Chuỗi cung ứng sữa bột trẻ em vốn đã khan hiếm lại càng trở nên trầm trọng hơn kể từ khi Abbott Nutrition tự nguyện thu hồi sữa và đóng cửa một cơ sở sản xuất lớn tại Michigan trong nhiều tháng.
Ảnh hưởng sâu sắc của khủng hoảng sữa bột
Cuộc khủng hoảng lớn này không chỉ đặt ra câu hỏi về cấu trúc thị trường của ngành công nghiệp sản xuất sữa bột mà còn thúc đẩy việc ưu tiên sử dụng sữa mẹ cho trẻ sơ sinh. Trên thực tế, chỉ ¼ trẻ em Hoa Kỳ được sử dụng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời theo như khuyến nghị của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP).Một số nghiên cứu gần đây ở Anh, việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp cải thiện sự phát triển nhận thức ở trẻ sơ sinh, điều đó cho thấy sữa mẹ cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng quan trọng, và sữa bột cũng được nghiên cứu để bắt chước sữa mẹ trong việc cung cấp những chất dinh dưỡng tương tự.
Vậy nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung sữa bột hiện nay sẽ dễ dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng sớm ở trẻ, có nguy cơ gây ra những hậu quả suốt đời không thể cải thiện đối với sự phát triển thần kinh và chức năng nhận thức sau này.
Trước tình trạng thiếu hụt sữa bột trên, nhiều người mẹ bắt đầu cho con dùng sữa mẹ, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn thấp và khác nhau tùy theo đặc điểm kinh tế của từng gia đình. Phần lớn các bà mẹ cho biết, đã từng cho con dùng sữa mẹ, tuy nhiên rất ít người có thể tuân thủ chỉ dẫn của AAP.
Vấn đề sâu xa các gia đình phải đối mặt
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do hỗ trợ tài chính cũng như xã hội cho việc nuôi con bằng sữa mẹ vẫn chưa đồng đều ở Mỹ. Trong khi việc nuôi con bằng sữa mẹ chiếm ưu thế ở thế kỷ 19, thì điều này lại thay đổi đáng kể trong giai đoạn 1880 - 1940, đặc biệt tỷ lệ cho con bú đạt mức thấp nhất vào năm 1970.
Về khía cạnh xã hội, các bà mẹ không được tư vấn nhiều về việc này mặc dù dịch vụ hỗ trợ, tư vấn và thiết bị cho con bú được bao gồm trong chương trình bảo hiểm y tế. Ước tính có 5,1 đơn vị tư vấn về việc cho con bú được chứng nhận bởi Hội đồng quốc tế trên 1000 trẻ sinh sống tại Hoa Kỳ, thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị tiêu chuẩn là 8,6 trên 1000 trẻ, đồng thời nhiều bác sĩ nhi khoa cũng cho biết họ không sẵn sàng để tư vấn cho các bà mẹ về việc cho con bú.
Về khía cạnh kinh tế, cho con bú bằng sữa mẹ cũng tốn nhiều chi phí hơn chúng ta nghĩ. Những người ủng hộ việc nuôi con bằng sữa mẹ cho rằng việc cho con bú sẽ giúp tiết kiệm tới 1500 USD (khoảng 35 triệu VNĐ), tuy nhiên lập luận này chưa bao gồm các chi phí như số tiền lương mất đi khi phải nghỉ ở nhà cho con bú và các dụng cụ như túi bảo quản sữa mẹ, áo lót cho con bú,...
Do đó, nhiều bà mẹ tại Hoa Kỳ phải đối mặt với khó khăn khi quyết định giữa việc nghỉ làm cho con bú và việc đi làm để kiếm thêm thu nhập. Những bà mẹ có công việc toàn thời gian hoặc phải quay lại làm ngay sau thời gian nghỉ sinh thường không thể cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Mặt khác, việc tăng thời gian nghỉ phép có lương đã được chứng minh giúp làm tăng thời gian cho con bú trong 6 tháng, tuy nhiên chỉ có 50% các bà mẹ tại Hoa Kỳ được nghỉ phép có lương.
Mục 7 của luật Tiêu chuẩn lao động công bằng thuộc Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Giá cả phải chăng năm 2010 đã yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thời gian nghỉ giải lao hợp lý và một địa điểm thích hợp để nhân viên nữ có thể vắt sữa mẹ, tuy nhiên luật này không áp dụng cho khoảng 9 triệu công nhân trong độ tuổi sinh đẻ.
Các nỗ lực lập pháp gần đây như đạo luật PUMP đã cố mở rộng sự bảo vệ đối với nhân viên làm công ăn lương, tuy nhiên không được thông qua bởi Thượng viện, một dự luật tương tự mang tên "Đạo luật công bằng cho người lao động mang thai" vẫn đang đợi được xét duyệt.
Sữa bột đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, nhưng tính sẵn có và chi phí lại dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc. Việc 4 nhà sản xuất Abbott, Mead-Johnson, Perrigo và Nestlé kiểm soát khoảng 90% thị trường sữa bột Hoa Kỳ, mức thuế sữa nhập khẩu cao và các vấn đề về chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất trong nước.
Những yếu tố này đã dẫn đến việc tăng giá sữa và tỷ lệ hết hàng, và tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi một nhà máy lớn của Abbott tuyên bố đóng cửa.
Phần lớn trẻ sơ sinh Hoa Kỳ dựa vào sữa bột để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ở một mức độ nào đó, và cuộc khủng hoảng sữa gần đây đã chỉ ra rằng Chính phủ cần phải có những hành động tiếp theo để đảm bảo sự an toàn của sản phẩm và khả năng phục hồi của thị trường trước những cú sốc về nguồn cung tương tự trong tương lai.
Nguồn: PBS
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.