Hành trình thuê nhà và xin học mẫu giáo cho con đầy gian nan ở Nhật Bản: Nhiều điểm khác biệt không ngờ, nghĩ thôi cũng đủ "nhức óc"

Bắt đầu một cuộc sống mới bên xứ người, việc ổn định chỗ ở và lựa chọn địa điểm học tập là ưu tiên hàng đầu của nhiều bà mẹ Việt.

Nhật Bản được biết đến là nơi có chi phí sinh hoạt khá đắt đỏ nhưng môi trường giáo dục lại vô cùng tuyệt vời. Với những người Việt sang Nhật sinh sống và làm việc, nhà ở và trường học là hai yếu tố tiên quyết và là ưu tiên hàng đầu để giúp họ ổn định cuộc sống.

Việc thuê nhà ở Nhật

Vào năm ngoái chị Phạm Miên (quê ở Hải Phòng) đã một mình đưa con sang bên Nhật để đoàn tụ với chồng đang làm việc tại đây sau một thời gian xa cách vì đại dịch Covid-19. Vì có thêm hai mẹ con nên gia đình anh Nam - chị Miên quyết định đi thuê một căn phòng rộng hơn. Tại Nhật Bản, việc thuê một căn hộ có nhiều nét khác biệt so với ở quê hương.

Chị Phạm Miên chia sẻ: "Tại Nhật, việc thuê hay mua bán nhà đất đều phải qua một bên thứ 3 là các công ty bất động sản chứ không trực tiếp mua bán/thuê giữa 2 bên như ở Việt Nam. Giá thuê nhà tại Nhật nhìn chung khá đắt đỏ, nhất là ở các thành phố lớn, gần ga trung tâm".

Hành trình thuê nhà và xin học mẫu giáo cho con ở Nhật Bản: Nhiều điểm khác biệt không ngờ tới, nghĩ đến thôi cũng đủ

Gia đình 3 người nhà chị Miên.

Mức giá

Chị Miên cho hay, hiện gia đình chị đang thuê nhà chung cư có 2 phòng ngủ với tổng diện tích khoảng 45m2 ở Kawasaki (thành phố lớn của tỉnh Kanagawa), cách trung tâm Tokyo 15-20 phút tàu cao tốc, tiêu tốn tiền thuê là 92.000 yên/tháng (tương đương 18,5 triệu đồng). Nếu căn hộ gần ga hơn sẽ đắt hơn và càng gần Tokyo mức giá sẽ càng cao hơn nữa.

Ngoài ra sẽ còn có các khoản tiền khác như điện, nước, ga, Internet, cước phí sử dụng truyền hình đi kèm, tổng tiền khoảng 20.000 yên/tháng (hơn 4 triệu đồng) nữa. Chưa tính tiền điện thoại cá nhân, tiền di chuyển (tàu điện, bus) nhưng hầu hết các công ty tại Nhật hiện nay đều thanh toán tiền cước phí giao thông từ nhà đến chỗ làm nên khoản này không cần lo.

Hành trình thuê nhà và xin học mẫu giáo cho con ở Nhật Bản: Nhiều điểm khác biệt không ngờ tới, nghĩ đến thôi cũng đủ
 

Một số điều lưu ý

Để thuê nhà, việc đầu tiên cần làm là đến các văn phòng của công ty bất động sản, nêu ra mong muốn của mình về vị trí, diện tích muốn thuê và giá tiền trong khả năng cho phép. Nhân viên bất động sản sau đó sẽ đưa ra một danh sách các căn hộ hoặc chung cư trong khu vực khách hàng muốn và giá cả phù hợp. Sau khi xem xét về hình ảnh thì khách hàng có thể đến trực tiếp đến nhà để xem, có nhân viên dẫn đi. 

Nếu ưng thuận thì người thuê sẽ ký kết hợp đồng, thời hạn thuê nhà bên Nhật thường là 2 năm, hết hạn hợp đồng sẽ gia hạn thêm 2 năm tiếp. Ngoài khoản tiền nhà phải đóng hàng tháng thì khi thuê nhà, khách sẽ phải trả thêm những khoản khác gọi là tiền đầu vào, tiền lễ, tiền cọc, tiền bảo hiểm cháy nổ, thay ổ khoá mới… với tổng chi phí gấp khoảng 2-5 lần giá nhà.

Theo chị Miên, hiện nay do số lượng người Việt tại Nhật ngày càng tăng nên cũng có những công ty bất động sản của người Việt mở ra. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bất cập nhất định do những công ty này chưa hiểu hết và nắm rõ các vấn đề về luật khi cho thuê nhà, những điều khoản cam kết của khách hàng nên giải thích cho khách không được cặn kẽ. 

Xin học mẫu giáo ở Nhật

Hiện gia đình chị Miên có bé trai 2 tuổi và cậu bé cũng đã được cha mẹ gửi trẻ được một thời gian. Tại nơi xứ người, việc xin học mẫu giáo cho con không phải là điều dễ dàng với nhiều điểm cần chú ý.

Thời gian xin học

Chị Miên chia sẻ rằng, năm học mới ở Nhật bắt đầu từ tháng 4 hàng năm nên việc nộp hồ sơ để xin học cho con nhỏ cũng phải bắt đầu từ trước đó, thường các trường học địa phương sẽ nhận hồ sơ từ tháng 10 - 11 của năm trước cho kì học tháng 4 năm sau. Hết hạn sẽ không được nộp xét duyệt phải chờ đến kỳ học tiếp theo. 

Ngoài tháng 4, bố mẹ cũng có thể liên hệ với các trường để được thông tin về việc nộp hồ sơ các tháng khác nhưng thường tỉ lệ đỗ không cao, trừ trường hợp có bé chuyển trường và có chỗ trống mới được vào. 

Chị Miên cho biết: "Nói chung việc xin học mẫu giáo tại Nhật khá nan giải, nhiều người Nhật cũng không xin học được cho con vì các trường mẫu giáo trong khu vực đăng ký có ít số lượng tiếp nhận học sinh mà tỉ lệ chọi lại cao".

 
 

Mức độ ưu tiên

Đối với trường công ở Nhật Bản, mức độ ưu tiên khi xét duyệt hồ sơ đăng ký xin đi học cho con sẽ là: Bố mẹ đi làm toàn thời gian; bố hoặc mẹ làm toàn thời gian và người còn lại thì làm thêm (khoảng 3 - 5 buổi/tuần). Sau đó mới xét đến trường hợp bố mẹ đang tìm việc làm. Ngoài ra các trường hợp bố hoặc mẹ đơn thân cũng được ưu tiên hơn khi xét hồ sơ. 

Nhà chức trách sẽ chấm điểm và chọn lấy đủ số lượng trẻ cho từng trường. Mỗi hồ sơ đăng ký sẽ được hướng dẫn, phát danh sách các trường trong khu vực mình sinh sống và có thể ghi 3 -10 nguyện vọng. Từ nguyện vọng 1 ở các trường gần nhà đến những trường xa hơn.

Thủ tục và học phí

Thủ tục thì cha mẹ sẽ lên trường học nhận bộ hồ sơ, điền đầy đủ thông tin, nộp thêm các giấy tờ chứng minh công việc của bố, mẹ. Nộp giấy tờ thuế năm trước để nhà trường dựa vào đó tính học phí cho con.

Học phí của bé sẽ phụ thuộc vào tổng thu nhập của bố mẹ năm trước đó, nghĩa là bố mẹ có mức lương càng cao thì học phí của con sẽ càng đắt và ngược lại. Đôi khi học chung trường, cùng lớp nhưng mỗi bé sẽ có học phí khác nhau. Tất cả do thu nhập của bố mẹ quyết định và tuỳ vào quy định của mỗi trường học. Ví dụ như cùng tổng thu nhập như nhau nhưng gia đình ở thành phố này sẽ phải trả học phí cho con đi học khác so với gia đình ở tỉnh thành khác. Ở vùng trung tâm sẽ đắt hơn ở những vùng xa xôi.

 
 

Trường tư mẫu giáo

Trường tư ở Nhật Bản sẽ chia ra làm 2 loại là trường tư do địa phương quản lý và trường tư lập. Mức học phí cũng khác nhau nhưng trường tư không cần nộp hồ sơ xét duyệt quá khắt khe như trường công, chỉ cần có chỉ tiêu là đăng ký và có thể được nhận. Tuy nhiên do học phí ở trường tư đắt đỏ hơn nên bố mẹ sẽ ưu tiên trường công, nếu không được xét duyệt mới gửi trường tư để đợi đến đợt xét trường công tiếp theo.

Hình thức 

Tại Nhật Bản sẽ chia làm trường Hoikuen (gửi trẻ dưới 3 tuổi) và Yochien (trên 3 tuổi). Có nghĩa là Hoikuen là nơi trông trẻ còn Yochien là cơ sở giáo dục. Ở trường Hoikuen, trẻ sẽ được ăn, được chơi tự do, được hát múa như mầm non tại Việt Nam.

Còn ở trường Yochien, trẻ em sẽ được học bài bản hơn: Học chữ, học tiếng Anh, kỷ luật, kỹ năng cuộc sống… Hiện có nhiều Yochien cũng nhận các bé 0 - 2 tuổi nhưng có đặc trưng là thời gian gửi ngắn, chỉ đến khoảng 2 - 3h chiều nên các mẹ vẫn ưu tiên chọn Hoikuen để gửi con, đảm bảo việc đi làm.

Ở Hoikue, thời gian gửi trẻ tiêu chuẩn là 8h/ngày hoặc gửi dài 10 -12h/ngày tuỳ vào thời gian đi làm của bố mẹ. Trong trường hợp bố mẹ bận chưa kịp đón có thể gọi điện báo đón muộn và nộp thêm phí trông quá giờ. Vậy nên việc vào trường Hoikuen sẽ khó hơn vì thời gian trông trẻ dài, chi phí thấp hơn, cần đăng ký theo đúng kỳ học mới và cần giấy chứng nhận việc làm mới có khả năng đỗ cao.

Đối với trường học Yochien thì dễ vào hơn nhưng chỉ phù hợp với các mẹ muốn con học nhiều kỹ năng, có nhiều thời gian để đưa đón con đúng giờ. Thường Yochien sẽ phù hợp với các bé trên 3 tuổi vì lúc đó các bé biết hơn nhiều, việc tiếp thu khi giáo dục sẽ dễ hơn các em bé dưới 2 tuổi chỉ cần ăn, chơi, ngủ, hoạt động thông thường. 

Xin cảm ơn chị Miên về những chia sẻ chân thực cuộc sống bên Nhật! Chúc chị và gia đình luôn hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công!

 

 

Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/hanh-trinh-thue-nha-va-xin-hoc-mau-giao-cho-con-day-gian-nan-o-nhat-ban-nhieu-diem-khac-biet-khong-ngo-nghi-thoi-cung-du-nhuc-oc-162211412203850907.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang