* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Anh Bảo Nguyễn, một công dân gốc Việt đã cư ngụ tại Canada 30 năm. Công việc của anh từ năm 1998 đến nay là Nhân viên điều hành bậc hậu cử nhân (MA và PhD) của Đại học University of Toronto, ngôi trường số 1 của Canada. Anh là người hỗ trợ cho sinh viên từ ngày các em mới xin vào học cho tới ngày thành công bảo vệ luận án.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm trong ngành giáo dục, anh có những chia sẻ thiết thực và hữu ích cho những học sinh, sinh viên có mong muốn sang học tập và sinh sống tại Canada.
Mới đây, anh Bảo Nguyễn đã có những chia sẻ về hệ thống giáo dục Canada với nhiều thông tin bổ ích. Chúng tôi xin được trích dẫn lại bài viết của anh.
Không có chuyện dạy và học thêm
Tiểu học Canada kéo dài từ mẫu giáo cho tới lớp 8. Tiểu học chú trọng vào việc đào tạo nhân cách, kỹ năng học sinh hơn là trải rộng kiến thức. Ở bậc này chương trình học rất dễ dàng. Các môn như Vật lý, Hoá học, Sinh vật ... gom vào một quyển sách gọi là khoa học (Science). Những môn Sử, Địa, Xã hội thì gom vào một quyển sách là Social Studies. 2 môn này cùng với Toán, Văn (English), tiếng Pháp là tất cả các môn học. Học sinh không học nhiều, nhưng học chắc.
Ở trung học có tới hàng trăm môn học. Ngoài các môn căn bản, còn có các môn rất gần gũi với đời sống hằng ngày từ tính giải trí cho tới tính thực tiễn. Piano; Jazz; mỹ thuật; khiêu vũ; ba lê; nhảy hip hop; dinh dưỡng; cách nuôi con; sửa computer; xe hơi; mộc; điện… cũng được coi như những môn học được dạy trong trường. Các em học sinh từ lớp 9 trở lên sẽ tự chọn môn mà học. Như vậy, chúng có thể chủ động được thời gian và không bị nhồi nhét, tạo điều kiện cho các em có thể phát triển theo thế mạnh riêng của từng cá nhân.
Mỗi trường học Canada đều mang tính độc lập, các thầy cô giáo đều được đào tạo khác nhau. Muốn dạy học ở trường công thì phải có bằng cử nhân 4 năm chuyên môn ở đại học trước. Sau đó mới thi và học từ 1 đến 2 năm cao học (Master) ở trường sư phạm. Ở Canada không có vụ dạy và học thêm. Học sinh phải tự học. Những em giỏi thì vào đại học. Số còn lại thì vào college hoặc ra đời đi làm.
Cấp 3 bắt đầu từ lớp 9 và mỗi học sinh Canada được quyền chọn và học có 4 môn trong một học kỳ mà thôi. Mỗi ngày đến trường tập trung đào sâu 4 môn này cho tới cuối học kỳ, làm bài thi hết môn và lấy điểm tổng kết. Nếu kết quả trên 60% (6 điểm) thì được nhận 1 cái Credit (tín chỉ) và kết thúc môn học đó luôn. Đến học kỳ sau các em sẽ lại chọn học 4 môn khác để lấy tiếp 4 tín chỉ nữa. Những em thông minh, chăm học có quyền lấy nhiều hơn 4 môn.
Một quyển sách giáo khoa sinh vật lớp 12 của Việt Nam dày khoảng 200 trang, in chữ bự, thưa trên khổ giấy nhỏ. Một quyển sách sinh vật lớp 12 Canada dày hơn 600 trang, in chữ nhỏ, khổ giấy lớn. Quyển sách toán giải tích lớp 12 của Việt Nam dày 164 trang. Còn quyển sách toán giải tích lớp 12 Canada là 667 trang in khổ giấy lớn. Các sách giáo khoa về khoa học tự nhiên và xã hội của Canada đều dày và chi tiết hơn sách Việt Nam rất nhiều. Thầy cô còn bắt học sinh đọc nhiều sách khác nữa chứ không chỉ một quyển SGK của môn đó mà thôi.
Để tốt nghiệp cấp 3, thì một em học sinh ở tỉnh Ontario cần có 30 credits, trrong đó 18 cái là bắt buộc, 12 là tự chọn. Những tín chỉ bắt buộc ngoại trừ toán và văn (English) là phải lớp 12, số còn lại đa phần sẽ nằm ở trong những năm lớp 10 và 11. Gọi là bắt buộc, nhưng thật ra học sinh vẫn còn có sự lựa chọn . Ví dụ, Arts (mỹ thuật) là một tín chỉ bắt buộc nhưng học sinh có thể lấy môn vẽ, nặn tượng, văn nghệ ... để thoả mãn yêu cầu vì đó cũng là mỹ thuật. Những tín chỉ bắt buộc thường rất dễ như là Sử, Địa, Khoa học, Giáo dục công dân. Ngoài việc học, học sinh cũng phải đi làm thiện nguyện 1 tuần.
Không thi tốt nghiệp, không xếp loại hạnh kiểm
Đối với một học sinh trung bình, việc tốt nghiệp lớp 12 tự bằng sức mình không đến nỗi khó khăn cho lắm bởi vì những lý do sau:
1- Nhà trường và thầy cô giáo tránh tạo áp lực cho học sinh. Canada không có chuyện ở lại lớp.
Ở bậc tiểu học từ lớp 1-8 thì điều này hiếm khi xảy ra ra. Em nào cho dù học yếu nhưng tỏ ra cố gắng thì cô giáo sẽ căn cứ vào nỗ lực đó mà vẫn cho lên lớp như thường. Lớp 2 không biết viết, lớp 3 không biết nhân chia cũng không sao. Nhà trường không làm lớn chuyện vì các em rồi sau này sẽ biết thôi. Học sinh còn cố học là nhà trường phải tạo điều kiện thuận lợi. Nhà trường không đuổi học hay cấm học. Giáo dục là quyền tự do tối thiểu cho nên nhà trường không được tước đi quyền đó. Ngoài ra, những chuyện đăng ký xin đi học, xin chuyển trường rất ư là dễ dàng. Cha mẹ hay tự học sinh tới ghi danh, ngày mai đi học.
Ở cấp 3, vì đã được chọn môn nên các em sẽ thuận lợi hơn là học theo chương trình áp đặt. Rủi bị rớt một môn, học sinh không bị ở lại lớp mà chỉ cần học lại, lấy đủ credit cho môn mình rớt. Rớt cả 4 môn thì coi như phí đi một học kỳ 4 tháng. Vào mùa hè sẽ phải học lại, lấy đủ những credit cho những môn đó mà thôi. Việc không bị ở lại lớp tiết kiệm nhiều thời gian, phiền phức tâm lý cho cả học sinh lẫn nhà trường.
2/ Học ở Canada ít phải kiểm tra
Trong lớp học sinh không bị gọi lên trả bài. Cái gì không biết không bị phạt hay trách mắng mà bị điểm thấp. Trong lớp không có sổ điểm, không có sổ đầu bài, không thi đua phong trào. Bài kiểm tra của em nào thì chỉ mình em đó biết điểm chứ không công bố công khai vì như vậy xâm phạm quyền riêng tư của học sinh. Một môn học chỉ có 1 kỳ thi cuối học kỳ và điểm trung bình môn được chia đều theo kết quả năm chứ không đặt nặng vào kỳ thi cuối.
3/ Canada không có thi tốt nghiệp, thi hết cấp, thi chuyển cấp
Học sinh từ mẫu giáo đến lớp 8 chỉ cần học hết năm là lên lớp. Từ lớp 9-12 thì cứ học hết môn, lấy credit là học sang môn khác. Ngay khi nộp đơn vào đại học, các học sinh cấp 3 cũng không cần thi cử. Đại học tuyển sinh dựa theo thành tích học sinh ghi trên học bạ của những năm lớp 12. Chỉ có một số ngành học tại một số trường đại học có thể đòi hỏi các kỳ thi phụ như SAT, GRE... Những em học sinh du học có thể sẽ phải thi English exams (TOEFL, IELTS...).
Cùng tốt nghiệp trung học như nhau, nhưng có sự khác biệt rất lớn lao về trình độ giữa một em học cho xong và một em học để vào đại học. Bằng chứng phản ảnh sự khác biệt này là tấm transcript (học bạ) ghi rõ đầy đủ chi tiết các môn học từ lớp 9 trở lên và điểm số của các môn này. Các em muốn vào đại học thì phải lấy những lớp có trình độ khó hơn gọi là Advanced Program ở lớp 11 và 12. Đây là những môn dự bị đại học. Khi tuyển sinh, các khoa trong đại học chỉ quan tâm tới những môn học liên quan tới ngành họ đào tạo, và xét xem học sinh có đạt đủ điểm chuẩn hay không. Đại học sẽ không bao giờ hỏi bản sao bằng tốt nghiệp, mà họ cần tấm transcript khi xét tuyển sinh.
4/ Canada không có việc xếp loại hạnh kiểm
Trong trường không tồn tại giám thị, đội sao đỏ, lớp trưởng, lớp phó, tổ tự quản... không hề có sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt lớp hay họp kiểm điểm. Học sinh không bị xếp loại ghi hồ sơ, không bị theo dõi, giám sát. Học trường công không cần đồng phục. Tóc tai xanh đỏ, xù lông nhím, đầu trọc, đầu da đỏ; quần thụng lòi mông không thành vấn đề.
Trong lớp, thầy cô giáo không nặng lời hay là sỉ vả học sinh vì điều đó không chuyên nghiệp. Thế nhưng kỷ luật rất gắt gao, nhất là trong hệ thống trường công giáo. Chuyện băng nhóm, ăn hiếp, đánh nhau hiếm xảy ra. Nhà trường hiếm khi than phiền phụ huynh, nhưng nếu 1 học sinh bỏ học liên tục vài ngày, thì ông hiệu phó hay cô thư ký gọi lại báo cho phụ huynh biết ngay.
Nếu một học sinh có biểu hiện không ngoan thì em này sẽ được cô giáo hướng dẫn cho social worker (cán sự xã hội) hay psychologist (chuyên viên tâm lý) gặp gỡ để tìm hiểu. Họ có thể gặp gỡ cha mẹ tìm nguyên nhân sâu xa, hướng em này vào những chương trình đặc biệt dạy cách ứng xử, cách nói chuyện ... để giải tỏa. Nếu có những cảnh quay clip ăn hiếp là cảnh sát sẽ đến tận nhà còng tay dẫn đi. Họ sẽ không nêu danh tánh vì dưới 18 tuổi, nhưng có biện pháp hữu hiệu. Tất cả hình thức bạo lực học đường, dù là chửi mắng hăm dọa đều không được chấp nhận và sẽ xử nghiêm.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.