Trẻ sơ sinh có nên nằm điều hòa hay không?
Đa số các bố mẹ đều tin rằng cơ thể trẻ sơ sinh còn non nớt, khả năng chịu đựng và thích nghi kém nên tìm mọi cách để giữ ấm cho con như mặc quần áo dày, quấn tã hay ủ nhiều lớp chăn để cơ thể con không bị lạnh, vì vậy đã không dám dùng điều hòa cho trẻ sơ sinh mùa hè.
Tuy nhiên đây là một quan niệm sai lầm, vì trẻ sinh khỏe mạnh, đủ tháng, thân nhiệt bình thường của trẻ sẽ ở khoảng 36.5 độ C – 37.5 độ C và nặng từ 3,5 kg trở lên đều có đủ lớp mỡ để giữ nhiệt cho cơ thể. Cơ chế điều tiết thân nhiệt của trẻ cũng đã hoạt động để bé có thể ngủ ngon và an toàn ở nhiệt độ phòng từ 25 độ C – 28 độ C. Ngược lại, nếu cha mẹ ủ quá ấm, đắp nhiều chăn sẽ không có lợi mà còn khiến bé gặp nguy hiểm hơn.
Nhưng nếu trẻ sinh non, cân nặng dưới 3,5 kg thì tốt nhất cha mẹ hãy đợi đến lúc trẻ 1 - 2 tháng, tùy theo sự phát triển của bé rồi mới cho con dùng điều hòa.
Những lưu ý khi cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa
Bên cạnh việc nằm điều hòa sẽ mang lại sự thoải mái cho trẻ và ngăn ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh khi thời tiết nắng nóng thì điều hòa cũng dễ làm khô tuyến hô hấp, dễ dẫn đến bệnh lý hô hấp: viêm hô hấp, viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản.
Một số chuyên gia cho rằng, việc cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa đúng cách sẽ giúp bé ngủ ngon hơn và giúp giảm tình trạng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Tuy vậy, khi sử dụng máy điều hòa, mẹ nên chú ý những điều sau để giúp bé luôn khỏe mạnh.
1. Duy trì nhiệt độ phòng hợp lý
Nhiều mẹ thắc mắc rằng nên để nhiệt độ điều hòa bao nhiêu là thích hợp với trẻ sơ sinh. Trên thực tế, nhiệt độ phòng mới chính là yếu tố mẹ cần chú ý. Nhiệt độ hiển thị trên máy lạnh có thể là 23 độ C, nhưng nhiệt độ phòng chỉ 19 độ mà thôi. Chính vì vậy, để biết chính xác nhiệt độ trong phòng các gia đình nên có một chiếc nhiệt kế để đo nhiệt độ phòng thay vì chú ý mức nhiệt độ trên điều hòa.
Nhiệt độ trong phòng cho trẻ sơ sinh tốt nhất nên duy trì ở mức 26-28 độ C. Độ ẩm cần thiết 40 – 60%. Không nên để nhiệt độ lạnh dưới 26 độ C, đảm bảo cơ thể trẻ luôn khô ráo, không bị thấm ướt bởi mồ hôi hoặc nước tiểu, có thể khiến trẻ bị viêm phổi cao.
Nếu nhiệt độ môi trường cao con bạn bị nóng, bé sẽ có nguy cơ bị hội chứng đột tử (SIDS); đây là hội chứng thường hay gặp ở những trẻ từ tháng tuổi thứ 2 trở đi và gần 90% các trường hợp đột tử ở trẻ nhỏ xảy ra ở độ tuổi dưới 6 tháng tuổi, và nguy cơ này giảm khi trẻ trên 1 tuổi. Vì thế, cha mẹ nên giảm nhiệt độ phòng từ từ đến khi trẻ không ra mồ hôi và trằn trọc.
2. Không để điều hòa thổi thẳng vào người bé
Hệ hô hấp của trẻ nhỏ còn rất nhạy cảm. Nếu quạt gió của điều hòa thổi thẳng vào mặt, vào đầu thì với những bé có cơ địa yếu sẽ rất dễ mắc những bệnh về đường hô hấp như dị ứng đường hô hấp, viêm mũi, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
|
Vị trí lắp đặt điều hòa nên ở trên cao, cánh cửa gió của điều hòa không đặt trực tiếp hướng về phía trẻ nằm. Nên đặt ở tốc độ quạt gió thấp nhất và để ở chế độ quay.
Khi để trẻ nằm điều hòa, mẹ không nên để cơ thể bé tiếp xúc trực tiếp với luồng hơi lạnh tỏa ra. Để tránh hơi lạnh trực tiếp tác động đến bé, mẹ có thể áp dụng các mẹo sau:
- Mặc nhiều lớp quần áo khác nhau cho bé: Thay vì chọn một bộ đồ thật dày, mẹ có thể mặc cho con nhiều lớp quần áo mỏng. Nếu nhận thấy bé bị nóng, mẹ bỏ bớt 1-2 lớp áo ngoài. Ngược lại, khi con bị lạnh, mẹ sẽ mặc thêm áo ngoài cho bé. Lưu ý, quần áo nên bao phủ cánh tay và cẳng chân của bé.
- Dùng nón và bao tay, vớ chân: Để tránh tình trạng hơi lạnh làm bé khó chịu, mẹ có thể dùng nón, bao tay và bao chân cho bé. Tuy nhiên, điều này không thật sự cần thiết nếu nhiệt độ phòng đã ở mức vừa phải cho bé.
- Sử dụng chăn mỏng: Mẹ nên lưu ý chọn chất liệu chăn bằng cotton thay vì len hay nỉ vì hai loại chất liệu này không thấm hút mồ hôi tốt và dễ khiến bé bị nóng, bí. Khi dùng chăn, mẹ nhớ cố định các mép chăn sao cho chăn không thể phủ lên mặt bé.
|
3. Thời gian bật điều hoà không quá 2-3 tiếng mỗi lần
Mẹ chỉ nên cho bé nằm tối đa 2 – 3 tiếng mỗi lần. Điều này có nghĩa là cứ 2-3 tiếng, mẹ nên cho bé ra ngoài nhiệt độ bình thường từ 10-15 phút. Đây cũng là thời gian để đuổi không khí tù đọng, đồng thời kết hợp đón nắng vào trong phòng bé.
4. Không đột ngột đưa con ra ngoài
Khi đang để trẻ ngồi phòng điều hòa, không nên đột ngột đưa trẻ ra môi trường bên ngoài, sự chênh lệch nhiệt độ có thể làm trẻ bị sốc nhiệt dẫn đến sốt, cảm cúm, ho,...
Nếu muốn đưa trẻ ra ngoài, hãy tắt điều hòa nhiệt độ, để trẻ tiếp tục ngồi trong căn phòng đó, sự tăng nhiệt độ dần của căn phòng sẽ giúp trẻ dễ thích nghi hơn. Khi nhiệt độ trong phòng gần với nhiệt độ ngoài trời, lúc đó mới nên đưa trẻ ra ngoài.
Mặt khác, khi bé ở ngoài về, ra nhiều mồ hôi, mẹ cũng nên lau mồ hôi cho con và để con ngồi nghỉ ít nhất 3 phút ở nhiệt độ phòng bình thường, tránh cho bé vào ngay phòng điều hòa gió lạnh, nhiệt độ thấp đột ngột.
5. Dưỡng ẩm da bé
Không khí quá khô do dùng máy lạnh có thể khiến da bé bị khô, sần và nứt. Chính vì vậy, khi dùng máy lạnh, mẹ nên bôi kem dưỡng ẩm da cho bé. Ngoài kem, mẹ cũng có thể sử dụng dầu dừa, dầu olive để giúp duy trì độ ẩm, tránh những tổn thương do da khô cho bé.
6. Vệ sinh máy lạnh thường xuyên
Máy lạnh có thể là nguồn phát tán vi khuẩn, siêu vi gây bệnh nếu không được vệ sinh thường xuyên. Vì vậy, sau mỗi 1 đến 3 tháng, mẹ nên vệ sinh máy lạnh một lần.
7. Nên bật quạt thông gió
Vì khi dùng điều hòa, phải đóng kín cửa, không khí bị khóa lại bên trong. Nhưng với trẻ nhỏ, việc lưu thông không khí lại rất quan trọng. Do đó, khi dùng điều hòa cho trẻ sơ sinh cha mẹ nên bật quạt thông gió để tạo sự thông thoáng không khí trong phòng.
Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.