* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Vài nét về tác giả:
Đoàn Phạm Hà Trang, hiện là giáo viên mầm non sống tại Sydney, Úc. Cô là mẹ của 2 bé trai Subi (sinh năm 2014) và Subo (sinh năm 2017).
Hà Trang được biết đến với nhiều bài viết sâu sắc chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy con hữu ích.
Một người bạn mình hôm qua chia sẻ bài viết dành cho cô con gái nhỏ trên facebook. Đoạn kết, cô nói cô hiếm khi khen con, nhưng mong con hiểu cô luôn tự hào về con. Mình, đương nhiên, không khỏi thắc mắc, tại sao lại ít dành lời khen cho con?
Thế hệ mình trở về trước thường ít được nhận lời khen của bố mẹ. Ở nền văn hóa Á Đông, khi sự khiêm tốn được đề cao, thì cùng lúc đó, lời khen được cho là mầm mống của tính tự kiêu. Do đó, bố mẹ ít khen con, thầy cô ít khen trò, người với người ít chịu khen nhau.
Không có cụm ngôn ngữ cố định nào có thể tác động đáng kể đến tất cả mọi người, nhưng với con cái chúng ta, những lời động viên và khen ngợi sẽ có tác động to lớn đến chúng, nâng đỡ bọn trẻ đạt được những cột mốc của cuộc đời và tạo ra giá trị riêng biệt của bản thân.
Dưới đây là những lợi ích của việc cha mẹ thường xuyên khen ngợi và động viên trẻ:
- Trẻ nhận thức được giá trị bản thân và lòng tự trọng.
- Trẻ nhận thức được chúng là ai, nhìn nhận được những điều nên làm và không nên làm.
- Những đứa trẻ nhận thức được giá trị bản thân có xu hướng đối xử tích cực với chính mình và những người xung quanh.
- Những đứa trẻ nhận thức giá trị bản thân một cách tích cực có xu hướng đạt được thành tích tốt trong những việc chúng tham gia.
- Giúp trẻ tự tin
- Trẻ không dễ nản lòng và thường có cuộc sống hiệu quả hơn (xét về tổng thể).
Lời khen chỉ phát triển thành tính tự kiêu ở trẻ khi cha mẹ khen mà không tập trung vào mô tả những gì chúng ta đánh giá cao ở con.
Vậy cha mẹ nên khen ngợi trẻ thế nào để hiệu quả nhất?
1. Khen ngợi bản chất con người con: Đây là hình thức khen ngợi cao nhất. Nó giúp con định vị được giá trị bản thân, tìm thấy cảm giác an toàn chỉ đơn giản bởi con là con của bố mẹ.
Ví dụ: Mẹ yêu con/Bố yêu con/ Con là một cậu bé tốt bụng/ Mẹ rất hạnh phúc vì được làm mẹ của con/ Mẹ rất hạnh phúc vì con là con gái mẹ.
Chúng ta rất ít khi nghe thấy bố mẹ Việt nói những câu như vậy với con cái mình. Đương nhiên, những đứa trẻ vẫn lớn lên, vẫn hiểu rằng bố mẹ yêu mình, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, một bộ phận không ít trẻ nhỏ trong xã hội lớn lên thiếu tự tin, mất an toàn, luôn thấy lạc lõng ngay trong chính gia đình của mình.
2. Khen ngợi vì những điều con làm được: Không dừng lại ở cụm từ: “Tốt lắm!”, “Giỏi lắm!”, cha mẹ cần cụ thể hóa lời khen bằng cách gọi tên việc con đã làm được, nhấn mạnh đến quá trình chứ không chỉ hướng đến thành tích.
Ví dụ: “Ôi, mẹ đã nhìn thấy con chuyền bóng cho bạn A khéo đến thế nào!”/ “Ôi, sao con có thể rang cơm săn mà vẫn dẻo hạt thế này nhỉ. Con có thể chỉ cho mẹ được không?”/ “Mẹ rất tự hào vì hôm nay con học bài rất tập trung, biết xin phép khi cần đi vệ sinh rồi mới rời khỏi chỗ ngồi”.
Với cách khen như vậy, trẻ sẽ hình dung lại quá trình làm được việc đó, khắc ghi hành động mình đã làm tốt và có ham muốn lặp lại hành động đó trong tương lai.
Khen ngợi, động viên tích cực và đúng cách tạo điều kiện cho trẻ phát triển một cách lạc quan, tự tin và luôn tìm thấy động lực trong học tập và cuộc sống. Tập trung vào những thay đổi nhỏ của con để khuyến khích, thay vì đợi đến khi con đạt được thành tích to lớn hay hoàn thành công việc một cách hoàn hảo mới đưa ra lời khen.
Những lời khen đúng cách, đúng lúc có tác dụng mạnh mẽ giúp trẻ vượt qua thử thách, tìm thấy động lực để cố gắng và hoàn thiện bản thân.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.