Cuộc đời ai cũng có những ước mơ, và ước mơ của mỗi người cũng thật phong phú. Có ước mơ nhỏ, ước mơ lớn; có ước mơ vụt đến rồi vụt đi; có ước mơ bình dị, cao cả. Tuy nhiên, ở độ tuổi trung học, khi nói về ước mơ, chúng ta sẽ nghĩ đến một nghề nghiệp cụ thể nào đó.
Soranews24 mới đây đưa tin, nữ sinh trung học, là con gái của cô Hiroe Uno, một giáo viên tiểu học và nhà giáo dục ở Nhật, đã nhận được đề bài luận là viết về ước mơ của mình cho tương lai. Vốn là con một nhà giáo dục nên nữ sinh này nhanh chóng hoàn thành bài luận. Tuy nhiên sau đó, cô Uno chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội của mình rằng giáo viên của con mình từ chối nhận nó.
Vấn đề là gì? Nữ sinh này đã viết rằng ước mơ của cô là: "Được sống một cuộc sống yên bình với nhiều con chó", giáo viên giận dữ nói với cô bé: "Đừng có đùa giỡn! Hãy thực hiện bài luận này một cách nghiêm túc”.
Cô gái giải thích rằng cô rất nghiêm túc, một cuộc sống yên bình với nhiều chó thực sự là tương lai mà cô muốn. Tuy nhiên, giải thích đó vẫn chưa đủ thuyết phục giáo viên. Mẹ nữ sinh, cô Hiroe Uno viết trên trang cá nhân: "Nhà trường cảm thấy rằng ước mơ của học sinh phải là việc làm, những điều thực tế hoặc khả thi. Nhiều năm sau, các trường học vẫn cảm thấy như vậy là đúng đắn”.
Có hai cách nhìn nhận vấn đề được đưa ra sau khi câu chuyện của cô Uno được chia sẻ lên mạng xã hội. Một bên cho rằng, chỉ cần bạn là người yêu động vật, cuộc sống yên bình với những chú chó nghe có vẻ như rất thú vị. "Tại sao một ước mơ nhất thiết phải gắn liền với một nghề nghiệp? Đây là kiểu tư duy cũ kỹ"; "Có lẽ thay vì phê bình, cô giáo nên hướng cho nữ sinh đó nghĩ tới một mục tiêu khả thi hơn, như trở thành một bác sĩ thú y hoặc người huấn luyện chó chẳng hạn"...
Nhưng ở đầu bên kia của cuộc tranh luận, nhiều người cho rằng, thứ gì đó "trừu tượng" như động vật không phải là điều đáng lo ngại khi đó là ước mơ nghề nghiệp của một học sinh tiểu học, nhưng học sinh trung học chỉ còn vài năm nữa là đến tuổi trưởng thành và có nhu cầu tự nuôi sống bản thân, đóng góp cho gia đình và xã hội.
Những người này đồng ý với cô giáo vì ở lứa tuổi này, suy nghĩ về loại nghề mà mình muốn sẽ giúp học sinh vạch ra những kế hoạch để đạt được mơ ước đó.
"Thế chẳng lẽ cô giáo phải nói rằng: "Đây là một ước mơ hay đấy", và cứ mặc kệ nữ sinh đó sống thiếu thực tế như vậy à? Nếu bạn gắn liền ước mơ của mình với một nghề nghiệp thì bạn mới kiếm sống được chứ?", một người bình luận.
Ngoài ra, nhiều người có ý kiến rằng, đề bài luận nên dễ hiểu hơn nếu muốn học sinh viết về mục tiêu nghề nghiệp, chẳng hạn như: "Nghề nghiệp mơ ước của em là gì?". Như thế sẽ rõ ràng, cụ thể hơn nhiều.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.