Đã bao giờ chị em bỉm sữa nhìn các mẹ khác chuẩn bị bữa ăn dặm cho con chu đáo đến từng li từng tí mà cảm thấy buồn chưa? Có thể không phải là do các mẹ không làm được hay lười biếng mà đôi khi chúng ta quá bận rộn với công việc, rồi bù đầu việc nhà nên không có thời gian mà thôi.
Vậy thì làm thế nào để mẹ vẫn có thể hoàn thành tốt công việc mà vẫn tự tay chuẩn bị được cho con những bữa ăn ngon? Chia sẻ một bà mẹ bỉm sữa dưới đây có thể sẽ giúp được cho chị em nhiều điều.
Chị Anh Thy vừa đi làm hành chính, vừa làm nghề tay trái nhưng vẫn đích thân chuẩn bị các bữa ăn dặm cho con.
Chị Anh Thy (Biên Hoà, Đồng Nai) hiện đang là một nhân viên ngân hàng, song ngoài giờ hành chính, chị còn làm thêm một vài nghề tay trái khác.
Dù bận rộn như vậy nhưng chị Thy vẫn muốn tự tay làm từng món ăn cho con nên giải pháp mà chị lựa chọn trong thời điểm cho con ăn dặm chính là trữ đông tất cả những gì có thể. Cơm hộp cho bữa trưa sẽ được chị Thy làm sẵn từ sáng hoặc chiều hôm trước và bảo quản trong hộp kín, khi ăn sẽ lấy ra sơ chế lại (nếu cần).
Hẳn sẽ có nhiều mẹ không thích trữ đông đồ ăn cho con, muốn con ăn đồ tươi mới, nóng sốt nhưng điều này thực sự nằm ngoài khả năng của chị Thy nói riêng và những mẹ bỉm bận rộn khác nói chung. Hơn nữa, theo chị Thy đã có nhiều nghiên cứu khoa học cho rằng việc trữ đông không làm mất chất dinh dưỡng của thực phẩm, quan trọng là phải trữ đông đúng cách.
Vì thời gian eo hẹp nên chị Thy không thể mua đồ cho con mỗi ngày và mục tiêu của chị là mua rau củ sạch, thịt cá nuôi tự nhiên nên khi mua thường nhiều hơn 1 tuần ăn của con.
Trong giai đoạn con ăn dặm từ 6 - 19 tháng, chị Anh Thy đã đúc rút ra những kinh nghiệm quý báu về việc chuẩn bị một bữa ăn dặm nhanh gọn cho con, mẹ có bận mấy thì con vẫn có bữa ăn vừa ngon vừa đủ chất.
Rau củ
Rau củ mình trữ trong hộp mát kín, trữ đủ loại, ưu tiên ăn các loại rau lá trước, các loại củ ăn sau. Khi trữ phải để rau thật ráo và luôn lót 1 lớp giấy dưới đáy hộp cho thấm nước. Mỗi tuần lấy rau củ ra lau nước xung quanh củ và hộp, đổ nước đọng hoặc thay giấy ướt dưới đáy hộp là được.
Thịt cá
Thịt cá mình sẽ trữ hộp nhỏ vừa đủ trữ đông, chia ra bằng lá chuối, lá dứa, hoặc trữ có khoảng cách. Những loại thức ăn ít nước, có vỏ bọc như tôm, cá viên, tôm viên sẽ không cần chia, khi ăn sẽ lấy đủ lượng cần cho con và nấu thôi, không rã đông rồi tái trữ đông sẽ không tốt.
Bánh mặn ăn dặm
Những loại bánh mặn ăn dặm mình tự chế làm hơi mất thời gian mà con ăn mỗi lần có một ít nên mình sẽ làm một lần rồi trữ đông. Mình thường làm những món bánh có thể để được lâu và có đầy đủ dinh dưỡng trong một chiếc bánh. Chẳng hạn như món "Bánh tôm bí đỏ", nguyên liệu bánh gồm: Bột mì, tôm, bí đỏ, hành, tỏi, rau củ xay các loại... Một viên bánh là đủ các nhóm chất, bánh sau khi trữ đông vẫn có thể lấy ra từng viên dễ dàng, cho vào nồi chiên không dầu hoặc hấp là xong một bữa cho con.
Mình rất hay làm loại này dạng viên hoặc dạng thanh với chất đạm là tôm, gà, lươn, mực xay nhuyễn. Tinh bột thì dùng khoai lang, bí đỏ hấp nghiền nhuyễn, rau củ, nấm, hành, tỏi...
Chế biến
Mình hay làm 2 khay đá gồm 1 khay đạm (tôm, gà, nấm...) cắt nhỏ xào sẵn và 1 khay rau củ (cà rốt, bắp, bông cải...) cắt nhỏ.
Sáng dậy, mình lấy mỗi khay 1 viên để nấu nui, mì, bún, miến cho con, chỉ 10 phút là xong bữa sáng. Các viên này rất dễ làm và khi dùng rất tiện.
Buổi sáng và chiều con ăn nóng sốt, buổi trưa là cơm hộp, những món như bánh mì, pancake... thì mình không cần làm nóng. Những món cần làm nóng mình sẽ để nguyên hộp cơm cho vào xửng hấp hoặc ngâm nước ấm khoảng 15 phút là được!
Ngoài ra đồ ăn đã nấu chín cần đem đi chơi, hoặc nấu nhiều quá để dành hôm sau, bữa sau cũng trữ hộp kín, khi ăn lấy ra làm nóng lại. Cách làm nóng tốt nhất là để nguyên hộp ngâm trong nước nóng, như máy hâm sữa, thức ăn sẽ ấm lên từ từ, không mất chất. Mình không dùng lò vi sóng để hâm đồ ăn của con.
Bé dưới 1 tuổi mình không nêm muối, đường, nhưng con cũng được giới thiệu các vị khác nhau và ăn khá tốt như: đắng (khổ qua), hăng (hành, tỏi, gừng, curry), thơm (parsley, orgegano, basil,...), cay (tiêu, ớt paprika, ớt chuông, ớt tươi, cajun), ngọt (chà là, trái cây các loại,...), chua (cam, kiwi,...).
Công cụ hỗ trợ
Mọi người có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ người bận rộn rất tốt, tùy theo điều kiện kinh tế và nhu cầu thực tế của gia đình, ví dụ như:
- Các loại hộp bảo quản, túi silicon..., nhất thiết phải trữ đông bằng hộp để tủ lạnh sạch, gọn, dễ tìm và đảm bảo sức khỏe của mình và môi trường. Các mẹ tránh lạm dụng bịch nilon, màng bọc thực phẩm...
- Các loại máy móc xay điện và cơ.
- Nồi/chảo cho con đều dùng riêng, mình hay sử dụng nồi gang, chảo gang.
- Bình nước, chén bát, muỗng đũa cho con dùng riêng.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.