Dạy học thời nay: Có nên bỏ kỷ luật?

Cho học sinh tát nhau, bắt học sinh uống nước giẻ lau, phạt quỳ…cùng hàng trăm tình huống giáo viên phạt học sinh khác. Hệ lụy sau nhiều vụ việc là giáo viên bị tạm đình chỉ, bị xử lý kỉ luật.Trong bối cảnh dạy học thời nay, việc kỷ luật học sinh có còn được áp dụng?

Phạt có là con đường duy nhất!!!

Dư luận từng xôn xao những vụ việc phạt học sinh thời gian qua như: cho học sinh tát nhau, bắt học sinh uống nước giẻ lau, phạt quỳ vì lỗi của học sinh…

Vài năm trước, câu chuyện một học sinh bị tát 231 cái phải nhập viện xảy ra tại Quảng Bình hay giáo viên cho học sinh tát một em khác 50 cái ở Trường Tiểu học Quang Trung (Hà Nội) đã từng gây xôn xao. Đây là những câu chuyện gây cú sốc trong ngành giáo dục.

Tương tự, câu chuyện ở Trường THCS Tô Hiệu (Hà Nội) với việc giáo viên “phạt quỳ” do học sinh quậy quá và phụ huynh đề nghị. Hai luồng dư luận trái chiều về câu chuyện này tưởng như không ngừng.

Đầu tháng 4/2018, dư luận lại bàng hoàng khi sự việc xảy ra tại trường Tiểu học An Đông, huyện An Dương (Hải Phòng). Cô giáo chủ nhiệm lớp 3A5 N.T.M. H đã yêu cầu một học sinh của lớp uống nước giẻ lau bảng. Sự việc xảy ra từ tháng 2 nhưng mãi đến đầu tháng 4 bà nội của em học sinh mới phát hiện khi có một bạn cùng lớp với em đến mách.

Giữa tháng 1/2019, nhiều phụ huynh có con học lớp 4B, trường Tiểu học Trung Thành (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã làm đơn đề nghị Ban giám hiệu nhà trường làm rõ thông tin việc cô giáo Nguyễn Thị T. - chủ nhiệm lớp bắt phạt hàng loạt học sinh vi phạm phải tự tát 50 cái vào mặt nhau.

Dạy học thời nay: Có nên bỏ kỷ luật? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Vào sáng 30/11/2020, em NTNY (học sinh (HS) lớp 10 Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, An Giang) được phát hiện ngất xỉu tại nhà vệ sinh. Sau đó, mọi người phát hiện em Y. để lại thư tuyệt mệnh với nội dung dùng cái chết để phản ứng việc kỷ luật của trường.

Trước đó, ông Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương, đã ký thông báo về việc học sinh vi phạm điều lệ Trường THPT năm học 2020-2021, trong đó có nội dung em Y. sai phạm khi “phản ánh không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình, gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo”. Em còn sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học.

Việc nữ sinh này có ý định tự tử sau khi bị bêu tên trước trường cho thấy vẫn còn một số trường áp dụng hình thức kỷ luật thiếu tính sư phạm để trừng phạt học sinh khi mắc lỗi.

Sau những vụ việc ấy, dư luận xã hội lại sục sôi. Khi sự việc bung ra và bị xã hội lên án, không ít giáo viên phải chịu hình thức kỷ luật.

Giáo viên nói gì?

Khi sự việc xảy ra, dư luận xã hội sục sôi nhưng nhiều giáo viên khi được hỏi lại có cách nhìn cảm thông hơn. Bởi chính họ, không ai khác khi làm nghề cũng từng phải đối diện với những tình huống học sinh hư, liên tục mắc lỗi. Khi không kiểm soát được cảm xúc, không có phương pháp xử lý sáng suốt thì có thể dẫn đến hành vi thiếu chuẩn mực.

Cô giáo Đỗ Ngọc D, giáo viên ở Trường THCS ở Hà Nội chia sẻ, cô đã từng kỉ luật bằng những hình thức như dùng thước để vụt vào tay hay lấy sách đập vào vai những em có hành vi thái quá trong lớp học. Tuy nhiên, sau đó cô đều tuyên bố với toàn bộ học sinh trong lớp sở dĩ có hành động đó vì đã nhắc học sinh nhiều lần mà vẫn phạm lỗi.

Cũng theo cô Đỗ Ngọc D, với những học sinh hư, khi dùng hình phạt với học sinh là biện pháp cuối cùng. Để tiến hành phạt học sinh, cô xin ý kiến của ban giám hiệu cũng như phụ huynh học sinh: “Chính phụ huynh đã từng nói với tôi, trăm sự nhờ cô cả vì ở nhà họ không thể dạy con. Có phụ huynh còn chia sẻ, con ở nhà học trực tuyến không nghiêm túc nên phải đánh con rất đau”- cô D chia sẻ.

Cô Huy Thị H, một giáo viên tiểu học ở Hà Nội chia sẻ, thường năm nào lớp cô dạy cũng có một học sinh cá biệt. Dù dùng nhiều hình thức nhưng học sinh vẫn không nghe nên cô vẫn phải dùng hình phạt với học sinh.

Nhiều giáo viên khác chia sẻ, chính vì bế tắc trong hành xử mà cách phổ biến được nhiều thầy cô sử dụng hiện nay khi gặp học sinh hư là phải dùng bạo lực bao gồm bạo lực ngôn ngữ (quát mắng) hoặc bạo lực bằng hành động (đánh học sinh). Nhiều giáo viên bước vào nghề xem các hình thức phạt học sinh tiêu cực là “giải pháp duy nhất”.

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, thực sự giáo viên bây giờ có quá nhiều áp lực. Tuy nhiên, nếu trong giáo dục chỉ chăm chăm vào kỷ luật thì chỉ là một nửa của vấn đề. Chính nhiều giáo viên không hiểu được ranh giới giữa kỷ luật và bạo lực nên đã gây ra lỗi nghiêm trọng.

Giáo viên có thể phạt học sinh như thế nào?

Cuối tháng 10 năm 2020, Bộ GD&ĐT hoàn tất thời gian lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo (lần 2) Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, nhà trường xem xét thực hiện các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực hoặc áp dụng các hình thức kỷ luật khác (khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm). Quy định nêu tên học sinh vi phạm kỷ luật dưới cờ bị bãi bỏ.

Cũng theo thông tư, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Giáo viên cũng không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/11/2020.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang