Con học trước quên sau, lẹt đẹt mãi không bằng bạn bè cùng trang lứa: Chuyên gia cảnh báo có thể trẻ mắc phải hội chứng đáng lưu tâm này

Tuy nhiên, nếu khó khăn đó kéo dài và không đáp ứng được các biện pháp can thiệp thì phụ huynh nên nghĩ tới việc con mình có thể mắc chứng khó học.

Có đến 5-6% trẻ mắc phải chứng khó học, tức là khoảng 100 trẻ thì có 5 đến 6 trẻ bị. Dù số trẻ bị khiếm khuyết bẩm sinh này đang có chiều hướng gia tăng nhưng mức độ quan tâm của xã hội với vấn đề này chưa được sâu sát. Có trường hợp trẻ bị cha mẹ, thầy cô "dán nhãn" ngốc nghếch và lười biếng… gây nên những vấn đề về tâm lý cho trẻ. Đây là thông tin được cung cấp bởi Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng Khoa Tâm lý học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. 

Chứng khó học hay rối loạn chuyên biệt học tập với những biểu hiện như khó khăn trong việc đọc, viết và tính toán… có thể gây nhầm lẫn với hiện tượng chán học hay với các khuyết tật khác về trí tuệ, cảm xúc, giác quan. Việc trẻ nhầm lẫn về chữ viết hay con số trong một giai đoạn nhất định là bình thường. Tuy nhiên, nếu khó khăn đó kéo dài và không đáp ứng được các biện pháp can thiệp thì phụ huynh nên nghĩ tới việc con mình có thể mắc chứng khó học.

Con học trước quên sau, mãi không đếm được từ 1 tới 10: Bố mẹ cứ ngỡ con học chậm mà chẳng ngờ con mắc phải hội chứng này - Ảnh 1.

Rất nhiều đứa trẻ mắc phải chứng khó học nhưng bố mẹ không hay biết (Ảnh minh họa).

Trẻ lớp 3 không biết tính nhẩm, không phân biệt được trên dưới, phải trái

Theo TS. Ngô Xuân Điệp, với trẻ mắc chứng khó học, trí thông minh và thị lực vẫn rất bình thường nhưng riêng việc học thì thường "dạy trước quên sau". Có trẻ không phân biệt được âm vị, không đếm được từ 1-10 trong khi có thể nhớ rất lâu tất cả những vấn đề khác.

"Nhiều trẻ lớp 3, lớp 4 nhưng không biết tính nhẩm, phải dùng bàn tay để đếm. Chúng cũng không làm chủ được hệ cơ số 10, không có chiến lược cộng hai chữ số… Với trẻ mắc chứng khó đọc sẽ không phân biệt được các âm vị trong tiếng Việt, từ đó dẫn tới phát âm sai. Có trẻ khó khăn khi phân biệt phải - trái, trên – dưới, vì thế khi học chữ, học toán hay lẫn lộn giữa các chữ như d - b (vì có phần "bụng" giống nhau, chỉ khác nhau phía phải, trái); u – n hay 6 - 9… Chứng khó viết khiến trẻ không viết được ngay hàng thẳng lối, viết sai do không phân biệt được các âm gần giống nhau", TS. Ngô Xuân Điệp cho biết.

Việc phát hiện ra chứng khó học hiện nay thường là khi trẻ bắt đầu vào tiểu học. Vì lúc này, mức độ trầm trọng của hội chứng đã trở nên rõ ràng hơn.

Con học trước quên sau, mãi không đếm được từ 1 tới 10: Bố mẹ cứ ngỡ con học chậm mà chẳng ngờ con mắc phải hội chứng này - Ảnh 2.
 

"Nhiều bố mẹ nhận thấy con cái lo sợ, không vui vẻ khi đến trường trong một thời gian dài, trẻ học lặp đi lặp lại vẫn không nhớ được chữ, số thì mới đưa con đến trung tâm tư vấn tâm lý và tình cờ phát hiện ra con mắc chứng khó học. Một số trường hợp thầy cô giáo của trẻ có thể là người đầu tiên để ý tới vấn đề này. Tuy nhiên, ở các trường học nước ta, việc thiếu hụt các phòng tâm lý học đường cũng là một cản trở khiến việc phát hiện ra các em mắc chứng khó học nói riêng và các vấn đề khác cần can thiệp chuyên sâu nói chung trở nên khó khăn hơn", ông Điệp chia sẻ.

Theo TS. Huỳnh Mai Trang (Khoa Tâm lý Giáo dục, Đại học Sư phạm TP. HCM), nguyên nhân gây chứng khó học xuất phát từ di truyền và sự rối loạn chức năng não trong quá trình phát triển. Vì vậy, phụ huynh nên sàng lọc dựa vào các dấu hiệu nhận biết như: Trí tuệ trẻ bình thường (IQ>=90); Giác quan không bị khiếm khuyết; Não không bị tổn thương; Cảm xúc ổn định; Môi trường giáo dục thuận lợi. 

Sau khi loại bỏ tất cả 5 dấu hiệu trên mà kết quả học tập của trẻ vẫn ở mức quá thấp, trẻ vẫn khó đọc, viết, tính toán so với mặt bằng chung thì lúc đó cha mẹ nên nghĩ đến việc con mắc chứng khó học.

Cha mẹ càng "dán nhãn", con càng áp lực, khó điều trị

Theo TS. Ngô Xuân Điệp, với trẻ mắc chứng khó học, việc phát hiện sớm và can thiệp bằng giáo dục và tâm lý rất quan trọng. Chuyên gia tâm lý sẽ giúp trẻ thư giãn, thoải mái, giải tỏa những lo âu và nói ra được những điều khiến chúng thấy khó khăn, sợ hãi. Với biện pháp giáo dục, việc học với trẻ mắc chứng khó học thật sự là một cực hình. Vì thế, cần tận dụng các tình huống giao tiếp hằng ngày để giúp trẻ học chứ không chỉ học qua sách vở.

Chẳng hạn nếu trẻ khiếm khuyết về toán học, thay vì bắt trẻ vật lộn liên tục với những con số, cha mẹ nên cho trẻ chơi những trò chơi phù hợp với sở thích và thế mạnh của mình, qua đó lồng ghép việc học một cách nhẹ nhàng.

Con học trước quên sau, mãi không đếm được từ 1 tới 10: Bố mẹ cứ ngỡ con học chậm mà chẳng ngờ con mắc phải hội chứng này - Ảnh 3.
 

Trẻ mắc chứng khó đọc thường mệt mỏi, thiếu tập trung, khả năng xử lý âm vị và ngữ âm không tốt. Nếu tăng cường luyện đọc hay kết hợp dạy đọc với dạy chính tả càng khiến trẻ thêm áp lực. Cha mẹ có thể thay chữ hoa bằng chữ thường giúp trẻ dễ nhận biết. Cho trẻ sử dụng loại giấy vở có hàng kẻ nổi bật, chia những bài tập có liên quan đến kĩ năng viết thành những nhiệm vụ nhỏ hơn, đồng thời hướng dẫn trẻ tập thể dục tay khi đã mệt mỏi.

"Hơn ai hết, cha mẹ phải hiểu con trẻ không ngu ngốc và lười biếng, tránh những lời chỉ trích, quở trách khi trẻ thất bại. Ngược lại, cần nhận ra và khuyến khích sự tiến bộ, dù là rất nhỏ của trẻ, tìm ra những mặt tích cực của trẻ giúp trẻ tự tin khắc phục điểm yếu của mình," TS. Ngô Xuân Điệp đưa ra giải pháp.

Đồng quan điểm trên, TS. Huỳnh Mai Trang cho rằng: "Nhiều phụ huynh không biết con mình khó học, khi thấy con không học được đã nghĩ rằng con lười biếng, nhút nhát hoặc quậy phá. Lúc đó, cha mẹ thì mệt mỏi vì thất vọng, con trẻ thì thiếu hụt kỹ năng học tập và sự chia sẻ, ngày càng tự ti thu hẹp trong vỏ ốc của chính mình".

Con học trước quên sau, mãi không đếm được từ 1 tới 10: Bố mẹ cứ ngỡ con học chậm mà chẳng ngờ con mắc phải hội chứng này - Ảnh 4.
 

TS. Huỳnh Mai Trang nhấn mạnh, gia đình cần hợp tác với chuyên gia và nhà trường. Các chuyên gia sẽ giúp phụ huynh xác nhận vấn đề của trẻ là gì, can thiệp thế nào, nhà trường và phụ huynh cần thống nhất mục tiêu can thiệp và đưa ra những phản hồi về tình hình tiến bộ và những khó khăn của trẻ. Nhiều đứa trẻ đã thành công trong việc điều trị hội chứng này nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ và chuyên gia.

"Đúng như tên gọi của nó, chứng khó học là một rối loạn rất khác biệt và cá nhân. Ở nhiều quốc gia, những người mắc hội chứng này nhận được hỗ trợ giáo dục và nơi làm việc. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, Đạo luật ADA bảo vệ người lao động khỏi bị kỳ thị vì chứng khó đọc và các khuyết tật khác. Tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất vẫn là xã hội nên nhìn nhận người bị rối loạn chuyên biệt học tập theo một cách nhìn khác, không nên kì thị để giúp họ bớt tự ti và hòa nhập tốt với môi trường", TS. Ngô Xuân Điệp kết luận.

Ở TP.HCM, cha mẹ có thể đến các địa chỉ sau nếu nghi ngờ con mắc chứng khó học:

Phòng Tham Vấn Và Trị Liệu Tâm Lý, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1

Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2

Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Khoa Tâm lý, Phòng khám Đa khoa Đại Phước

Trung tâm hỗ trợ giáo dục Tường Minh

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang