Đối với những phụ huynh có con lên 3 lên 5 hoặc những đứa trẻ đang trải qua giai đoạn dậy thì nổi loạn, có lúc, họ sẽ vô cùng đau đầu vì cách cư xử vô cùng ngang ngược và vô lý của con cái. Nhiều phụ huynh tự hỏi, vì sao trước đây con ngoan lắm, nghe lời lắm, tại sao giờ đây lại trở nên như vậy?
Theo Bridgett Miller - một giáo viên, chuyên gia trị liệu và tư vấn nuôi dạy con cái - đã nghiên cứu và cho biết: Sự thật là các hành vi kém của trẻ, hầu hết đều là vì trẻ khao khát có được sự quan tâm từ phụ huynh. Ngay cả khi điều chúng nhận được chỉ là sự phản hồi tiêu cực, là sự la rầy và hình phạt. Nhưng, có còn hơn không!
Việc một đứa trẻ muốn trở thành trung tâm của sự chú ý của bố mẹ và trong gia đình là điều hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Ngay từ lúc trẻ được sinh ra, bản năng của chúng cho biết khi chúng khóc hoặc phát ra những tiếng ọ ẹ khó chịu, người lớn sẽ ngay lập tức xuất hiện để chăm sóc và cho chúng những cái ôm ấp áp dễ chịu.
Giai đoạn đầu chưa hình thành đủ nhận thức, trẻ đã nhanh chóng biết rằng tiếng khóc chính là công cụ duy nhất đảm bảo cho chúng nhận được sự chú ý của người lớn, giúp chúng đáp ứng những nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên lúc này, ngoài bố mẹ ra, có thể nói bất cứ người lớn nào có đủ sự dịu dàng, cho trẻ bú sữa, ôm trẻ trong tay đung đưa, thì đối với trẻ là đều không có nhiều khác biệt.
Đến khi trẻ phát triển nhận thức sâu sắc hơn, hình thành tình cảm và mối liên hệ mật thiết với bố mẹ - những người chăm sóc chính của chúng, trẻ cũng sẽ học được cách tin tưởng tuyệt đối vào họ và trải nghiệm này sẽ trở thành nền tảng quan trọng để trẻ xây dựng các mối quan hệ trong tương lai.
Trong quá trình lớn lên, một đứa trẻ dù đã có đủ khả năng nhận thức và từ ngữ, có thể độc lập hơn nhưng nhu cầu được chú ý và được chăm sóc vẫn còn rất mạnh mẽ.
Nhiều bố mẹ giảm dần việc chăm sóc khi con được 2-3 tuổi vì nghĩ rằng con có thể tự xoay xở và đó cũng là cơ hội để con học cách chăm sóc bản thân, khuyến khích sự tự giác của đứa trẻ. Mặt tiêu cực của hành động ý nghĩa này chính là một số trẻ có thể hiểu sai, cho rằng chúng bị bố mẹ bỏ mặc, không quan tâm nữa.
Trẻ con luôn muốn được người lớn chăm sóc, chúng cũng cần có được sự quan tâm, chú ý để cảm thấy an toàn và được gắn kết với bố mẹ. Nếu trẻ không cảm thấy các nhu cầu về thể chất và tình cảm đang được đáp ứng đầy đủ, chúng sẽ bắt đầu tìm mọi cách để thu hút phụ huynh.
Thật không may, những điều trẻ làm khi còn nhỏ có thể không mang đến cho chúng sự chú ý từ bố mẹ như mong đợi. Nỗ lực tuyệt vọng của trẻ thậm chí phản tác dụng vì bố mẹ hiểu sai động cơ của con, và do đó có thể phớt lờ khiến cho đứa trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, từ chối.
Ngạc nhiên thay, khi trẻ bắt đầu hành xử vô lý, ngỗ ngược hay có những hành vi xấu, phụ huynh lại bày tỏ sự quan tâm đúng như điều chúng muốn, cho dù đó đều là phản ứng tiêu cực.
Có rất nhiều cảm xúc hỗn loạn xảy đến đối với một đứa trẻ dùng hành vi sai trái để mong được bố mẹ để ý, ngay cả bản thân trẻ không thể nhận biết được điều này. Một khi trẻ càng ngang ngược, đó cũng là lúc trẻ đang "kêu cứu" từ sâu thẳm tâm hồn rằng, chúng cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa của bố mẹ.
Trái ngược lại với niềm tin của đa số phụ huynh, nghĩ rằng con hành xử kém chỉ cần lờ chúng đi thì mọi chuyện sẽ êm đẹp. Thực chất việc bỏ qua cảm xúc của trẻ chỉ có thể giải quyết được vấn đề trước mắt nhưng không thể hóa giải được nút thắt trong lòng trẻ - thứ khiến cho trẻ muốn làm những điều ngược ngạo kia. Đó chính là khao khát được quan tâm, được kết nối với bố mẹ.
Đối với một đứa trẻ đang khao khát sự chú ý của phụ huynh, thậm chí sự chú ý tiêu cực vẫn tốt hơn là không nhận được bất kỳ sự chú ý nào.
Chính vì vậy, chỉ có hành động của bố mẹ mới là chìa khóa đúng đắn nhất để kết thúc chuỗi hành vi ngỗ ngược của trẻ. Việc dành sự quan tâm khi con cư xử kém không phải là nhượng bộ mà chính là cách để bố mẹ có thể hiểu được con mình nhiều hơn.
Điều quan trọng nhất là, một khi trẻ có thể hiểu được rằng, chúng luôn được bố mẹ luôn yêu thương, lắng nghe tâm tư tình cảm và cho dù thế nào đi nữa, bố mẹ vẫn sẽ ở bên cạnh chúng, những hành động ngang ngược và không tốt sẽ tự động biến mất.
(Nguồn: Today's Parent)
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.