Hành trình tìm con gian nan
Chị Vũ Trang (32 tuổi, quê Bắc Ninh) ngồi nhớ lại khoảng thời gian 2 vợ chồng xách xe máy lang thang khắp ngõ ngách tại Hà Nội để mong có hy vọng nhìn thấy sinh linh bé nhỏ trong gia đình.
Chị Trang kể hai vợ chồng kết hôn năm 2015. Năm 2016 chị Trang có bé đầu tiên. Nhưng niềm vui ngắn ngủi phải kết thúc khi thai ngừng tim. Lúc bấy giờ, 2 vợ chồng chưa tìm hiểu về hiếm muộn. Bác sĩ ở tỉnh bảo không cần đi khám, vì có thể đó chỉ là xác suất. Năm 2017, chị Trang bầu lần 2 và bản thân không quá lo lắng, vẫn dùng thuốc theo bác sĩ kê. Nhưng lần này cũng vẫn vậy, thai bị đình chỉ từ tuần 7-8 do không có tim thai.
"Lúc này, tôi mới nghiêm túc tìm hiểu về lưu thai. Cũng là thời điểm hai vợ chồng dắt díu nhau đi khám. Cứ nơi nào khám không ra nguyên nhân, là chúng tôi đi khám chỗ khác. Thoắt cái đã lê la gần hết các viện ở Hà Nội rồi. Thế nhưng vẫn là tìm không ra nguyên nhân", chị Trang tâm sự.
Lòng nặng trĩu nghĩ lại khoảng thời gian đó, chị Trang kể tiếp, năm 2018, chị bầu bé thứ 3, lại một hành trình tiêm, uống, đặt thuốc đủ kiểu. Nhớ năm đó, chồng chị phải đi khắp Hà Nội để tìm mua một mũi tiêm nội tiết. Có những mũi bị 'hét giá' lên đến hơn 2 triệu vẫn phải 'cắn răng' mua. Cái gì cần dùng, chị đều dùng cả, nhưng vẫn không giữ được con. Anh chị lại tiếp tục khăn gói đi xét nghiệm.
Khi không tìm được nguyên nhân gây lưu thai, chị Trang quyết định làm IVF để sàng lọc dị tật. Quá trình khám xét, kích trứng, chọc trứng khiến chị Trang thật sự mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Nhất là khi biết 14 trứng của mình tạo được có 2 phôi tốt và 3 phôi trung bình. Chị không dám sàng lọc nữa, sợ mất hết phôi. Sau đó chị chuyển đậu ngay lần đầu, nhưng từ lúc thử que lên 2 vạch, bà mẹ một con ra máu suốt, phải nằm viện truyền giảm co đến khi ổn định. Các chỉ số đều đẹp nên bác sĩ cho về hẹn một tuần nữa siêu âm tim thai.
Hàng trăm mũi tiêm đâm vào người chị Trang trong quá trình này. Ảnh: NVCC.
"Hai vợ chồng hào hứng đưa nhau đi, tự tin lắm. Vì trước khi ra viện, bác sĩ khen thai đẹp thế cơ mà. Nhưng, gần như tuyệt vọng, lại không có tim thai. Hai vợ chồng đưa nhau ra viện mình làm IVF để siêu âm lại, và hút thai sau khi bác sĩ kết luận.
Trên đường về, chồng mình bảo: Thôi nhé! Không đẻ nữa nhé. 4 lần rồi. Anh không cần nữa Hĩn ạ (biệt danh ở nhà của chị Trang).
Chồng tôi nói vậy làm bản thân thấy thương quá. Chúng tôi đã mong mỏi đứa con của hai người đến nhường ấy rồi", chị Trang tiếc nuối nhớ lại.
Sau đó, hai vợ chồng chị quyết định sang năm 2020 chọc trứng, tạo phôi, trữ sẵn ở đấy, tìm người mang thai hộ, hoặc khi nào sẵn sàng thì chuyển phôi lần nữa. Nhưng gia đình chị không có người mang thai hộ hợp pháp, nên khi ấy, chị nghĩ cách thời gian sau phải tự chuyển phôi thôi.
Nhưng ra tết 2020, dịch căng thẳng, kế hoạch tạm thời lùi lại. Cuối cùng sau nhiều lần suy nghĩ, chị Trang giấu chồng thả. Và chị Trang thử que 2 vạch. Lúc ấy chị đã khóc, không rõ vì mừng hay lo.
Chị vội vàng vào khoe chồng, anh nhà chỉ ôm và không nói gì. Sau mới biết, hoá ra, chồng chị lo nhiều hơn mừng. Mới đầu, chị Trang giấu mọi người, nhưng do nghén nặng quá nên mọi người biết. Còn bố mẹ đẻ, mãi đến ngày siêu âm thấy tim thai, chị mới dám về ngoại để khoe có bầu.
"Vì tôi biết, mẹ lo sợ thế nào sau 4 lần lưu trước. Mẹ tôi thậm chí còn bảo, nhận con nuôi cũng được. Rồi từ ngày biết tin, cách ngày mẹ lại gọi điện. Ngày tôi đi siêu âm mốc tim thai, không biết bao nhiêu người nín thở chờ đợi. Giây phút nghe tim thai lần đầu tiên, chị nghẹn ngào vô cùng. Nhắn tin cho mọi người, ai nấy đều khóc", chị Trang xúc động nhớ lại khoảnh khắc ấy.
9 tháng 10 ngày cực khổ
Thai kì của chị Trang diễn ra khá vất vả. Từ lúc thử que hai vạch, chị cũng phải thử máu 48h 1 lần để theo dõi đến khi siêu âm thai vào tổ, có tim thai. Đây cũng là lúc chị Trang bắt đầu phải uống/đặt thuốc nội tiết, tiêm chống đông máu, cũng lúc cơn nghén cũng đến, chị không ăn uống được gì, chỉ có mì cháo trắng, ngô khoai luộc cầm cự để uống thuốc. Thuốc cũng nhiều, ảnh hưởng sức khỏe vô cùng. Nội tiết làm chị luôn mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, cộng thêm huyết áp thấp do không ăn uống được. Sau nữa là uống thuốc chống đông máu làm đau dạ dày. Tiêm chống đông máu khiến men gan cao.
"Tôi xin nghỉ việc ở nhà 2 tháng để nghỉ ngơi. May mắn, sếp là người chứng kiến quá trình mang thai khó khăn của tôi nên rất tạo điều kiện. Ngày siêu âm tim thai định kỳ, mình sợ lắm, nhỡ lại mất thì biết làm thế nào. Vừa muốn đi, lại không muốn đi. Mình say xe không ngồi được oto, nên trời nắng hay mưa, kể cả giông cũng là hai vợ chồng dắt díu nhau đi bằng xe máy.
Những ngày mang bầu, chị Trang chịu nhiều đau đớn nhưng vẫn kiên cường, nghị lực.
Mình có hỏi chồng: lần này sẽ có tim thai chứ? Chồng mình chỉ khẽ: "ừ".
Lúc bác sĩ gọi đến lượt, tim mình đập loạn cả lên, run cả tay. Vào phòng, nằm trên giường rồi, bác sĩ còn tưởng mình bị huyết áp vì thở dốc quá. Bác trêu "ô, phôi đâu mất rồi!?". Nghe câu này, ngược lại, mình thấy yên tâm hơn, vì biết phôi thai không thể tự mất. Mình không dám tin, kể cả lúc nhìn thấy hình ảnh tim thai phập phồng. Mãi cho đến khi bác sĩ đo tim thai, nghe thấy tiếng, nhìn thấy đồ thị, mình mới dám thở, dám khóc. Khóc nức nở trong sự chúc mừng của bác sĩ. Đối với những người nhiều tiền sử như chúng mình, tim thai là một mốc lịch sử", chị Trang kể.
Không ăn uống kèm các tác dụng phụ khi dùng đủ thứ thuốc, nên có vài ngày chị Trang đã xuống 4kg. "Tất cả diễn ra cùng lúc làm tôi lúc nào cũng vật vờ, thiếu sức sống. Cứ như vậy, cầm cự đến hết 3 tháng thì đỡ hơn chút thì tôi đi làm lại. Nhưng huyết áp thấp quá, bác sĩ bảo có nguy cơ choáng ngất bất kì lúc nào. Nên tôi phải thuê xe ôm đưa đón suốt 4 tháng còn lại", chị kể.
3 tháng đầu, cứ 1 tuần 1 lần, 2 vợ chồng lóc cóc xách xe máy đi khám, có những lần khám thai tận Hưng Yên, cách nhà 30km, hai vợ chồng cũng phải đi xe máy bất kể nắng hay mưa vì đặt lịch không dễ dàng gì.
Có lần bác sĩ bảo nhiều ối, hay não thất phải có nguy cơ bị giãn, chị Trang lại bị dọa cho hú hồn, hú vía. Vì đó toàn là nguy cơ gây lưu thai. Cứ như vậy 2 vợ chồng là chưa bao giờ hết thấp thỏm.
Chị cho biết: "Sau 18 tuần, lần đầu cảm nhận thai máy. Kì diệu lắm! Tôi cảm nhận em bé dễ hơn, không nhất định phải qua siêu âm nữa. Tôi bắt đầu cảm nhận nhiều hơn, 20 tuần thấy em đạp, những giao kết giữa hai mẹ con dần rõ hơn.
Nhưng thai lớn hơn, đồng nghĩa với việc tiêm bụng cũng khó hơn. Loay hoay lúc lâu không biết bấu véo chỗ nào để cắm kim nữa. Chỗ nào cũng cứng, chỉ sợ đâm vào em bé. Lần nào tiêm cũng thủ thỉ "mẹ xin lỗi em nha".
Thông thường thì 8 tháng mới bắt đầu nghỉ thai sản, nhưng do bụng mình tụt sớm. Kèm thêm, ngày xưa chụp tử cung vòi trứng bác sĩ bảo tử cung mình nhỏ. Nên mình rất sợ sinh non. Thế là, lại xin sếp cho nghỉ sớm 1 tháng. Tháng thứ 7, chân tay, mặt mũi mình bắt đầu phù to hơn. Tay đau không cả nắm chắc được. Đau sụt hông, đi lại cũng khó nữa".
Ở những tuần cuối thai kỳ, chị Trang phải thuê trọ gần bệnh viện để tiện cho việc sinh.
36 tuần thì chị Trang bắt đầu khăn gói ra Hà Nội, thuê trọ cách bệnh viện chưa đầy 1km, sẵn sàng mọi thứ chờ em chào đời. 38 tuần đi khám thai thì có dấu hiệu tiền sản giật, bác khuyên mổ chủ động, vậy là 38 tuần 2 ngày thì đón em bé ra.
"Trước khi lên bàn mổ, tôi rất căng thẳng, lo cho bản thân 1, lo cho em bé 10. Sau gây mê, bác sĩ hỏi "Có cảm thấy gì không". Tôi bảo "Em biết bác đang rạch bụng em, lớp rạch thứ 2 rồi", cả kíp mổ cười. Vài phút sau là mình nghe thấy tiếng em khóc. Giây phút em khóc, bác sĩ bảo "em bé xinh xắn lắm nha", tôi bật khóc. Khóc nức nở luôn. Bao nhiêu dồn nén bật ra hết. Bác sĩ khuyên mãi mới nín", bà mẹ một con xúc động.
Nằm phòng hồi sức hơn 4h chị Trang được đẩy về phòng, lúc các điều dưỡng đẩy em bé về phòng, chị lại khóc. Mấy đêm nằm viện, tôi hầu như không ngủ đêm vì mải ngắm em bé được đặt tên ở nhà là Joy.
Em bé Joy sinh ra rất trộm vía.
"Ngắm Joy ngủ, tôi vẫn khóc. Kể cả bây giờ, Joy gần được 1 năm, thi thoảng tôi vẫn ôm Joy khóc khi nhớ về những năm tháng qua.
Theo gói sinh thì tôi nằm viện 3 ngày sau sinh. Nhưng vì say xe khủng khiếp, nên tôi xin nằm thêm 3 ngày để… đi xe máy về. Thế là, 5 ngày sau mổ, hai vợ chồng lại đèo nhau về bằng xe máy", đến tận bây giờ chị Trang vẫn dị ứng với xe ô tô, đôi lúc chị đùa "chắc số vất vả nên không được hưởng thụ".
Tưởng chừng sinh được em bé, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn với 2 vợ chồng. Nhưng khó khăn vẫn đến với đôi vợ chồng trẻ. Khi em bé Joy được 1 tháng, Joy về ngoại, cũng là lúc em rướn nhiều đến nỗi thoát vị rốn và thoát vị bẹn. 1 tháng 23 ngày, Joy vào viện phẫu thuật nội soi. Joy bình thường háu ăn, hôm đấy phải nhịn 6h chờ phẫu thuật, khóc um cả tầng 6. Joy là em bé nhỏ nhất phẫu thuật ngày hôm ấy, nên được ưu tiên mổ trước.
"Nhưng vì bé nhất, nên tôi cũng lo lắng bất an vô cùng. May mắn, ca phẫu thuật thành công, đón em từ phòng hồi sức, kim và dây truyền vẫn cắm trên bàn tay bé xíu xiu, mặt em xanh yếu ớt, tim tôi thắt lại, cứ ngồi bế con khóc. Tối hôm đó, Joy đau vết mổ, khóc to nhất tầng 6, bao trọn tầng 7, khóc nguyên đêm luôn, trừ lúc chợp mắt được một chút. Dì và mẹ thay nhau bế đêm hôm, 10 phút thôi mà như cả tiếng đồng hồ.
