Vài tháng trở lại đây, cô con gái hơn 7 tuổi nhà chị Hoa (đã đổi tên, trú tại Hà Đông, Hà Nội) phàn nàn với mẹ về tình trạng bị đau ở hai bên ngực. Nghĩ con bình thường và cũng ngại đến bệnh viện trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn ra nên chị Hoa lần lữa không cho con đi khám.
Tuy nhiên, gần đây, chị Hoa thấy ngực con sưng lên rõ rệt, bé liên tục kêu đau, nhất là khi chị sờ, ấn vào ngực con. Vội sắp xếp công việc đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương chiều 4/6, chị Hoa bàng hoàng khi các bác sĩ cho biết, bé nhà chị bị dậy thì sớm.
TS.BS Nguyễn Ngọc Khánh khám và tư vấn cho gia đình bệnh nhi. Ảnh: N.Mai
"Tôi chỉ nghĩ con bị đau ngực bình thường, chưa bao giờ nghĩ con lại bị dậy thì sớm", chị Hoa buồn bã nói.
Là người trực tiếp khám cho bệnh nhi này, TS.BS Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, nếu trẻ dưới 6 tuổi được phát hiện dậy thì sớm, các bác sĩ chắc chắn sẽ khuyên gia đình nên thực hiện can thiệp (tiêm hormone) làm chậm quá trình dậy thì sớm ở trẻ.
Tuy nhiên, trường hợp này, bệnh nhi 7 tuổi 8 tháng nhưng đã có tuổi xương của trẻ khoảng 10 tuổi, sớm hơn gần 3 năm. Vì vậy, can thiệp thời điểm này là khá muộn và việc can thiệp cũng không đem lại hiệu quả cao. Do đó, việc có can thiệp hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của gia đình chị Hoa.
Đề cập cụ thể hơn về bệnh lý dậy thì sớm ở trẻ, TS Bùi Phương Thảo, Phó Trưởng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền cho biết, hiện nay, cả trẻ nam và trẻ nữ đều có xu hướng dậy thì sớm hơn so với trước đây. Trong đó, trẻ nữ có tỷ lệ dậy thì sớm cao hơn trẻ nam.
Theo TS Bùi Phương Thảo, đối với nữ, tuổi dậy thì nằm trong khoảng 8-13 tuổi còn với trẻ nam, tuổi dậy thì trong khoảng từ 9-14 tuổi. Nghĩa là, nữ dậy thì trước 8 tuổi và nam dậy thì trước 9 tuổi được coi là dậy thì sớm.
Theo đó, dấu hiệu dậy thì ở nữ thường xuất hiện các biểu hiện như: Ngực phát triển, có kinh nguyệt, bắt đầu có lông mu, thay đổi tâm lý, còn trẻ nam thường là vỡ tiếng, dương vật phát triển, xuất hiện ria mép, trứng cá, mọc lông vùng kín…
Cũng theo chuyên gia này, vào những năm 1890, tuổi trung bình có kinh nguyệt ở trẻ nữ là 15-16 tuổi. Tuy nhiên, hơn 100 năm sau, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, độ tuổi này giảm xuống còn 11-12 tuổi, tức là nhiều bé gái chỉ mới 11 tuổi đã có kinh nguyệt và ngực phát triển, có lông mu như thiếu nữ.
TS Bùi Phương Thảo, Phó Trưởng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương) chia sẻ về dậy thì sớm ở trẻ. Ảnh: N.Mai
"10 năm trước, Bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 20-30 trẻ đến khám dậy thì sớm mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay, con số này đã tăng lên hàng trăm trường hợp. Năm 2019, có 365 bệnh nhi được chẩn đoán dậy thì sớm. Và từ đầu năm đến nay, Bệnh viện ghi nhận 107 ca. Hiện tại, chúng tôi đang quản lý hơn 1.000 trẻ dậy thì sớm và thực hiện can thiệp điều trị cho khoảng 500 trường hợp", TS Bùi Phương Thảo cho biết.
Về nguyên nhân dẫn khiến trẻ dậy thì sớm ngày càng gia tăng, theo TS Phương Thảo, ngoài nguyên nhân như các bệnh lý di truyền, các tổn thương thần kinh, khối u gây dậy thì sớm trung ương, còn có các yếu tố khác như: Môi trường sống, dinh dưỡng, sinh hoạt… cũng góp phần khiến trẻ dậy thì sớm hơn.
Trong đó, TS Thảo nhấn mạnh: Trẻ thừa cân béo phì sẽ có nguy cơ bị dậy thì sớm hơn so với đứa trẻ bình thường. Bên cạnh đó, những trẻ tiếp xúc với phim ảnh, các chương trình chưa phù hợp với độ tuổi cũng dễ gây dậy thì sớm.
Về hệ lụy của bệnh lý này, TS Bùi Phương Thảo cho hay, ở trẻ dậy thì sớm, giai đoạn trẻ cao lên nhanh bắt đầu sớm và thường cũng kết thúc sớm hơn bình thường. Đầu tiên, trẻ lớn vọt so với các bạn cùng lứa, nhưng sau vài năm chúng ngừng phát triển và không thể đạt chiều cao tối đa của người trưởng thành.
Do đó, trẻ nam dậy thì sớm sẽ bị thấp hơn khoảng 20 cm so với chuẩn và nữ thấp hơn 12 cm. Việc chẩn đoán và can thiệp sớm có thể giúp trẻ cải thiện được chiều cao, tăng từ 8-10cm so với trẻ bị dậy thì sớm nhưng không điều trị.
Bên cạnh việc ảnh hưởng đến chiều cao, trẻ dậy thì sớm còn gặp nhiều vấn đề về tâm lý như ngại ngùng khi có sự thay đổi thể chất so với các bạn (ngực phát triển, có lông mu, lông chân, ria mép sớm…) ảnh hưởng đến học tập và cuộc sống của các em.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương tư vấn cho gia đình bệnh nhi về dậy thì sớm. Video: N.Mai
Theo các bác sĩ, để xác định trẻ có dậy thì sớm hay không, ngoài các dấu hiệu nhận biết bên ngoài, cần được đánh giá cẩn thận bằng các kỹ thuật như xét nghiệm máu và nước tiểu giúp phát hiện hàm lượng hormone bất thường; chụp cắt lớp, cộng hưởng từ và siêu âm giúp phát hiện các khối u có thể là nguyên nhân gây dậy thì sớm. Từ đó, các bác sĩ sẽ có các khuyến cáo can thiệp kịp thời tùy vào từng trường hợp và nhu cầu của mỗi gia đình bệnh nhi.
Link gốc: http://giadinh.net.vn/song-khoe/con-gai-7-tuoi-keu-dau-nguc-me-hot-hoang-khi-bac-si-noi-con-bi-day-thi-som-20200604185848586.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.