8 giờ tối, con tôi - “sinh viên lớp 1” tròn 1 tuần ngồi vào bàn học. Giở tờ giấy in bài tập cô giáo phát mỗi ngày, bên cạnh là quyển vở luyện chữ, tôi cũng vào vai học sinh lớp 1, cùng ngồi ê a ghép vần dạy con đọc. Những màn ghép vần kiểu: “bờ ô bô sắc bỗ”, hay “cờ a ca sắc cả” lặp đi lặp lại như không có hồi hết.
Rồi trong khi tôi vò đầu bứt tóc, tự bấm móng tay vào mình để ngăn không nổi đóa, cô con gái mới 6 tuổi sẽ đánh vật bên quyển vở tập viết. Con bảo, cô dặn phải viết đẹp, phải thẳng hàng thẳng lối để nhà trường còn thu vở, cuối học kỳ đem đi thi vở sạch chữ đẹp. Con gồng mình gò chữ, hễ chệch dòng là vội vã tẩy đi, vừa tẩy vừa đánh mắt nhìn xem mẹ có phản ứng gì không.
Đến chừng 10h20, bài vở vẫn còn chưa xong. Con kiệt sức vì đánh vần lúc đúng lúc sai (mà chẳng hiểu mình sai ở chỗ nào), mắt díp lại, ngồi uốn éo như con sâu đo. Mẹ thì ức chế, quát một vài câu là con òa khóc. Nhìn đồng hồ có hôm gần 11h giờ khuya.
Bà nội nghe tiếng cháu khóc chạy ào vào bênh, bảo: “Tại chúng mày (tức là vợ chồng tôi) không cho nó đi học trước, tội vạ đâu ở nó mà quát. Ôi khổ thân kim cương vàng ngọc của bà”. Bố cũng xót con, lao ra dỗ dành, hứa hẹn sẽ mua kẹo ngọt, bim bim nếu con học xong bài, hứa cuối tuần cho con đi nhà sách chơi. Được thể, con bé càng khóc to...
Cứ thế, cả tuần nay, nhà tôi cả nhà náo loạn, lúc nào cũng như có chiến tranh, không khí căng như nồi áp suất, kể từ khi cô công chúa vào lớp 1.
Mới cỡ chục ngày trước, chúng tôi còn rất đỗi tự tin, rằng con bé sẽ bước vào lớp 1 đầy niềm vui, bất chấp việc chưa được học chữ trước khi vào lớp 1. Hôm họp mặt phụ huynh đầu năm, nhiều người đã khoe với tôi con họ đã biết viết chữ sạch đẹp, biết đánh vần thành thạo rồi. Còn con tôi, bảng chữ cái biết lõm bõm, cũng chưa được luyện chữ nào.
Hàng xóm, bạn bè và cả người thân luôn thắc mắc sao vợ chồng tôi nhất định không cho con học tiền tiểu học (mà thực chất là học chữ, học ghép vần, luyện chữ đẹp, học tính toán ngay từ mẫu giáo). Có người còn sốt ruột bảo con anh A chị B đã đọc được truyện tranh, nói tiếng Anh như gió, đọc văn bản dài ro ro, còn biết diễn cảm, sao con tôi vẫn chỉ mê mải vẽ và nhảy múa.
Tôi bỏ ngoài tai tất cả. Tôi tin rằng, học lớp Một thì cứ theo đúng chương trình là được, kiểu gì cuối năm chẳng biết đọc biết viết. Tôi chấp nhận mình là thiểu số, phớt lờ dư luận, vì tôi nghĩ rằng, con đến trường là để được học hỏi những điều chưa biết chứ không phải để ganh đua biết đọc vần giỏi, viết chữ khéo hơn các bạn.
-
Học chữ trước khi vào lớp 1, với tôi là không cần thiết, như trái non bị ép chín sớm. Ngay cả Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đồng ý với tôi, nếu không, năm 2013, khi phong trào nhà nhà cho trẻ mầm non đi luyện chữ, Bộ đã không ra chỉ thị số: 2325/CT-BGDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục không dạy chữ cho trẻ.
Nhưng rồi, sau 1 tuần con vào lớp 1, cả con và tôi đều bị sốc. Tôi đã rèn trước cho con biết đi vệ sinh, làm vệ sinh cá nhân, hướng dẫn quay lại lớp sau giờ ra chơi, dặn dò con tuân theo kỷ luật, giờ ăn, giờ ngủ ở trường mới... để con không bỡ ngỡ. Con bé cũng khá bạo dạn và thân thiện nên kết bạn rất nhanh.
Được 2 ngày êm êm, đến ngày thứ ba, khi bắt đầu vào học chữ và ghép vần, con ngơ ngác vì không theo kịp bài, bối rối với lượng bài tập nhiều và xa lạ với trình độ của con. Tối nào ngồi học, con cũng căng thẳng, mếu máo xin được... đi học lại mẫu giáo.
Con vào lớp 1 mà cứ như cả nhà học lại vỡ lòng. Ngồi kèm con học, thấy con khóc mếu mà bài thì không hiểu, chữ thì tẩy đi xóa lại cả mấy lần vẫn không đẹp, tôi cũng muốn kiệt sức. Tất cả thì giờ buổi tối của tôi bị đảo lộn. Giờ tập thể thao, giờ gặp gỡ bạn bè cuối tuần, giờ giải quyết nốt công việc tồn đọng, giờ "chill chill" đọc sách, xem phim… tất cả dẹp hết chỉ còn là giờ “ê a và cây chổi lông gà”.
Kết quả là, cả tuần nay tôi phải thức đêm để làm nốt việc. Sáng nào dậy cũng uể oải, cả con cả mẹ cuống quýt với quần áo, giày dép vì sợ con muộn học. Chồng tôi thì tìm đọc đủ các phương pháp dạy chữ, lùng mua cả sách giáo viên, sách tập tô để hỗ trợ thêm cho con. Bà nội thì mua đầy bánh trái, hoa quả cho cháu ăn lót dạ buổi tối cho bớt căng thẳng…
Hôm nay, con tôi bước vào tuần học thứ hai của lớp Một, không biết còn “biến căng” gì chờ đợi trước mặt.
Tôi than thở với hội bạn có con năm nay lớp 3, lớp 4 rằng mình sắp “hóa thú” vì kèm con học lớp Một. Người ta bảo tôi nói quá, rồi thì cứ drama mọi chuyện lên làm gì, đằng nào hết lớp 1 con chẳng biết đọc biết viết. Hỏi kỹ một hồi, thì cái hội ấy có con học lớp 1 sách cũ, còn con tôi là năm đầu tiên học bộ sách mới.
Trong nhóm phụ huynh lớp con tôi, ngoại trừ những người cho con đi học “chui” tiền tiểu học suốt hè, còn lại cùng hoang mang như nhau. Họ bàn nhau phải cho con đi học thêm, nếu không càng ngày càng đuối, không thể theo kịp giáo trình. Họ mách nhau cô giáo này thầy giáo kia luyện chữ giỏi, dạy vần siêu, hẹn hò gom lũ trẻ thành từng tốp đi xin học thêm, rủ cả tôi tham gia.
Mới có 1 tuần của lớp 1 mà đã có người hoài nghi, hay là con mình… học dốt. Hay là bố mẹ không đủ trình độ, không có phương pháp, hay là bố mẹ lười không muốn kèm cặp con... Tôi thì không tin có đứa trẻ nào “học dốt” ngay từ lớp 1. Và với chuyên môn về ngôn ngữ và trình độ trên Đại học như vợ chồng tôi, tôi cũng không nghĩ rằng mình bất lực trong việc dạy con.
Thẳng thắn mà nói, tôi nghĩ vấn đề chính nằm ở chương trình học của năm nay (hay ít nhất là bộ sách của con tôi đang học) vội vã quá, gấp gáp quá. Như môn tiếng Việt chẳng hạn, trẻ con mới vào lớp 1 không được học vỡ lòng một cách cẩn thận và nghiêm túc, mà đã phải vào ngay chương trình đọc, viết rất căng.
Chương trình lớp 1 được thiết kế với tốc độ rất nhanh, cứ 1 buổi học 2 âm, trẻ học liên tục 1 tuần 10 âm, sau đó ghép vần và viết chính tả luôn.
Mới kết thúc tuần 1, các con đã phải đọc được cả đoạn văn bản dài. Thậm chí có những bạn nhỏ như con gái tôi, chưa nhận diện hết mặt chữ cái, cô giáo đã yêu cầu các con phải đọc trơn tru từng từ, không được đánh vần nữa. Tôi thực sự lấy làm ngạc nhiên vì điều đó. Dạy trẻ học như thế, khác nào chỉ dạy phần xác chữ mà thiếu đi phần hồn, ý đẹp lời hay của ngôn ngữ cũng như nguyên tắc hình thành, tạo vần của tiếng?
Ngày trước, thế hệ chúng tôi vào lớp 1 đúng nghĩa là vỡ lòng. Cứ thư thái mà học mặt chữ, luyện viết, ghép vần qua những bài thơ với câu từ đơn giản mà dễ thương, dễ hiểu, khêu gợi trí tò mò, háo hức được đọc. Còn giờ, trẻ sẽ học với những ví dụ kiểu “Bố có ba ba”, “Cô dỗ Ba”, “Bà có cờ”... hoặc đoạn văn xuôi dài. Ở lứa tuổi của các con, tôi không nghĩ chúng có thể tiếp thu tốt khi mới đi học 1 tuần.
Còn sách lớp 1 năm nay, nhiều phụ huynh kêu là khó quá, đòi hỏi bọn trẻ phải cố gắng nhiều mới làm được, phụ huynh phải đồng hành với con sát sao. Nhưng theo tôi, sách không khó, mà là vội. Vội vì trong hành trình giới thiệu con chữ, con tính đã bị “nuốt” rất nhiều lớp lang, bị bỏ qua nhiều bước quan trọng.
Thời đại nào cũng vậy, trẻ lớp 1 dù có thông minh, lanh lợi, tiếp xúc với công nghệ nhiều hơn thời cha mẹ chúng, thì cũng cần phải học vỡ lòng. Chúng cần được giới thiệu dần từng chữ cái, làm quen thanh điệu, vần, đánh vần thành thạo rồi mới đến giai đoạn đọc văn bản và đọc hiểu (phân tích, ghi nhớ chi tiết trong văn bản).
Chứ giờ chúng còn chưa hiểu cấu trúc của văn bản, chưa biết các chữ phải đọc liền nhau thế nào, dấu chấm và ký hiệu của thanh nặng còn nhầm lẫn, đánh vần xong còn chưa ghi nhớ được chữ đằng trước thì đọc làm sao được cả đoạn văn bản dài? Ở tuổi của các con, yêu cầu được đặt ra ngay từ những tuần đầu vào lớp 1, có vẻ là quá sức.
Tương tự với môn Toán, phép cộng, phép trừ hai con số chúng còn chưa thạo, nhận diện chữ số hàng chục còn bối rối, nhưng đã sớm được giới thiệu phép cộng 3 số với nhau, trẻ không khóc, bố mẹ không căng thẳng mới là chuyện lạ.
Bộ kiên quyết cấm không cho dạy trước chương trình lớp 1, yêu cầu các cô giáo không dạy thêm, nhưng với chương trình sách giáo khoa đúng kiểu "chưa học bò đã lo học chạy" của năm nay, chẳng biết phụ huynh sẽ phải “đồng hành” thế nào để con không vấp ngã, lo âu, thậm chí tự ti vì nghĩ rằng mình “học dốt”?
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.