Sau mổ, Joy bị nhiễm trùng vết mổ, dùng kháng sinh tận một tháng liền, đến tận 28 tết, đi khám vết mổ khô mới dừng thuốc. Nhưng trộm vía, Joy ngoan mà hay cười, nên mẹ vất vả cũng nhẹ hơn nhiều", nhìn em bé Joy đang nô đùa quanh sân, chị Trang bất chợt mỉm cười hạnh phúc.
May mắn có những người xung quanh yêu thương
Nhưng sau cùng, đến hiện tại, còn gần 1 tháng nữa, em bé Joy sẽ đón sinh nhật 1 tuổi. 2 vợ chồng chị thỉnh thoảng vẫn không tin đây là sự thật.
Chị Trang vẫn cảm thấy bản thân mình may mắn vì có gia đình 2 bên nội ngoại, những người thân bên cạnh động viên, chia sẻ, thậm chí dang tay bảo vệ chị những lúc chị suy sụp.
"Nhất là chồng tôi, khi phát hiện có Joy, tôi báo chồng mình đầu tiên. Anh ấy không nói gì, chỉ nằm ôm mình ngủ. Sau này, hỏi lại, anh mới bảo "lúc ấy, anh sợ hơn là mừng." Anh nắn tay chân cho tôi mỗi đêm, vẫn ôm tôi ngủ mỗi đêm, vẫn hôn chào trước khi đi làm, và khi về đến nhà", chị Trang kể về người chồng bằng tuổi với mình.
Sau tất cả, tổ ấm nhỏ đã được bình yên.
Người tiếp theo là cô em gái ruột của chị, nhớ lúc báo tin em gái chị chỉ bảo "sao chưa khám thêm lần nữa lại để bầu. Nhỡ hỏng nữa thì phải làm sao?". Em gái chị là người bạn thân nhất, là người lo lắng cho chị sau mẹ nên chị Trang hiểu vì sao em lại nói như vậy. Sau này có Joy, em gái trở nên bận rộn. Cuối tuần không bao giờ tăng ca, nhất định ở nhà với cháu. Sáng đi làm phải nhìn cháu mới đi, tối về phải đùa với cháu mới ngủ. "Nói thật, Joy yêu dì hơn cả mẹ. Chỉ có dì mới làm Joy cười hơn ai hết", chị Trang cười ghen tị.
Tiếp sau là cô bạn thân ở văn phòng, bạn thân mười mấy năm; gia đình bên nội, nhất là cụ nội đã 86 tuổi. "Trước tôi vội làm IVF cũng là vì cụ, vì cụ già lắm rồi, lại mong chắt quá. Cụ và bà nội Joy chăm sóc mình từng miếng ăn giấc ngủ. 6 năm làm dâu, 5 năm hiếm muộn, cụ và bà chưa bao giờ lớn tiếng hay trách móc mình một câu nào. Bố chồng mình sáng nào cũng mua bún về cho con dâu, nước quả ép sẵn để tủ lạnh. Ông cũng chính là người "xử lý" tất cả những người tạo áp lực cho mình. Ông nói "Mọi người mong 1, vợ chồng nó mong 10. Nên chúng nó tự có tính toán, đừng ai hỏi nhiều!", chị Trang tự hào vì có một gia đình chồng tuyệt vời.
Về phía nhà ngoại, sau này, mãi khi có tim thai, chị Trang mới dám khoe với ông bà ngoại. "Tôi nghĩ, bớt một ngày lo, bớt một người lo là giảm một phần áp lực. Mẹ tôi lo lắm, cứ hai ngày lại gọi hỏi "Hĩn có khoẻ không", bà lo từng ngày. Lần thứ 2 bị lưu, cuối tuần tôi nằm viện chờ hút nên không về ngoại, cũng không gọi điện. Thứ 2 mẹ gọi thì biết tôi đang chờ hút thai, mẹ khóc rồi bắt xe lên viện luôn. Cả 2 mẹ con đều say xe như nhau, chắc là do di truyền", chị Trang cười.
Cuối cùng là sếp người Trung Quốc, khi chứng kiến hành trình vất vả của chị, sếp thương lắm. Hai lần chị bầu, cũng đúng 2 lần vợ sếp bầu. Vợ sếp cũng bị hỏng, nên sếp thông cảm với chị lắm. Khi làm đơn đăng kí báo danh có bầu để cấp thẻ miễn kiểm tra, sếp gọi mình vào "mắng": "Sao mày vội vàng thế? Tao đã bảo phải phục hồi sức khỏe hẵng tính tiếp cơ mà. Những lần trước, sức khỏe mày còn chưa hồi phục, tại sao lại vội vàng thế?". Nhưng thôi, có rồi thì sếp cũng vui mừng chúc mừng và dặn cẩn thận từng li từng tí. "Đúng là ông trời không phụ mình, mình mất cái này nhưng bù lại cái khác", chị Trang xúc động.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.