Dậy thì là gì và dậy thì bắt đầu khi nào?
Tuổi dậy thì là lúc cơ thể bạn thay đổi và trở nên giống người lớn hơn. Các bạn nữ sẽ dậy thì sớm hơn nam từ 1,5 năm cho đến 2 năm. Các chuyên gia có biết: các bé dậy thì lúc 9 tuổi được xem là dậy thì sớm và với bé dậy thì lúc 14 tuổi được cho là dậy thì muộn.
Việc thay đổi bắt đầu sớm nhất là 8 tuổi hoặc muộn nhất là 13 tuổi với bé gái. Các bé trai sẽ bước vào tuổi dậy thì từ khoảng 9-14 tuổi. Tuổi dậy thì bắt đầu khi não của bạn gửi tín hiệu đến một số bộ phận của cơ thể để bắt đầu phát triển và thay đổi. Những tín hiệu này được gọi là hormone. Hormone là hóa chất kiểm soát các chức năng cơ thể.
Vì mỗi người sẽ có cơ địa và thể chất rất khác nhau nên cũng khó có thể xác định một cách chính xác khi nào thì kết thúc tuổi dậy thì. Thông thường, tuổi dậy thì sẽ kéo dài khoảng từ 2-5 năm.
Một số dấu hiệu nhận biết trẻ đến tuổi dậy thì
|
1. Dấu hiệu tuổi dậy thì ở bé trai
- Mọc lông: Bước vào tuổi dậy thì, bé trai sẽ thấy xuất hiện lông ở một số bộ phận trên cơ thể như chân, ngực, nách, bụng….
- Giọng nói ồm hơn: Khi trẻ dậy thì, thanh quản được mở rộng ra. Điều này dẫn đến giọng nói của các bé trai sẽ trầm, trở nên nam tính và trưởng thành hơn.
- Xuất hiện mụn trứng cá: Các tuyến bã nhờn ở trên da hoạt động mạnh dẫn đến sự xuất hiện của mụn trứng cá. Đây là một trong những đặc điểm phổ biến nhất ở độ tuổi dậy thì của các bé trai.
- Cơ bắp tăng: Cơ bắp của bé được tăng lên. So với các bé gái, cơ bắp ở bé trai nhiều hơn đến 50%.
- Tăng chiều cao: Khung xương phát triển mạnh hơn do Testosterone tuổi dậy thì tăng cao làm chiều cao ở nam giới tuổi dậy thì tăng nhanh so với trước.
- Cơ quan sinh dục: Các bé trai sẽ gặp phải tình trạng cương cứng thường xuyên hơn và thường bị mộng tinh khi ngủ.
- Tăng ham muốn tình dục: Testosterone đánh thức ham muốn tình dục. Vậy nên các bé trai luôn có cảm xúc mạnh mẽ hoặc suy nghĩ về tình dục là điều bình thường khi bước vào độ tuổi dậy thì.
2. Dấu hiệu tuổi dậy thì ở bé gái
- Có kỳ kinh nguyệt đầu tiên: Đây là kết quả của quá trình biến đổi sinh lý cực kỳ lớn bên trong cơ thể. Bắt đầu bằng việc cơ quan buồng trứng phát triển, bắt đầu tiết hormon sinh dục nữ và phóng noãn (rụng trứng).
Khi bé gái bước vào tuổi dậy thì cơ quan tử cung cũng thay đổi bằng những biểu hiện như niêm mạc tử cung bắt đầu dày lên và tự bong ra theo từng chu kỳ, gây ra tình trạng thải máu hay còn gọi là chu kỳ kinh nguyệt.
- Mọc lông: Cơ thể bắt đầu mọc nhiều lông ở vùng kín. Đối với các bé gái, dậy thì là giai đoạn có những biến đổi lớn trong sinh lý, chuẩn bị hoàn thiện khả năng thụ thai và sinh con.
- Phát triển chiều cao và cân nặng: vóc dáng con gái cũng trở nên mềm mại và nữ tính hơn, chiều cao tăng lên.
- Hông của bạn có thể rộng hơn: Phần xương chậu phát triển, mông cũng nở to hơn.
- Ngực phát triển: Tuyến vú lớn dần và tròn trịa hơn, núm vú to ra, quầng vú quanh núm vú sẫm màu lại. Trong giai đoạn đầu của tuổi dậy thì, bạn gái có thể đau tức hay ngứa phần vú.
- Nổi mụn trứng cá: Mụn trứng cá là do các tuyến hoạt động quá mức trên da. Chúng tạo ra một loại dầu tự nhiên gọi là bã nhờn. Ở tuổi dậy thì, những tuyến này tạo ra nhiều bã nhờn có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông trên da của bạn, gây nên tình trạng mọc mụn trứng cá.
Ảnh minh họa |
Sự thay đổi tâm lý của trẻ ở tuổi dậy thì như thế nào?
– Tính độc lập của trẻ: Từ một đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, ở tuổi dậy thì trẻ thể hiện tính tự chủ trong suy nghĩ và hành động. Trẻ muốn được tham gia ý kiến và đưa ra các quyết định trong các vấn đề của mình. Tính độc lập của trẻ cũng tùy thuộc vào từng giai đoạn tuổi, ví dụ ở độ tuổi từ 10 đến 13 tuổi trẻ bắt đầu có xu hướng tách khỏi cha mẹ, ít tham gia các hoạt động cùng cha mẹ, miễn cưỡng chấp nhận lời khuyên của cha mẹ.
Ở giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi những mâu thuẫn của trẻ với cha mẹ ngày càng gay gắt và lên đến đỉnh điểm do ngày càng ít quan tâm đến gia đình và giành nhiều thời gian với bạn bè hơn. Còn từ 17 đến 19 tuổi, lúc này trẻ có ý thức trở lại những giá trị lời khuyên của cha mẹ, tôn trọng hiểu biết hơn với những kinh nghiệm của cha mẹ truyền thụ lại.
– Quan tâm đến hình ảnh cơ thể: Đây là thay đổi rất căn bản, vì ở tuổi dậy thì trẻ tò mò với những thay đổi trên cơ thể mình, muốn tìm hiểu cấu tạo cơ thể, sự khác biệt giới tính và bắt đầu có nhu cầu làm đẹp theo từng giai đoạn tuổi khác nhau. Từ 10 đến 13 tuổi trẻ bắt đầu quan tâm đến bản thân và những thay đổi trong quá trình dậy thì. Dễ lo lắng, buồn rầu về những nhược điểm của cơ thể hoặc hay so sánh mình với những bạn cùng trang lứa.
Từ 14 đến 16 tuổi, trẻ bắt đầu quen và chấp nhận với hình thức cơ thể, đồng thời giành nhiều thời gian để làm cho mình đẹp hơn và hấp dẫn hơn. Còn giai đoạn từ 17 đến 19 tuổi, trẻ không còn quá để ý đến hình thức trừ khi có những bất thường xảy ra.
– Quan hệ với bạn bè: Mở rộng quan hệ xã hội, chơi theo nhóm bạn và chịu ảnh hưởng của nhóm bạn cùng chơi. Thay đổi cần chú ý nhất trong quan hệ bạn bè đó là giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi trẻ bắt đầu chơi với những nhóm bạn khác giới, bắt đầu có quan hệ lãng mạn, hẹn hò và thử nghiệm tình dục.
– Thay đổi về nhận thức: Đây là giai đoạn tích lũy nhanh và mạnh các kinh nghiệm, kỹ năng sống và khả năng tư duy, phân tích những tình huống ngày một phát triển. Ví dụ như khả năng nhận thức được cảm xúc của bản thân với những người khác, chỉ số thông minh và sáng tạo tăng nhanh trong giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi. Đặc biệt đề cao giá trị bản thân nên dễ dẫn đến hành vi, nguy cơ tự tử, trầm cảm, nghiện thuốc…
Với tất cả những thay đổi về mặt tâm lý tuổi dậy thì, ở giai đoạn này mỗi người cha, mẹ ngoài trách nhiệm chăm sóc, bảo ban…thì cần là một người bạn của con, nắm bắt thay đổi về tâm lý của con từ đó để chia sẻ, đồng cảm và hướng những suy nghĩ của con sao cho tích cực nhất.
Link bài gốc: https://www.lamchame.com/forum/threads/dau-hieu-nhan-biet-va-tam-ly-tuoi-day-thi-cua-con.2477163/?fbclid=IwAR1vOa4zZhTaj3S__FuYXJuC1-MYEIY6VBUcoxklOt4ArG2jyWS2-6loMq0
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.