Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, ngày 06/6/2021, bệnh viện tiếp nhận thai phụ Nguyễn Thị H. (32 tuổi) trú tại xã Côn Lôn, huyện Na Hang, Tuyên Quang được người nhà đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, huyết áp tụt, nhịp tim nhanh, da tái nhợt, vã mồ hôi, bụng chướng...
Ngay khi chị H nhập viện, kíp trực khoa Cấp cứu đã thăm khám, nhanh chóng xử trí, hồi sức tích cực... đồng thời mời các Bác sỹ khoa Phụ sản hội chẩn. Bệnh nhân H được chẩn đoán chửa ngoài tử cung đã bị vỡ có choáng, được chỉ định phẫu thuật tối khẩn cấp.
Bác sỹ CKII Lê Minh Hải - Phó Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang (trưởng kíp mổ cho bệnh nhân H.) cho biết: Trong hơn 1 giờ, kíp phẫu thuật đã thực hiện hút ra gần 2 lít máu cục và máu loãng trong ổ bụng, kẹp cắt khối chửa và vòi tử cung trái, khâu cầm máu, phẫu thuật thành thành công, cứu được bệnh nhân H. qua cơn nguy kịch.
Bệnh nhân H được truyền bổ sung 4 đơn vị máu nhóm B trong khi phẫu thuật và sẽ cần phải thêm 2 đơn vị máu nữa sau mổ.
Hiện tại, sau phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh, các chỉ số sinh tồn ổn định, đang được theo dõi tích cực tại khoa PT-GMHS, sau đó sẽ chuyển về khoa Phụ Sản để tiếp tục điều trị.
Theo bác sĩ CKII Lê Minh Hải các bạn nữ nên chú ý đến chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, nếu như kinh nguyệt không đều hoặc thấy chậm kinh cần test thử thai, nếu dương tính thì cần đến khám bác sỹ sản khoa để được khám, siêu âm và tư vấn theo dõi thai kỳ.
Dấu hiệu thai ngoài tử cung bao gồm:
Chậm kinh: Chậm kinh là dấu hiệu bất cứ phụ nữ nào mang thai cũng có. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ mang thai ngoài tử cung thường có kinh nguyệt không đều, có tháng bị sớm, có tháng bị muộn nên rất khó nhận biết dấu hiệu này.
Ra máu âm đạo bất thường: Nếu phát hiện một chút máu hồng dính ở quần lót mà không phải thời điểm bị kinh nguyệt thì có thể bạn đã có thai. Tuy nhiên, ở người mang thai ngoài tử cung, hiện tượng ra máu này lại kéo dài, máu có màu đỏ thẫm. Chỉ có một số ít trường hợp mang thai ngoài tử cung không có dấu hiệu ra máu bất thường.
Nhiều phụ nữ lầm tưởng hiện tượng ra máu này chính là kinh nguyệt, nhất là khi ra máu trùng với thời gian có kinh. Cần phân biệt kỹ về màu sắc của máu, lượng máu chảy, độ loãng và độ đông đặc của máu có khác so với những lần kinh nguyệt trước không.
Đau bụng: Khi mang thai ngoài tử cung bạn sẽ thấy đau bụng tại vị trí thai làm tổ, đau bụng dưới. Nhiều người còn bị đau bụng mót rặn giống như táo bón. Tình trạng đau bụng kéo dài, đau âm ỉ khó chịu, đôi lúc có thể đau dữ dội kèm chảy máu âm đạo. Mức độ đau bụng sẽ tăng dần theo thời gian do thai ngoài tử cung phát triển.
Nếu thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như đau bụng, chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân... cần đến ngay cơ sở y tế có các y bác sỹ chuyên sâu về Sản phụ khoa (như Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang) để được thăm khám, tìm nguyên nhân và được tư vấn điều trị sớm, tránh những taibiến xảy ra.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.