao làm máy bay, hoặc lắc đưa võng qua lại rất mạnh cho trẻ ngủ…làm như vậy trẻ rất thích, nhưng điều này vô cùng nguy hiểm.

Vì trẻ em lúc mới sinh có đầu lớn và nặng, chiếm đến 25% cơ thể, ở giai đoạn này cổ trẻ rất yếu chưa chịu được sức nặng của đầu, trong khi đó xương sọ trẻ lại mềm, màng não mỏng nên rất dễ bị tổn thương. Do tốc độ phát triển xương sọ nhanh hơn bộ não nên khi mới sinh, não và xương sọ có khoảng trống.

Chính vì thế, khi trẻ bị rung lắc mạnh, lực rung sẽ chuyển tới não và làm tổn thương não, có thể dẫn đến xuất huyết não, xuất huyết khoang não thất... gây hôn mê sâu, liệt người và thậm chí tử vong. Bên cạnh đó, việc rung lắc bé khiến cổ bé bị tổn thương và có thể gãy cột sống cổ.

Nằm võng không tốt cho trẻ sơ sinh

Tại Mỹ, có đến 30% trẻ bị hội chứng này tử vong, nghĩa là 3 trẻ thì 1 bé tử vong do tổn thương não và 62 - 96% số trẻ bị rung lắc từ nhỏ có thể có biến chứng muộn về sau như: chậm phát triển trí tuệ, rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh, giảm khả năng nhận thức, giảm thị lực....

Động tác bế và rung lắc của người lớn đối với trẻ ở các quốc gia có thể khác nhau và tùy theo tập quán sinh hoạt. Tất cả những động tác làm thay đổi tư thế trẻ nhanh đột ngột như: Trẻ đang năm được bế thốc dậy, nhấc bổng trẻ lên cao, xốc nách nhấc trẻ lên cao rồi hạ xuống... đều gây nguy hại đến trẻ.

Tại Việt Nam, nhiều gia đình có thói quen ru trẻ ngủ bằng võng, thậm chí nghĩ rằng phải đưa võng mạnh thì bé mới thích. Khi trẻ luôn trong trạng thái rung lắc mạnh sẽ khiến thần kinh mệt mỏi. Do đó, dù đã đi vào giấc ngủ nhưng trẻ luôn mang tâm trạng run sợ. Đó là lý do vì sao khi bạn ủ trẻ ra, chúng thường có động thái giật nảy mình, khóc thét, hai bàn tay nắm chặt và cố bấu víu vào ai hoặc cái gì gần tầm với nhất. Nếu phải trải qua trạng thái này trong thời gian dài, chắc chắn não của trẻ sẽ chịu những ảnh hưởng không tốt. Theo các bác sĩ điều này rất nguy hiểm vì có thể khiến não trẻ bị tổn thương, thậm chí tử vong.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang