Học cô giáo cách "dạy" chồng: "Đàn ông thực chất là những đứa trẻ to xác, đừng bao giờ bắt anh ấy phải ngoan"

Có bao giờ bạn hình dung được 1 cô giáo mầm non áp dụng đúng phương thức dạy trẻ vào việc 'dạy' chồng mà hiệu quả không ngờ chưa?

Nhiều người vẫn thường quan niệm, thói quen nghề nghiệp có khi được áp dụng cả vào tình yêu thậm chí là hôn nhân. Đó là lý do vì sao rất nhiều cô vợ bác sĩ luôn nguyên tắc với sức khỏe của gia đình, các anh chồng IT thì coi vợ chẳng khác nào cái màn hình máy tính, đôi khi có chút khô khan và cục mịch. Nhưng có bao giờ bạn hình dung được 1 cô giáo mầm non áp dụng đúng phương thức dạy trẻ vào việc "dạy" chồng mà hiệu quả không ngờ chưa? Nghe có vẻ hoang đường nhưng cô giáo Huyền Trang đã làm được điều ấy.

a - Ảnh 1.
 

Yêu cô giáo mầm non lúc nào cũng được làm trẻ con

Ngọc Danh và Huyền Trang đã bên nhau được 4 năm. Thời gian không quá dài song để có được 1 gia đình hạnh phúc như hiện tại là sự nỗ lực của cả 2.

Trang chia sẻ: "Mình và anh quen nhau sau 1 buổi ăn cơm ở nhà chú. Anh là đồng nghiệp với chú mình. Dù chú có ý mai mối nhưng lúc đầu mình cũng không ưng anh lắm. Sau đấy làm quen, chuyện trò rồi bọn mình từ bạn sang yêu lúc nào không biết".

Tình yêu cứ đến tự nhiên và chân thật như thế. Cho đến khi Trang hiểu hết về người đàn ông này thì cô càng tin tưởng hơn.

Có khi anh đi về cả 120km chỉ để được gặp Trang trong vài tiếng. Có khi anh bỏ cả 1 thời gian dài tan làm bắt grap qua đưa người yêu đi chơi rồi lại lấy xe của cô đèo Trang về tận nhà. Có những buổi dù mệt nhoài với công việc nhưng anh vẫn ngồi tỉ mẩn cắt từng mẩu giấy dán, làm từng bông hoa cho Trang mang tới trường những ngày lễ.

a - Ảnh 2.

Trang là cô giáo mầm non luôn tận tụy với công việc

"Mình nhớ có lần Trung thu, chị hiệu trưởng giao cho mình vai chị Hằng mà không hề có kịch bản nào cả. Mình đành về trao đổi với anh. 2 vợ chồng cùng nhau xây dựng ý tưởng rồi mình bắt anh đóng luôn chú Cuội. Lúc đầu anh chưa quen còn phản ứng: 'Em buồn cười thế, em lên bảo các cô đóng chứ anh ngại lắm'. Nhưng rồi cứ thế tập rượt đến đêm 2 vợ chồng lại nhìn nhau cười. Nói chung chồng mình luôn sẵn sàng hỗ trợ vợ mọi công việc", Trang kể lại.

Ngay năm thứ 2 đi dạy Trang đã được làm quản lý của cơ sở mà cô giảng dạy. Dù là người có khả năng nhưng những áp lực công việc vẫn khiến Trang gặp stress liên tục. Những lúc như thế Danh luôn bên cô an ủi, động viên để cô kiên nhẫn và yêu nghề hơn.

Đàn ông thực chất là những đứa trẻ to xác - Đừng bắt chồng ngoan, hãy khiến chồng biết tự giác

Trang tự nhận mình không phải là người phụ nữ dày dặn kinh nghiệm hay có bí quyết hôn nhân gì to tát. Thế nhưng đồng nghiệp luôn nhận xét chồng cô "ngoan" còn bạn bè thì ngưỡng mộ vì Trang được chồng chiều.

 

 

Ông chồng tận tâm giúp vợ soạn giáo trình dạy học

Với Trang, cô không bao giờ có ý định "dạy chồng" hay "trị chồng" như cách mà mọi người vẫn nói vui. Bởi "dạy thì phải là người sinh ra anh ấy chứ mình không có quyền còn "trị" nó lại theo hướng hơi gượng ép". Thế nên cô có 1 cách rất riêng để đưa chồng vào khuôn khổ như ngày hôm nay.

Đối với đàn ông cần nhẫn nại và kiên trì

Không có cuộc hôn nhân nào là trải thảm đỏ, cũng không có tình yêu nào mãi nồng nàn. Đối với vợ chồng Trang cũng vậy, dù bản chất Danh là 1 người đàn ông điềm đạm nhưng không ai là hoàn hảo cả.

"Vợ chồng mình không bao giờ giận nhau quá 1 ngày. Mình hiểu tính cách của chồng nên việc cãi nhau để tìm ra kẻ thắng người thua là điều vô nghĩa. Có lẽ mình rèn được tính kiên nhẫn từ việc dạy dỗ các bé ở tuổi lên 3 nên với chồng mình cũng thế. Thực ra đàn ông chẳng khác nào những đứa trẻ to xác, càng quát mắng càng phản tác dụng.

Trong mỗi cuộc tranh cãi phải có 1 bên nóng, 1 bên lạnh. Mình nhún nhưng không có nghĩa là anh đúng hoàn toàn. Lúc nào chồng bình tĩnh mình sẽ hỏi: 'Tại sao anh lại làm thế, em muốn biết suy nghĩ thực sự của anh lúc ấy'. Trên tinh thần nghe để hiểu nhau chứ không phải nghe rồi bắt bẻ nhau.

 

 

 

Ông chồng đảm đang không ngại việc nhà

Đối với mỗi sự việc vợ hay chồng cũng chỉ là những 'thầy bói mù xem voi'. Mỗi người đều đánh giá trên phương diện cá nhân góc độ mà mình nhìn thấy. Vậy nên cần đứng vào vị trí của đối phương để cái nhìn được đa chiều hơn. Và để làm được điều đó bản thân mình cần dẹp cái tôi cá nhân sang 1 bên, làm chồng nể chứ không để chồng ngoan kiểu đối phó.

Có lúc chồng cáu lên bảo mình: 'Sao em cứ coi anh như đứa trẻ con vậy?' thì mình cười đáp: 'Tại anh có hành động như người lớn đâu'. Với điều quan trọng nhất vẫn là chồng mình cũng hợp tác, chứ 1 bên nhún, 1 bên được đà lấn tới thì cố gắng thế nào cũng không ăn thua".

"Dạy con từ thuở còn thơ, dạy chồng từ thuở lơ ngơ lấy về"

Nói vui vậy thôi chứ Trang chưa từng có suy nghĩ sẽ dạy chồng, ngược lại cô còn phải học hỏi anh rất nhiều thứ trong cuộc sống. Tuy nhiên Trang quan niệm: "Đàn ông phụ nữ bình đẳng, ai cũng phải biết làm mọi việc. Ngay từ khi cưới về mình đã hướng dẫn chồng làm các món ăn, từ dễ đến khó. Mình bảo anh ấy không phải lúc nào cũng có vợ bên cạnh. Anh học để tiện cho bản thân khi đi xa và cũng để sau này dạy lại con, chăm sóc con tốt.

Chồng mình cũng là người rửa bát sau mỗi bữa ăn. Không phải phân công công việc mà tất cả đều trên tinh thần tự giác. Chồng mình rửa bát rất lâu nhưng mình không bao giờ càu nhàu hay soi xét. Vì khi đàn ông hứng thú làm 1 việc gì, đừng làm mất đi đam mê của anh ấy.

 

 

 

Mình hướng dẫn chồng mọi việc của phụ nữ. Ranh giới giữa 'sai bảo' và 'nhờ giúp' đối với đàn ông rất lớn đấy nhé. Thay vì bắt ép chồng làm nọ làm kia mình sẽ nhờ anh ấy với 1 sự cầu thị và thái độ trân trọng những gì anh ấy làm. Và tất nhiên làm tốt thì khen còn làm chưa tốt sẽ được góp ý".

Hiện tại cô giáo mầm non này vừa dạy học lại vừa kinh doanh thêm nên công việc khá bận rộn. Cũng nhờ "rèn chồng" từ khi mới cưới mà Trang lúc nào cũng có thời gian riêng cho mình.

Muốn chồng 1 lòng với vợ, hãy nắm vững "điểm yếu" của anh ấy

Trang nhấn mạnh, cô chỉ chia sẻ những gì mà mình đã áp dụng thành công với chồng mình, nó cũng không phải quy chuẩn chung để các chị em dựa vào. Mỗi người sẽ có 1 cách phù hợp với cuộc hôn nhân của mình.

 

 

Con gái Trang bám bố hơn cả mẹ

Cô giáo mầm non cho biết: "Mình thấy đa phần đàn ông có 2 'vị trí' cốt lõi cần được thấu hiểu. 1 là những người thân yêu nhất của anh ấy, 2 là hình thức người bạn đời của anh ấy. Vì vậy mình luôn cố gắng đối nhân xử thế với nhà chồng thật tâm nhất. Thêm vào đó mình luôn yêu bản thân, chăm sóc bề ngoài để chồng không bao giờ thở dài mỗi khi nhìn thấy vợ dù sinh xong.

Đừng vin vào lý do thời gian với kinh tế không cho phép chúng ta đẹp. Phụ nữ chỉ có thể kém thời con gái 1 phần chứ không được kém 10 phần. Như mình, ngay từ đầu đã trao đổi rõ ràng với chồng. 'anh muốn em xinh đẹp thì anh phải hỗ trợ em việc nhà, chăm con'. Nếu đặt mọi thứ vào khuôn khổ càng sớm thì phụ nữ càng đỡ khổ. Bản thân mình không mong cầu hạnh phúc dài ngắn thế nào nhưng chỉ cần mỗi phút giây trôi qua cả 2 đều trân trọng".

Đúng như Trang chia sẻ, chẳng có người chồng nào sinh ra đã "ngoan", chỉ là chúng ta - những người phụ nữ tinh tế, khéo léo "rèn rũa" họ vào 1 quỹ đạo riêng. Cứ lạt mềm mà buộc chặt - sợ gì đứt dây.

 

Theo Pháp luật và bạn đọc

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang