Nhiều năm qua ở Việt Nam, hoạt động từ thiện đã trở thành một phong trào sâu rộng trong xã hội. Là nhóm đối tượng có sức ảnh hưởng và sự lan tỏa mạnh mẽ, giới nghệ sĩ cũng không nằm ngoài phong trào đó.
Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ của phần đông dư luận là những ý kiến trái chiều, soi xét, chỉ trích cách làm từ thiện của các nghệ sĩ.
Thủy Tiên bị phản ứng vì chia tiền ủng hộ không đều, H'Hen Niê bị chỉ trích “keo kiệt" khi ủng hộ 50 triệu đồng, Hoa hậu Kỳ Duyên thì bị mỉa mai “Đi làm từ thiện mà ngại khó, ngại khổ thì nên ở nhà" khi dời ngày đi cứu trợ do mưa lớn.
Đứng trước những cái nhìn gay gắt của dân mạng, câu chuyện từ thiện của nghệ sĩ bỗng chốc trở thành “thước đo lòng người". Những phép tính so sánh làm ít, làm nhiều, của cho, cách cho… đến bây giờ vẫn gây ra không ít tranh cãi.
Trong cuộc trò chuyện mới đây, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã có những chia sẻ thẳng thắn khi bàn luận về vấn đề từ thiện trong showbiz.
Ngay cả tôi cũng chưa làm được như Thủy Tiên!
Vừa qua, câu chuyện từ thiện miền Trung đã trở thành một đề tài gây chia rẽ trên mạng xã hội, mà trong đó, giới nghệ sĩ vô tình vướng phải nhiều chỉ trích không đáng có. Là một người thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện, anh có quan tâm đến vấn đề này không?
Dù muốn hay không thì tôi vẫn liên quan đến câu chuyện này. Thời gian vừa qua tôi đã góp mặt ở rất nhiều show, dùng tiếng hát, sức ảnh hưởng của mình để kêu gọi ủng hộ hay tặng nhiều tặng phẩm để đấu giá, quyên tiền giúp đỡ bà con miền Trung.
Mới đây tôi cũng ra mắt MV Chị ơi. MV được làm rất gấp, chỉ trong 3 ngày đã xong hết toàn bộ. Đó cũng là động thái để chứng minh sự kêu gọi của tôi không chỉ trên mạng xã hội mà còn có những đóng góp về tinh thần cho mọi người.
Ngoài ra, tôi cùng các doanh nghiệp, anh em của mình gom được 4 tỷ đồng, kết hợp với số tiền tôi kêu gọi trên mạng xã hội là 2 tỷ, tổng cộng là 6 tỷ đồng. Tôi chờ khi lũ qua sẽ đóng góp để xây dựng nhà cửa kiên cố hơn cho bà con chống lũ.
Những người nghệ sĩ như tôi làm từ thiện rất nhiều, và không phải ai cũng công khai những việc mình làm. Nhưng một bộ phận cư dân mạng thể hiện thái độ tiêu cực vượt khỏi mức quyền hạn cho phép của họ đối với cuộc sống riêng tư của nghệ sĩ.
Một người nghệ sĩ không thể từ sáng đến tối chỉ đăng hình ảnh u uất, khóc lóc, tang thương được. Chúng tôi còn có cuộc sống riêng, chúng tôi còn phải thông báo lịch diễn, đi diễn để kiếm tiền nếu muốn làm từ thiện.
Nhưng tôi thấy, bên cạnh những người chửi bới, ra lệnh cho chúng tôi còn rất nhiều người văn minh, hiểu biết, cùng quan điểm với chúng tôi.
Tuy nhiên, có một hiện tượng là chính những người trong giới nghệ sĩ đôi khi lại tham gia vào các cuộc bàn luận nói trên để phê phán cách làm từ thiện của đồng nghiệp. Thực tế thì có hay không chuyện nghệ sĩ cạnh tranh, đố kỵ nhau khi làm từ thiện?
Có nhiều suy nghĩ, câu hỏi vu vơ hay định kiến cho rằng anh em nghệ sĩ khi làm từ thiện phải cạnh tranh nhau. Không có đâu, không bao giờ!
Anh em nghệ sĩ chỉ là một phần rất nhỏ của văn hóa thôi, còn rất nhiều mạnh thường quân, doanh nghiệp hay những cơ sở buôn bán nhỏ thực hiện rất nhiều hoạt động đóng góp, giúp đỡ cho xã hội.
Nhưng do nghệ sĩ được truyền thông rộng rãi nên mọi người nghĩ rằng chỉ có nghệ sĩ làm từ thiện, chứ thực ra có nhiều hội nhóm làm từ thiện mà họ không nói ra. Không bao giờ có sự cạnh tranh, làm còn không hết chứ đừng nói là cạnh tranh!
Hẳn là anh biết tâm điểm của những chia rẽ và tranh cãi trên mạng xã hội thời gian vừa qua liên quan đến chuyện từ thiện miền Trung chính là ca sĩ Thủy Tiên. Từ khi được tung hô nhờ con số 150 tỷ tiền quyên góp từ thiện đến ngày bị lập nhóm anti-fan tẩy chay chỉ là khoảng thời gian tính bằng ngày. Người ta mắng Thủy Tiên rằng “của cho không bằng cách cho”. Cá nhân anh nhìn nhận cách làm từ thiện của Thủy Tiên thế nào?
Trong đợt vừa qua, rất nhiều nghệ sĩ như Thủy Tiên, anh Hoài Linh, Mỹ Tâm… làm từ thiện bằng nhiều cách và định dạng khác nhau với mong muốn cuối cùng là kêu gọi đóng góp, hỗ trợ cho bà con miền Trung.
Dù là cách nào thì cũng đều xuất phát từ cái tâm của người nghệ sĩ. Chúng ta phải đánh giá cao điều đó trước tiên.
Tuy nhiên, để sử dụng đồng tiền đó đúng nơi, đúng cách thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố khác nhau, rất khó để làm hài lòng được tất cả mọi người.
Chúng ta không nên đòi hỏi quá nhiều với một cô gái như Thủy Tiên. Cô ấy đã bỏ công sức, thời gian, sức khỏe để lao ra ngoài đó, có mấy ai làm được? Ngay cả tôi cũng chưa làm được. Vì thế tôi phải bảo vệ Thủy Tiên!
Tấm lòng của cô ấy là điều đáng hoan nghênh, còn việc chưa làm hài lòng người này, người kia thì chỉ là yếu tố phụ thôi.
Có thể, trong những lúc cảm xúc dâng trào, Thủy Tiên trao tiền ủng hộ không được đều, nhưng mọi người đã tin tưởng trao tiền cho Thủy Tiên thì cô ấy được quyền xử lý theo quan sát của cô ấy tại hiện trường. Dĩ nhiên không ai xử lý toàn vẹn được, chúng ta cần thông cảm, thấu hiểu và nhìn sự việc từ nhiều chiều khác nhau.
Âm thầm thì bị chửi vô cảm, công khai bị mắng khoe khoang
Từ bài học của Thủy Tiên, theo anh nghệ sĩ nên từ thiện âm thầm hay từ thiện công khai?
Cái khổ của người nghệ sĩ là khi làm từ thiện sẽ có rất nhiều người nói chúng tôi đánh bóng tên tuổi. Họ bảo: Sao không âm thầm làm mà cứ phô trương, khoe khoang?
Thứ nhất, chúng tôi làm âm thầm cũng được thôi. Nhưng mọi người cần hiểu là tiền túi của một cá nhân không bao giờ nhiều, nhiều nhất là 500 triệu hoặc 1 tỷ.
Trong khi đó, mình có thể đi kêu gọi thì sẽ có rất nhiều mạnh thường quân khác bỏ tiền vào, con số có thể lên đến 2 tỷ, 3 tỷ hoặc thậm chí 100 tỷ. Người hưởng 100% là người nghèo. Còn chúng tôi chỉ cần nhận được những lời thơm thảo, cảm ơn của bà con thì đã rất vui, mệt mỏi tan biến hết rồi.
Thêm nữa, chúng tôi có rất nhiều mối quan hệ. Khi làm âm thầm sẽ có nhiều anh chị doanh nhân trách móc là tại sao làm từ thiện mà không kêu những người đó giúp đỡ.
Nếu làm công khai thì bị chỉ trích mà làm âm thầm thì bị trách. Rất khó cho nghệ sĩ nên tôi chọn làm đúng với lương tâm của mình.
Anh có nhớ 20 năm qua mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến từ thiện không? Cá nhân anh thích làm từ thiện âm thầm hay công khai?
Tôi làm nhiều lắm. Còn tùy vào hoàn cảnh cụ thể mà tôi chọn làm trong lặng lẽ, làm trong hội nhóm anh em nghệ sĩ biết hay làm cho tất cả mọi người cùng biết.
Có những buổi từ thiện tôi khóc ngay tại chỗ. Có những người khi vừa được tôi giúp đỡ liền quỳ xuống luôn, tôi nhìn mà kiềm chế không nổi.
Đi ngoài đường đôi khi lại gặp những bạn ngồi xe lăn rất nghèo, xe gãy đổ, vá chằng chịt, rồi đi ăn bún riêu ở ngoài chợ, cũng thấy một anh bán vé số ngồi xe lăn cũ quá rồi, nhìn tội lắm nên tôi xin số điện thoại và tặng người ta cái xe mới. Người ta khóc ngay tại chỗ luôn.
Rồi đi hát khuya về, tôi thấy một cô bán vé số đứng khóc, hỏi ra mới biết người ta bị giật mất vé số, nguyên vốn liếng, lời lãi là 2-3 triệu, tôi móc ví ra cho liền.
Những trường hợp thương tâm như thế rất nhiều, tôi đau lòng lắm. Nên khi mang đến được một thứ gì giúp thay đổi cuộc đời của họ, tôi vui lắm. Và những chuyện ấy chẳng ai biết ngoài họ và tôi.
Một trong những chương trình thiện nguyện nổi tiếng của anh là “Đàm Vĩnh Hưng - mang xuân về với trại giam". Anh có thể chia sẻ nhiều hơn về ý tưởng thực hiện dự án này không?
Chuyện bắt đầu từ 12 năm trước, khi một nhà báo ngỏ lời mời tôi đi hát trong tù, tôi nhận lời liền vì đây là ước mơ của tôi.
Năm đầu tiên đi hát ở trại giam, tôi thích lắm nhưng chỉ dám chụp hình lại thôi, không công khai vì cái đó rất nhạy cảm. Đến năm thứ 2, tôi chỉ xin ban quản lý trại giam cho ghi hình lại để làm bộ phim về hành trình cuộc đời mình.
Những năm sau, tôi được các ban lãnh đạo khen ngợi, khuyến khích vì chương trình đó mang lại tiếng cười, niềm vui, đời sống văn hóa cho phạm nhân trong tù.
Tôi thấy đây là điều đáng phải làm ở tất cả các trại giam. Tôi cũng kêu gọi nhiều nghệ sĩ như anh Quang Linh, Trường Giang, Trấn Thành, Vũ Hà, Thu Hằng… đi hát trong trại giam. Tôi mong từ giờ đến Tết sẽ phân bố 2-3 ngôi sao đi hát ở mỗi trại.
Hát cho phạm nhân có gì khác so với việc hát cho khán giả đại chúng bình thường? Và lý do gì khiến anh theo đuổi dự án thiện nguyện này lâu đến thế?
Tôi rất thích nhìn tiếng cười, ánh mắt và cả sự thèm khát con người bên ngoài của các phạm nhân. Lâu lâu họ mới được gặp người nhà vào thăm chứ xem các nghệ sĩ biểu diễn thì gần như là không có, nên tôi rất háo hức và luôn luôn sẵn lòng.
Đó cũng là cá tính của tôi nữa. Tôi thích nhìn những giọt nước mắt rớt ra từ một sự ăn năn, nhớ nhà, nhớ con, nhớ vợ, nhớ chồng, nhớ cha mẹ.
Nhiều người nghĩ vào trại giam nguy hiểm lắm, nhưng suy nghĩ đó rất sai. Trong đó có rất nhiều thành phần tội phạm khác nhau, tuy nhiên sau cả một quá trình hoạt động, cải tạo, họ đã thành một người khác, hiền lành và có ý thức tốt hơn rất nhiều người bên ngoài.
Tù nhân không thể làm điều gì manh động vì đang trong thời gian thụ án. Nhất là khi gặp nghệ sĩ, họ thương lắm, ôm hôn, bắt tay, không có một dấu hiệu gì đáng sợ cả. Tôi đã vào đó 5 năm rồi và cảm thấy rất thích.
Cảm ơn anh Đàm Vĩnh Hưng vì những chia sẻ!
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/dam-vinh-hung-anh-em-nghe-si-khi-lam-tu-thien-phai-canh-tranh-nhau-u-khong-bao-gio-162201711073501104.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.