Giáo sư đại học nổi tiếng ở Mỹ chỉ ra 5 lý do làm bài tập về nhà là "vô dụng" với học sinh tiểu học, ai đọc xong cũng gật gù đồng tình

GS Etta Kralovec, Trường ĐH Arizona (Mỹ) cho rằng, việc ra bài tập về nhà cho học sinh tiểu học không chỉ không có tác dụng mà còn tạo cảm giác trách nhiệm giả tạo, làm tổn hại mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Làm bài tập về nhà từ lâu đã là nhiệm vụ quen thuộc của mỗi học sinh. Phụ huynh đều tin rằng bài tập về nhà giúp các con củng cố kiến thức đã học ở trường, giúp phát triển sự tự giác, tập trung và quản lý thời gian cũng như xây dựng kỹ năng tự lập.

Tuy nhiên, một nghiên cứu 25 năm của Đại học Duke, Bắc Carolina cho thấy, điều này chưa hẳn đã có tác dụng với học sinh tiểu học. Theo nghiên cứu, bài tập về nhà rất tốt với học sinh trung học phổ thông, giảm dần với học sinh cấp trung học cơ sở và hoàn toàn không có tác dụng đối với học sinh tiểu học.

GS Mỹ chỉ ra 5 lý do bài tập về nhà là

Làm bài tập về nhà từ lâu đã là nhiệm vụ quen thuộc của mỗi học sinh. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm này, GS Etta Kralovec, Trường ĐH Arizona (Mỹ) chỉ ra một số lý do sau khiến giáo viên không nên giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học:

1. Bài tập về nhà có thể tạo ra những thái độ tiêu cực của trẻ về trường học. Học sinh tiểu học chỉ đang đi những bước đầu tiên trên con đường học tập còn rất dài ở phía trước. Do đó, giáo viên không nên làm cho trẻ cảm thấy chán ghét trường học. Thay vào đó, trẻ nên có được những trải nghiệm vui vẻ khi học tập.

2. Vấn đề bài tập về nhà là nguyên nhân lớn nhất của những xích mích, mặc cả giữa cha mẹ và con cái. Ở độ tuổi tiểu học, trẻ vẫn chưa thể tự giác làm bài tập về nhà mà vẫn cần sự nhắc nhở của cha mẹ. Việc buộc trẻ phải ngồi vào bàn học có thể trở thành một "cuộc chiến" kéo dài cho đến tận khi bài tập về nhà thực sự có tác dụng với việc học của trẻ.

3. Bài tập về nhà tạo cảm giác trách nhiệm giả tạo. Những người ủng hộ bài tập về nhà sẽ nói rằng làm bài tập về nhà hàng ngày giúp trẻ có tính trách nhiệm hơn với việc học. Nhưng điều đó chỉ đúng ở độ tuổi lớn hơn. Khi cha mẹ phải nhắc nhở con cái làm bài tập về nhà mỗi tối, mục đích này hoàn toàn biến mất.

4. Bài tập về nhà cướp mất thời gian vui chơi, khiến trẻ thiếu hụt các hoạt động thể chất.

5. Trẻ cần được nghỉ ngơi để học hiệu quả. Trẻ em trung bình cần được ngủ 10 tiếng mỗi ngày. Để trẻ có thể tham gia học tập ở trường bằng 100% khả năng, trẻ cần được ngủ điều độ.

Theo GS, có rất nhiều hoạt động khác mà giáo viên và phụ huynh có thể tổ chức để học sinh cảm thấy có động lực, hào hứng hơn trong học tập như đọc sách cùng con và khuyến khích con đọc sách; thay vì dựa vào bài tập về nhà để phát triển ý thức trách nhiệm của trẻ, có rất nhiều thói quen hàng ngày cha mẹ có thể dạy con. Chẳng hạn như thức dậy sớm vào buổi sáng, dọn dẹp giường, giúp cha mẹ việc nhà hay chăm sóc cây cối...

GS Mỹ chỉ ra 5 lý do bài tập về nhà là
 

Làm thế nào để trẻ vui vẻ làm bài tập về nhà?

Trong trường hợp nếu con vẫn phải bài tập về nhà, bố mẹ có thể áp dụng những cách sau để buổi học của con trở nên thoải mái và hiệu quả hơn:

Cho trẻ ăn hoa quả sau khi đi học về: Trẻ học tập ở trường cả ngày, đại não đã mệt rồi, bụng đã đói rồi. Khi con trở về nhà, bạn nên cho trẻ ăn nhẹ và nghỉ ngơi để kịp thời bổ sung năng lượng. Khi đại não đã được nạp năng lượng, thì trẻ mới có thể làm bài tập được.

Làm bài tập trước khi ăn tối: Ai cũng có cảm giác, sau khi ăn tối no nê đều muốn nghỉ ngơi. Nếu lúc này mà bắt trẻ làm bài tập ngay, trẻ sẽ không tập trung, hiệu quả làm việc của não sẽ suy giảm. Vì thế nên cho trẻ làm bài tập trước khi ăn tối hoặc sau khi ăn phải cho trẻ nghỉ ngơi rồi mới làm bài tập.

Hoàn thành bài tập trước khi chơi: Nếu con bạn thích hoạt động, hãy giao hẹn trước, trẻ có thể làm, nhưng phải hoàn thành bài tập trước đã. Nếu trẻ chưa có thói quen này, cha mẹ có thể thỏa thuận, đưa ra quy định với trẻ.

Có thể học một lúc, chơi một lúc: Bởi nếu trẻ học tập căng thẳng quá, đại não sẽ hình thành áp lực. Khi đó trẻ sẽ muốn chơi một lúc, việc chuyển sang một hoạt động khác chỉ là sự di chuyển áp lực của não mà thôi. 

Không phê bình khi con đang học: Nếu có việc gì cần góp ý, bạn nên gọi con ra khỏi phòng học, để trẻ cảm thấy rằng phòng học là nơi vui vẻ nhất, nơi mà trẻ thấy thoải mái, tự tin nhất. Phòng học của trẻ không phải là nơi để cha mẹ đánh mắng, quát nạt, lớn tiếng. 

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/giao-su-dai-hoc-noi-tieng-o-my-chi-ra-5-ly-do-lam-bai-tap-ve-nha-se-nguy-hai-voi-hoc-sinh-tieu-hoc-ai-doc-xong-cung-gat-gu-dong-tinh-162201911150230117.htm

 
 
 

 

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang