Giáo viên, học sinh trở lại trường sau lũ: Thiếu thốn trăm bề

Hiệu trưởng, trưởng phòng GD&ĐT các địa phương bị lũ lụt cho biết, sau khi lũ rút, sách vở, áo quần bị cuốn trôi, ngấm bùn đất, nên học sinh thiếu thốn đủ bề.

Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), hôm qua cho biết, địa bàn có 85 trường học từ mầm non tới THPT với 30.000 học sinh, đến thời điểm này chưa trường nào thoát ngập. Ở đỉnh lũ, nhiều trường ngập hoàn toàn tầng 1, những trường cấp 4 ngập nóc. Trong đó, khoảng 15 trường có học sinh đã nghỉ học khoảng 2 tuần.

Ông Vững nói rằng, đây là lần lũ lụt lịch sử, nước lên nhanh, các trường không kịp trở tay nên toàn bộ máy móc, trang thiết bị dạy học chìm trong biển nước. Tương tự, nhà dân cũng bị ngập sâu, áo quần, sách vở học sinh bị lũ cuốn trôi hoặc lấm bùn. Tuần này, dự tính nước rút hết, các trường cố gắng vệ sinh, nạo bùn đất, thau rửa bàn ghế, khắc phục hư hỏng để đón học sinh sớm nhất có thể.

Tuy nhiên, điều ông Vững lo lắng là nhiều học sinh sẽ rất thiếu thốn, khó khăn vì không còn SGK, vở, cặp sách, áo quần, bút viết, giày dép... Đặc biệt là SGK lớp 1 năm nay, NXB cung ứng cho các trường, không bán lẻ ra ngoài thị trường. Phòng GD&ĐT hiện chưa thể thống kê nhưng sẽ sớm rà soát, báo cáo Sở GD&ĐT để có giải pháp cung ứng lại SGK cho học sinh khi các em quay lại trường học.

Tương tự, ông Võ Thái Hòa, trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cho hay, lũ lụt ảnh hưởng 100% trường học trên địa bàn. Hiện tại, 49 trường với hơn 19.000 học sinh chưa thể tới trường vì nhiều trường nước vẫn đang ngập sâu. Trường nào nước rút dần, Phòng huy động giáo viên trường này đến giúp đỡ trường khác dọn dẹp, vệ sinh. “Lũ về nhanh, lại rơi vào cuối tuần nên nhiều trường không kịp chuyển đồ. Hồ sơ lưu trữ, thiết bị dạy học đều bị hư hỏng, nước cuốn, rồi đây việc dọn dẹp, tái thiết gặp nhiều khó khăn”, ông Hòa nói.

Ngày 22/10, thời tiết ở Hà Tĩnh ấm áp trở lại, nước rút ở một số địa bàn nên khoảng 100.000 học sinh được quay lại trường học. Nước rút đến đâu, giáo viên, các lực lượng công an, quân đội hỗ trợ nhà trường nạo bùn đất, phun rửa bàn ghế, thiết bị… Trong khi đó, hàng trăm trường học ở huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà, TP. Hà Tĩnh vẫn còn ngập nước. Nhiều đoạn đường liên xã ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà vẫn bị chia cắt. Học sinh ở TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, TP. Hà Tĩnh, Lộc Hà, Thạch Hà, TX Hồng Lĩnh vẫn tiếp tục nghỉ học.

Ủng hộ SGK cho học sinh

Trên mạng xã hội đang lan tỏa phong trào ủng hộ SGK, cặp sách cho học sinh tới trường sau lũ lụt. Hình ảnh thầy cô giáo dầm mình trong nước, bùn đất vớt vát sách vở cho học sinh khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Thầy Phan Duy Nghĩa, Phó phòng Giáo dục phổ thông - Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, viết trên Facebook rằng, sau lũ, mọi thứ thiếu thốn đủ bề; học sinh sẽ thiếu sách, vở, bút viết, cặp sách. Ở Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên có nhiều học sinh từ lớp 1-9 nhưng sách vở, áo quần chìm trong lũ, bị nước cuốn trôi. Về SGK, học sinh đang học bộ “Cùng học để phát triển năng lực” ở lớp 1, và bộ SGK hiện hành từ lớp 2-9.

Anh Nguyễn Văn Dũng ở TP.HCM kêu gọi ủng hộ học sinh vùng lũ ở Thừa Thiên Huế. Anh kêu gọi ủng hộ học sinh theo 2 giai đoạn; giai đoạn 1 sẽ quyên góp tặng sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh gặp khó khăn. SGK, vở sẽ được gửi về tổ chức Đoàn địa phương để trao tặng cho học sinh các trường. Những học sinh mất người thân, thiệt hại nặng về nhà cửa sẽ được hỗ trợ thêm tiền để trang trải. Giai đoạn 2 sẽ quyên góp để mua áo ấm mùa đông cho các em tới trường.

Ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - Bộ GD&ĐT, cho biết, Công đoàn quyết định dành kinh phí trong chương trình hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của năm 2020 cho 4 địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, gồm Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Nguồn kinh phí này chủ yếu dùng để hỗ trợ các trường sửa chữa, xây mới nhà công vụ cho giáo viên, công trình nước sạch và các công trình phúc lợi khác… Ngoài ra, đến ngày 22/10, Công đoàn Giáo dục đã kêu gọi ủng hộ được hơn 2 tỷ đồng cho học sinh vùng lũ.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang