Du học sinh Việt tại trường đại học top đầu Nhật Bản bật mí 7 BƯỚC để lên kế hoạch du học thành công: Biết sớm đỡ lâm vào cảnh "giữa đường đứt gánh"

Các bạn không thể chắc chắn mình sẽ làm hồ sơ thành công (trừ những bạn có học bổng), thế nên cần chuẩn bị những phương án B, C, D. Có thể là Gap year, học đại học ở Việt Nam đợi kỳ tới nộp hồ sơ lại, chuyển hướng qua nước khác,...

Nguyễn Thị Kiều Mây hiện là sinh viên năm nhất Đại học Quốc tế Tokyo - ngôi trường xếp hạng thứ 3 trong tốp các trường đại học tốt nhất tại Nhật Bản. 

Năm lớp 10, Mây bắt đầu lên kế hoạch đi du học. Tại thời điểm đó, đất nước mà cô mong muốn là nước Úc, nhưng vì điều kiện gia đình không cho phép nên nữ sinh chuyển mục tiêu sang 1 đất nước khác. My phân tích profile của bản thân lúc đó: GPA 8.4: Tương đối ổn nhưng không thể cạnh tranh với các bạn trường chuyên; Hoạt động ngoại khóa: Có giải học sinh giỏi, giải quốc gia; Kinh tế gia đình: Bố mẹ có thể chu cấp khoảng 300 triệu 1 năm; Cân nhắc đến các yếu tố văn hoá - xã hội của 1 vài quốc gia: Quy tắc ứng xử, tỷ lệ xin việc, chất lượng cuộc sống, văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc...

Du học sinh Việt tại trường đại học top đầu Nhật Bản bật mí 7 BƯỚC để lên kế hoạch du học: Điều thứ nhất

Nguyễn Thị Kiều Mây hiện là sinh viên năm nhất Đại học Quốc tế Tokyo.

Từ đây, cô gái 10x xác định, Nhật Bản là 1 điểm đến lý tưởng đối với mình. Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, có rất nhiều thứ không hiểu và khác hoàn toàn so với những gì được học ở THPT nên Mây đã tìm kiếm sự trợ giúp từ Hoa Dinh - một người chị có kinh nghiệm trong việc làm hồ sơ săn học bổng để được dạy cách viết bài luận và nhưng lưu ý khi xin thư giới thiệu.

"Ngoài ra, networking cũng rất quan trọng, trong quá trình làm hồ sơ, mình đã làm quen được 1 bạn cũng học tại trường đại học đó. Mình đã hỏi những thông tin nhỏ nhặt để hiểu thêm về trường", Mây chia sẻ. Mây giành được học bổng 30% tại Đại học Quốc tế Tokyo, chuyên ngành quản lý nhân sự. 

Từ chính kinh nghiệm lên kế hoạch du học của bản thân, cô gái Hải Dương đã đúc kết 7 bước cụ thể, từ xác định mục tiêu đến chuẩn bị tâm lý:

1. Xác định mục tiêu du học

Mây chia sẻ, sau vài năm du học, cô nhận ra rằng các bạn du học sinh sẽ thuộc 1 trong 4 nhóm sau đây:

- Đi học: Trong nhóm này, các bạn học thực sự, các bạn đầu tư thời gian và tiền bạc để tiếp thu cái hay, cái mới. Dù kết quả thi cử có thể cao hoặc thấp, nhưng các bạn vẫn hài lòng và chấp nhận nó, bởi vì các bạn học thật, thi thật, cố gắng thật, và tiến bộ thật. Nếu kết quả thấp thì lấy nó làm động lực tiến lên. Và những bạn trong nhóm đi học thường sẽ đạt học bổng/ rất thành công. (Các bạn trong nhóm này vẫn đi làm thêm, nhưng chỉ làm để có trải nghiệm).

- Đi làm: Trong nhóm này, các bạn sẽ tận dụng visa du học sinh để đi làm thêm. Mặc dù các nước có quy định số giờ làm thêm của sinh viên, thậm chí có nước còn cấm sinh viên làm thêm nhưng ở 1 số nước thiếu lao động, họ vẫn mắt nhắm mắt mở nếu du học sinh làm quá tiếng (ví dụ như Nhật). Làm thêm quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học. Các bạn có ít thời gian học, đồng nghĩa với việc những bạn trong nhóm "đi làm" sẽ khó tiến bộ và hầu như chả có thành tích gì nổi bật.

- Vừa học vừa làm: Đây là nhóm cân bằng giữa việc học và việc làm. Và điều phổ biến trong nhóm này là: Bố mẹ trả học phí, còn con sẽ đi làm để tự lo sinh hoạt phí (và 1 phần học phí). Chính vì thế, nếu các bạn muốn vừa học vừa làm thì càng bạn vẫn phải "chuẩn bị về mặt tài chính". Và những bạn trong nhóm này sẽ không bị tụt dốc quá nhiều như nhóm "đi làm", nhưng cũng không có quá nhiều thành tích như nhóm "đi học".

- Đi để lấy cái mác "du học" cho nó oai: Nhóm này không học, không làm, đi du học chỉ tiêu tiền, ăn chơi. Học xong thì về nước và có thêm cái mác "du học sinh", nhưng về Việt Nam thì không có kỹ năng gì, thậm chí vẫn ăn bám bố mẹ. Ở nhà không biết thì tưởng oai lắm, giỏi lắm. Chứ người nào biết thì cứ nghe cái phát âm với tra rank trường là biết ngay. 

"Mình có quen 1 trường hợp, bố mẹ bạn ấy hay khoe với mọi người rằng nhà bạn ấy giàu nên "cho cháu nó đi du học Canada từ năm cấp 3, mỗi năm cũng tốn cả tỉ đấy". Xong sau đó mình tình cờ thấy bạn đi test thử tiếng Anh ở IDP, được IELTS 5.0, kỹ năng nói 4.0. Dì mình công tác ở IDP bảo rằng: "Nó đi du học 7 năm nhưng nó bảo MAI LÊM I M***, AI VỜ BIN IN CANADA PHO SE VỜN IA" (xin phép giấu tên). (My name is M***, I've been in Canada for 7 years)", Mây kể.

2. Nhìn lại profile + xem lại tài chính gia đình

Theo Kiều Mây, các bạn học sinh hãy nhìn vào profile của bản thân và đặt mình vào vị trí của các nhà tuyển sinh. Ví dụ: Giải vở sạch chữ đẹp hay tiếng Anh A2 thì đừng đặt mục tiêu Harvard, Stanford, hay học bổng chính phủ. Hoặc GPA hơn 9, IELTS 8 thì đừng bảo "điểm của em là rất thấp". Nếu các bạn cứ mơ mộng hão huyền, hoặc khiêm tốn quá, thì nhà tuyển sinh họ không cần những người "không biết mình là ai". Hãy có 1 cái nhìn ĐÚNG về profile của bản thân.

Du học sinh Việt tại trường đại học top đầu Nhật Bản bật mí 7 BƯỚC để lên kế hoạch du học: Điều thứ nhất
 

Về vấn đề tài chính: Hãy nói chuyện nghiêm túc với bố mẹ, hỏi bố mẹ xem trong nhà có bao nhiêu tiền, 1 năm bố mẹ có thể chu cấp cho con bao nhiêu. Trừ những bạn được học bổng toàn phần tốn ít tiền thì những trường hợp còn lại đều tốn nhiều tiền. Nếu các bạn tự tin rằng bạn có thể học tốt và sau khi học xong, bạn chắc chắn có 1 tương lai tốt đẹp thì có thể vay tiền để đi du học. Vì đó là SỰ ĐẦU TƯ THÔNG MINH.

3. Xác định ngành học

Các bạn học sinh cấp 3 thường sẽ có tư tưởng "còn trẻ nên cứ theo đuổi đam mê, tiền không quan trọng". Theo đuổi đam mê là đúng, nhưng chỉ theo đuổi khi "nhà quá giàu" (để lúc các bạn ngã thì bố mẹ vẫn chu cấp), hoặc các bạn có đủ tự tin rằng "trong lĩnh vực các bạn theo đuổi, các bạn thuộc top đầu", hoặc các bạn tự tin rằng "ngành đó phù hợp với nhu cầu xã hội" (ví dụ như ngành ngôn ngữ Anh, tầm chục năm nữa nó vẫn hợp với xã hội). Ngành các bạn thích chưa chắc đã phù hợp với các bạn. Thế nên, hãy chọn 1 ngành phù hợp với profile, tài chính gia đình, phù hợp với nhu cầu xã hội, và có thể kiếm ra tiền, tự nuôi sống bản thân.

Nếu không xác định được ngành học thì sao? Các bạn ĐỪNG hỏi người khác xem mình học cái gì bởi vì ngành nghề nó gắn bó cả đời với các bạn, các bạn phải tự mình làm chủ cuộc đời. Các bạn hãy tự nhìn vào bản thân, nhìn vào xã hội để đưa ra quyết định. Bạn không hiểu chính mình thì người khác làm sao hiểu được.

4. Chọn quốc gia

Quốc gia mà bạn thích chưa chắc đã phù hợp với bạn. Cứ dựa vào 3 mục phía trên để giải được mục 4. (Ví dụ bạn nào budget 400tr/ năm thì không đi Mỹ được nhưng có thể đi Nhật, Hàn. Hoặc bạn nào thích học khách sạn mà nhà giàu thì đi Thuỵ Sỹ, Úc).

5. Tìm hiểu thông tin

"Internet is your best friend" nhưng đừng tin Internet hoàn toàn, đặc biệt là mấy bài quảng cáo của các trung tâm du học. Các bạn NÊN liên lạc với những người đang sống/ học ở quốc gia đó để tìm hiểu thông tin. 

Du học sinh Việt tại trường đại học top đầu Nhật Bản bật mí 7 BƯỚC để lên kế hoạch du học: Điều thứ nhất
 

6. Chuẩn bị phương án dự phòng

Các bạn không thể chắc chắn mình sẽ làm hồ sơ thành công (trừ những bạn có học bổng), thế nên cần chuẩn bị những phương án B, C, D. Có thể là Gap year, học đại học ở Việt Nam đợi kỳ tới nộp hồ sơ lại, chuyển hướng qua nước khác,... (Kiều Mây đỗ Đại học Ngoại ngữ nên nếu trượt, cô sẽ ở nhà học đại học).

7. Chuẩn bị tâm lý

Nếu trượt hồ sơ du học: Buồn đấy, thất vọng đấy, nhưng phải VỰC DẬY được. Trong cuộc đời của con người, còn có nhiều chuyện quan trọng hơn, khó khăn hơn việc "trượt hồ sơ" nhiều. Nếu các bạn thất bại và GỤC luôn tại điểm này thì thôi, đừng nghĩ đến chuyện đi du học làm gì. Cứ ở nhà làm "bông hoa trong nhà kính" cho nó lành. Để vực dậy tình thần thì hãy nghĩ đến công sức bố mẹ và tương lai của bản thân. "Thua keo này ta bày keo khác".

Nễu đỗ rồi: Chuẩn bị tâm lý để ra nước ngoài. "Cái đầu tiên là nhớ nhà. Nhiều bạn bảo có Facebook rồi, không nhớ đễn nỗi phải khóc. Mình đảm bảo, 2 - 3 tháng đầu, ngồi khóc hu hu huhu. Chưa kể shock văn hoá, shock ngôn ngữ. Giải quyết mọi thứ 1 mình, học cách tự lập. Mình nghĩ bạn nào muốn du học thì phải chuẩn bị tâm lý nhiều hơn các bạn học đại học ở nhà", Kiều Mây chia sẻ.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang