Đừng đặt mục tiêu dạy con "nghe lời răm rắp"

(lamchame.vn) - Hầu hết, cha mẹ nào cũng muốn có một đứa con ngoan ngoãn, biết nghe lời nhưng nếu răm rắp vô điều kiện cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Đừng đặt mục tiêu dạy con "nghe lời răm rắp" - Ảnh 1.

Trẻ quá nghe lời cũng chưa hẳn là điều tốt. Ảnh minh họa

Sai lầm trong cách dạy con vâng lời

Đến một giai đoạn, trẻ sẽ bắt đầu nảy sinh ý thức tự giác, muốn được tự lập. Nếu bố mẹ lúc nào cũng chỉ muốn con cái bên cạnh mình, dạy dỗ chúng phải biết nghe lời răm rắp thì đứa trẻ đó rất khó thành công trong tương lai.

ThS Nguyễn Thu Thuỷ - giảng viên Học viện Thanh thiếu niên cho rằng, cha mẹ nào cũng lấy mục tiêu “biết vâng lời” để dạy dỗ trẻ là một sự sai lầm. Cách giáo dục này không có lợi cho sự phát triển nhân cách, thậm chí ức chế tiềm năng phát triển của trẻ. Theo một nghĩa nào đó, một đứa trẻ quá nghe lời thường “có vấn đề”.

Dễ dàng nhận thấy, những đứa trẻ này thường có đặc điểm như nhút nhát, kém tự tin, hiếm khi đưa ra ý kiến của bản thân, hay sợ hãi trước những lời nói to tiếng của người khác.

Nếu các con bất kể cái gì cũng răm rắp nghe lời bố mẹ mà không dám làm gì cả, điều này có vẻ không ổn. Bởi con sẽ rất thụ động mà không thể tự mình quyết định việc gì khi thiếu cha mẹ.

Đối với trẻ em, khi chúng bị ép nghe lời răm rắp sẽ vô cùng khó chịu. Thông thường, cha mẹ sẽ bực bội vì quen ép con nghe lời nhưng đến khi con lớn rồi không nghe theo nữa.

Hệ quả của việc đó là con sẽ tìm cách nói dối, lảng tránh nói chuyện và từ chối làm bạn cùng cha mẹ. Đến khi đó, muốn biết các chuyện đang xảy ra với con sẽ không hề đơn giản. Nhiều bố mẹ lại phải đọc trộm nhật kí hoặc xâm phạm vào các chi tiết đời tư khác của con.

Vì thế, mục tiêu dạy con nghe lời răm rắp quả là không phải hoàn toàn tốt đẹp. Có lẽ, cha mẹ cũng cần phải lựa chọn, nên dạy con thế nào, có cần con nghe lời răm rắp hay không?

Trong các vấn đề cần có sự quyết định, cha mẹ nên cho con làm quen với các quyết định và trả giá nếu chưa hợp lý. Dần dà, con sẽ quen với việc này và chịu trách nhiệm với các quyết định của mình.

Cô Thuỷ cũng cho rằng, trong gia đình cũng nên có các quy định rõ ràng. Theo đó, cả nhà phải tuân thủ, không có trường hợp ngoại lệ. Bố mẹ lưu ý là nếu người lớn làm sai quy ước ban đầu cũng cần bị phạt để làm gương cho con cái.

Khi còn nhỏ, để con có thể nghe và làm theo mọi việc một cách hợp lý, cha mẹ nên đưa ra nhiều phương án và cho trẻ chọn lựa. Khi đưa ra phương án cũng nên nói trước các hậu quả để con có thêm thông tin.

Nếu gia đình có điều gì cần bàn bạc, cha mẹ nên cho con cùng tham gia. Trong trường hợp con đưa ra ý kiến hợp lý, người lớn có thể nghe theo con. Khi đó, con sẽ thấy được tôn trọng và sẽ chững chạc hơn nhiều.

Khi cha mẹ muốn con lắng nghe và làm theo lời khuyên của mình, đừng dồn ép hoặc la mắng. Ngoài ra, khi muốn khuyên nhủ con, hãy sử dụng mọi kiến thức khoa học để thuyết phục chứ đừng ép con nghe theo. Phụ huynh cần tôn trọng và tạo điều kiện cho con tự quyết hơn là ép con phải nghe lời mình răm rắp.

Lựa lời mà… nói ít

Mặc dù không đưa ra ý kiến của bản thân nhưng không có nghĩa là trẻ không biết có ý kiến, chỉ có điều chúng nghĩ rằng tốt hơn nên kìm nén lại. Đôi lúc, dù có những khúc mắc trong lòng cũng không nhất thiết phải nói ra, không nên tranh cãi với người khác.

Một số đứa trẻ tỏ ra rất ngoan ngoãn và nền nếp ở trường, ít khi chống đối lại bố mẹ khi ở nhà, quen với những lời khen ngợi của mọi người, chúng lại chính là người dễ bị tổn thương nhất về mặt tâm lý. Bố mẹ cần chú ý điều này ở con mình để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Thông thường, cha mẹ khi dạy con thường nói rất nhiều với mong muốn con ghi nhớ và nghe theo những yêu cầu đó. Các bé quá quen với vô số những mệnh lệnh, nhắc nhở, thúc giục, thậm chí đe dọa mà cha mẹ dành cho chúng từ sáng đến chiều nên nhiều trẻ có đôi lúc không muốn nghe gì nữa. Hoặc chỉ cần người lớn nói câu thứ nhất, con đã thuộc ngay câu tiếp theo cha mẹ định nói gì.

ThS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, nói nhiều sẽ phản tác dụng trong việc để con nghe lời. Theo đó, hãy chọn lựa những câu nói ngắn chứa đầy đủ thông tin.

Chẳng hạn, cha mẹ nên nói: “Con mang sách này trả lại thư viện ngay hôm nay”, thay vì: “Đem sách này trả lại thư viện ngay tức khắc. Con không biết là phải trả từ năm ngày nay rồi sao?”. Hoặc giục con đi học, nói: “Xe buýt sắp tới trong năm phút”. Thay vì: “Lấy áo khoác mau lên. Sao con chậm chạp thế? Cứ để mẹ giục mãi”. Có thể nói: “Chiều nay con chơi nhiều rồi, bây giờ về đi thôi”. thay vì: “Có về ngay không, không về mai mẹ không cho con chơi với bạn nữa”.

Theo kinh nghiệm của nhiều bậc cha mẹ, hãy dạy con cái mà không làm cho các cháu ngượng hoặc xấu hổ. Nhiều khi giải thích ngắn gọn rồi nên tránh đi nơi khác cho cháu dễ nghe lời hơn. Không nên đứng như trời trồng trước mặt con rồi bắt chúng phải thực hiện mệnh lệnh ngay lập tức.

Việc ông bà, cha mẹ quá nuông chiều khiến con hình thành thói hư vòi vĩnh, ăn vạ và không nghe lời. Cách dạy con của bố mẹ mâu thuẫn với nhau làm con không biết nghe ai cũng dẫn tới việc trẻ tự ý hành động theo ý mình.

“Việc một người ra nguyên tắc và quyết định xử lý nhưng người còn lại bênh vực, vuốt ve thì cũng khiến trẻ sinh ra tâm lý ỷ lại, lâu dần hình thành tính ngang bướng, chống đối. Việc tạo áp lực quá lớn, buộc con phải làm theo điều cha mẹ muốn cũng khiến con trẻ cảm thấy bị dồn nén, bức bối, nuôi dần tâm lý cứng đầu, ngang bướng”, cô Thuỷ nói.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang