"Hoa hậu đại sứ nhân ái Bến Tre" Phan Thuyền qua đời vào lúc 5h ngày 24/03 sau thời gian mắc bệnh trầm cảm, hưởng dương 32 tuổi. Sự ra đi của cô khiến cho cả gia đình và bạn bè đau xót.
Lúc sinh thời, Phan Thuyền là người khá vui vẻ, hòa đồng và thích đi làm từ thiện.
Nói về bệnh trầm cảm, bác sĩ Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho biết, hiện nay bệnh trầm cảm đang báo động. Điều đặc biệt không phải ai cũng biết mình đang có dấu hiệu của trầm cảm.
BS CK II Huỳnh Thanh Hiển.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 40 giây trên thế giới lại có 1 người tự tử do trầm cảm. Năm 2020, bệnh trầm cảm vượt qua bệnh ung thư, tiểu đường, trở thành căn bệnh thứ hai đe dọa sức khỏe con người, và chỉ duy nhất đứng sau bệnh tim mạch.
TS Hiển cho biết, xã hội càng hiện đại thì trầm cảm sẽ càng gia tăng. Theo ghi nhận tại BV Tâm thần thành phố, nếu trước đây mỗi ngày chỉ khoảng 50 người đến khám về trầm cảm và lo âu, thì hiện nay là 500 người trên tổng số khoảng 1.000 bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại viện này.
TS Hiển cho biết, chưa bao giờ bệnh trầm cảm báo động như hiện tại.
Dấu hiệu để nhận biết người bệnh trầm cảm đó là họ có các triệu chứng rối loạn về giấc ngủ.
Đa số người bệnh bị mất ngủ, giảm tập trung, giảm chú ý, không tập trung được vào công việc, chán ăn, sút cân.
Bên cạnh đó, đa số người trầm cảm vận động, đi, đứng, nói chuyện rất chậm chạp, một số có trạng thái hưng phấn kích thích, không kiềm chế được cảm xúc của mình.
Sự nguy hiểm của trầm cảm là nếu bệnh nhân không được can thiệp y khoa sớm, rất dễ dẫn đến ý tưởng toan tự tử, cộng thêm thiếu sự nâng đỡ của bạn bè, người thân..., người trầm cảm dễ có hành vi toan tự tử.
Hoa hậu Phan Thuyền đã qua đời do trầm cảm.
Khi nữ giới bị trầm cảm, họ thường có ý định tự tử nhiều hơn nam giới. Nhưng nam giới tử vong nhiều hơn do sử dụng hình thức tự tử quyết liệt, bạo lực hơn. Khi một người trầm cảm quyết định tự tử là lúc rơi vào một trạng thái bất ổn tâm lý.
BS Hiển cho biết, để biết quá trình một người mắc bệnh trầm cảm đi đến quyết định tự tử, thường sẽ trải qua 3 giai đoạn, gồm: có ý định tự tử, mưu toan tự tử và quyết định tự tử.
Những người bị trầm cảm nếu sống một mình sẽ có nguy cơ tự tử cao hơn, do họ không có người thân chia sẻ, động viên.
Bên cạnh đó, các trường hợp tự tử gần đây do môi trường sống trong chung cư tương đối khép kín và ít có sự giao tiếp, khiến ý tưởng tự tử dễ trở thành sự thật hơn.
Bác sĩ Hiển cho biết, những người xung quanh thấy người có biểu hiện trầm cảm có thể tự test khả năng họ có ý định tự tử như:
Đặt 5 câu hỏi sau:
1, Bạn có mặc cảm về một người thất bại không?
2, Bạn có cảm thấy mình vô dụng không?
3, Bạn có cảm thấy mình là một gánh nặng cho gia đình và người thân?
4, Bạn có hay suy nghĩ về cái chết không?
5, Cái chết có giải thoát cho mình và sẽ tốt hơn cho gia đình không?
Nếu đáp án của 5 câu trả lời này là có thì thực sự đáng báo động đỏ về ý định tự tử của họ.
Bệnh trầm cảm có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên thời gian điều trị và theo dõi rất lâu. Người bệnh phải có ít nhất 6 tháng theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Để phòng ngừa và chặn đứng nguy cơ người bệnh tự sát, người sống bên cạnh là những người đầu tiên sẽ giúp đỡ, hỗ trợ bệnh nhân tránh được nguy cơ này. Có thể phát hiện ra những dấu hiệu người bệnh có nguy cơ tự sát.
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.