5 tuổi nhưng chỉ nói được một từ đơn
Tại Viện Y dược học Dân tộc, TP.HCM, BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc Diệp đón một bệnh nhi được mẹ đưa đến khám. Bé H. (3 tuổi), nép vào người mẹ, tay nắm chặt lấy tay mẹ. Dù chị Liên (mẹ của bé H.) liên tục nhắc nhở “con chào bác sĩ đi”, nhưng mãi sau bé mới thốt ra được 2 từ “con… chào” một cách ngập ngừng, khó khăn. Giống như bé H., bé Q. (5 tuổi) cũng được đưa đến khám, dù bác sĩ và ba mẹ của bé cố gắng tương tác nhiều với con, nhưng bé chỉ nói được vỏn vẹn 2 từ “xin chào”. Những câu còn lại, bé luôn lắc đầu, hoang mang. Cả 2 bé đều được đánh giá chậm nói, cần phải có sự can thiệp của y học.
Bác sĩ Diệp đã tư vấn các phương pháp can thiệp về y học cổ truyền, trong đó có phương pháp điện châm (phương pháp dùng một dòng điện nhất định tác động lên các huyệt châm cứu để phòng và chữa bệnh. Dòng điện được tác động lên huyệt qua kim châm, hoặc qua các điện cực nhỏ đặt lên da vùng huyệt); phương pháp cấy chỉ (phương pháp đưa một đoạn chỉ Catgut (chỉ phẫu thuật tự tiêu) vào huyệt vị thích ứng với bệnh tật, gây kích thích liên tục ở kinh huyệt để chữa bệnh, có thể duy trì từ 1-2 tuần). Vì điều kiện gia đình ở xa, cả hai bệnh nhi được bố mẹ chọn phương pháp cấy chỉ để tác động vào các huyệt đạo vùng ngôn ngữ và các huyệt đạo thần kinh khác.
Bé N.T.T. (5 tuổi, ngụ Quận 9) được mẹ đưa đến viện để duy trì phương pháp điện châm đã gần 1 năm nay. Cửa phòng bác sĩ trực vừa mở ra, bé đã líu lo không ngừng: “Con chào bác sĩ, nay con đến trễ… Bác sĩ đừng giận con nghen…”. Dù là câu nói bập bẹ, bé cũng phải dừng lại và suy nghĩ vài lần. Theo bác sĩ Diệp, bé đã có sự tiến bộ rất nhiều so với trước đây. Những ngày đầu đến viện, bé chỉ nói được 1 từ đơn “ba”, “mẹ”, “bà”, dù ba mẹ gặng hỏi hoặc mớm một câu ngắn cho bé nhắc lại nhưng bé vẫn nín thinh.
Về phương pháp điều trị, bác sĩ Diệp chia sẻ: “Thời gian đầu vì nhà quá xa nên bố mẹ của bé lựa chọn phương pháp cấy chỉ, nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Sau đó, ba mẹ của bé mới quyết định điều trị bằng điện châm. Bé được châm cứu vào các vùng ngôn ngữ, các huyệt huyết hải, á môn, phong trì… Bên cạnh đó, bé được đánh giá vận động kém ở hai chân, được hỗ trợ châm cứu tại các huyệt ở chân để kích thích sức cơ cải thiện khả năng vận động. Kim châm cứu được gắn điện châm, duy trì tại các huyệt từ 20-30 phút. Đến nay, bên cạnh cải thiện ngôn ngữ, bé đã tăng thêm vốn từ, thích nói hơn trước, đồng thời các vận động ở đôi chân cũng được cải thiện rõ rệt”.
Nhịp cầu kết nối giữa y học và gia đình
Theo BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc Diệp, trong Đông y lý giải nguyên nhân chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ do tổng thể các cơ quan của trẻ như: phế - tâm - can - tỳ - thận gặp phải những vấn đề, ảnh hưởng đến sự phát triển về mọi mặt đời sống của trẻ, khiến cho trẻ chậm nói, chậm ăn, chậm đi…
Tại Viện Y dược học Dân tộc, bên cạnh số ít các trẻ chậm nói thông thường, các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận các trẻ chậm nói kèm theo bệnh lý tự kỷ, hoặc tăng động. Tuỳ vào từng mức độ, các bác sĩ sẽ lựa chọn can thiệp phương pháp để kích thích vào từng huyệt vị liên quan. Đối với những trẻ chậm nói, tự kỷ, tăng động các bác sĩ sẽ kết hợp châm cứu ở những huyệt vị an thần, kết hợp với thuốc Đông y có tác dụng an thần, hoặc kết hợp xoa bóp bấm huyệt để có hiệu quả điều trị tốt nhất.
Ghi nhận các trường hợp can thiệp tại Việt Y dược học Dân tộc, trẻ chậm nói từ 2-3 tuổi có khả năng đáp ứng tốt với điều trị, trẻ lớn hơn khả năng đáp ứng chậm hơn.
Theo nghiên cứu, trẻ từ 1-3 tháng tuổi đã phát ra âm thanh; từ 4-6 tháng bập bẹ những âm đơn; 7-9 tháng đã phát âm “ba”, bà; 12-18 tháng tuổi bắt đầu nói được 1-2 từ hoặc câu đơn giản. Do đó, phụ huynh cần lưu ý những mốc thời gian trên để nắm được các biểu hiện bất thường như: từ 1-3 tháng tuổi mà không đáp ứng với tiếng động mạnh, không phát ra âm thanh; sau 4 tháng đến 12 tháng trẻ không phản ứng với âm thanh, không phát âm được bất cứ từ nào, không phản ứng khi được gọi tên… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, đánh giá tổng quát khả năng nghe. Ở giai đoạn sau 2 tuổi, trẻ chưa nói được từ nào hoặc chỉ nói được bập bẹ vài từ hoặc nói được những nguyên âm cũng được đánh giá chậm nói, được xem là giai đoạn trễ để điều trị.
Bác sĩ Diệp khuyến cáo: “Trẻ chậm nói thể hiện sự chậm phát triển, nếu chủ quan không điều trị sớm trẻ sẽ chậm giao tiếp. Vốn ngôn ngữ của trẻ bị hạn chế, cho nên quá trình phát triển về sau trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Bên cạnh chủ động phát hiện sớm, can thiệp sớm bằng y học để điều trị cho trẻ chậm nói cũng cần sự phối hợp từ phía phụ huynh. Theo đó, cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với nhiều môi trường xã hội, cho trẻ tiếp xúc với nhiều người. Ở nhà, phụ huynh nên tăng cường giao tiếp với trẻ, tăng cường chia sẻ, kích thích trẻ được chia sẻ, trò chuyện nhiều hơn”.
Trẻ chậm nói có thể có nhiều nguyên nhân: Trước sinh, thai phụ mắc những bệnh lý, hoặc có thói quen uống rượu hút thuốc. Trong quá trình sinh, trẻ bị ngạt hoặc sang chấn. Sau sinh trẻ bị nhiễm trùng, sốt cao, động kinh, suy dinh dưỡng khiến trẻ chậm phát triển. Bên cạnh đó là những nguyên nhân về môi trường gia đình, yếu tố tâm lý, cha mẹ ít trò chuyện, chia sẻ với con…
Link gốc: https://suckhoedoisong.vn/tre-cham-noi-can-som-go-bo-rao-can-ngon-ngu-n189959.html
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.