Khi bị phản bội dù đau và điên lắm nhưng nhất định không được "xách quần sống mái" với tình địch, bỏ qua chuyện cao thượng đi, thứ quyền lợi sát sườn này đáng nói hơn!

Câu thần chú 'không được đánh khách hàng' lần này áp dụng là 'không được đánh tình địch', nhưng làm thế nào để nó hiệu quả khi đang cảm thấy tăng xông thực sự...

Khi vụ đánh ghen đòi xe Lexus 8 tỷ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì những quan điểm xung quanh chuyện đánh ghen hay không, nên đánh ai, buông luôn hay làm cho ra ngô ra khoai... vẫn đang được tranh cãi.

Tác giả Kim Oanh, người viết cuốn "Yêu đi đừng sợ" đã có 1 góc nhìn khá thú vị xung quanh vấn đề này. Chị không cho rằng phụ nữ dù dễ mất bình tĩnh khi thấy cảnh chồng phản bội, dễ trút hận lên "tiểu tam" nhưng không nên đánh ghen. Không phải vì những lý do cao thượng hay cao siêu gì cả mà vì thực tế này... Đừng cho kẻ thứ ba biến thành nạn nhân đáng thương.

Khi bị phản bội dù đau và điên lắm nhưng nhất định không được
 

Kim Oanh bày tỏ:

Đau và điên dễ khiến phụ nữ không làm chủ được tình thế...

"Ngày xưa mình ít khi quan tâm đến những vụ oánh ghen ầm ĩ mạng xã hội. Chắc tại hồi đấy thấy chuyện chồng con còn xa vời lắm nên kệ. Thiên hạ nói gì, share gì, chửi rủa gì thì mình vẫn chỉ dừng lại ở mức độ hóng hớt.

Từ hồi lấy chồng thì khác, tự dưng sau một màn kí giấy cái roẹt, mình leo lên hàng “chính thất” như cách mà các bà vợ thường tự gọi về họ trong mỗi câu chuyện tay ba. Từ đấy, thỉnh thoảng mình cũng tưởng tượng ra viễn cảnh nếu một ngày chồng mình léng phéng thì sẽ như thế nào, rồi thì là tưởng tượng luôn ra cả diễn biến tâm lý nhân vật chồng lẫn nhân vật bồ sẽ ra sao. Tưởng tượng nhiều quá, có đêm nằm mơ chồng đi với gái, ngủ dậy chiến tranh lạnh cả một tuần vì bực mình.

Thực ra mỗi khi có những vụ đánh ghen gây rúng động, dư luận luôn chia làm hai phe: một là ủng hộ người vợ đánh ghen, hai là phê phán việc đánh ghen nhân tình mà không đánh chồng, hoặc là phê phán là đánh làm gì để tổn thương con cái, tổn thương cha mẹ. Ừ biết là thế, nhưng khổ, khi rơi vào trạng thái bị cắm sừng, con người ta chỉ có đúng hai cảm giác: đau và điên. Nhiều khi cũng biết là đi đánh ghen xong là tan nát hết đấy, nhưng lúc đấy cay quá, không bình tĩnh nổi, thế là xách quần lên đường sống mái với nhau một phen thôi".

Đấy phụ nữ thường tình, dù muốn bình tĩnh cũng không nổi nên dễ hành động theo cảm xúc mà "túm cổ" kẻ thứ 3 mà xử. Nhưng...

Không cho "tiểu tam" có cơ hội đóng vai... nạn nhân, bạn mới đang là nạn nhân cơ mà

"Sau rồi mình ngồi nghĩ: ờ công nhận lúc bình thường, không sóng gió như này, mình đương nhiên sẽ nghĩ là có chết cũng không bao giờ đánh ghen, không bao giờ thèm tấn công tình địch. Thế lỡ mà chuyện đó xảy ra với mình thật thì mình sẽ phải làm thế nào để kiềm chế nhỉ? Nghĩ đến con cái, bố mẹ, bộ mặt ư? Trong cơn giận, người ta thường có nhiều lí do để tự biện hộ cho quyết định của mình lắm, nên mình không đủ tự tin là lúc đấy mình có thể nghĩ tới người khác mà dừng bản thân được. Lúc ý chắc chỉ muốn đì chết tiểu tam thôi mặc dù ai chẳng biết chồng mới là người có lỗi. À vậy thì lúc ý, các chị em hãy nghĩ tới việc: làm gì để bản thân mình không bị thiệt và không vô tình tạo lợi thế cho tình địch nhé!

Khi xảy ra chuyện ngoại tình trong hôn nhân, thường sẽ có hai hướng chúng ta phải lựa chọn để giải quyết: 1 là tiếp tục hôn nhân hay còn gọi là tha thứ; 2 là li dị, chia tay luôn. Nếu các bạn chọn tiếp tục thì đánh ghen là hành động đẩy chồng về phía tiểu tam nhanh nhất. Cuộc đời này vốn dĩ lúc nào cũng bênh vực kẻ yếu các bạn ạ.

Khi bạn dùng vũ lực tấn công một phụ nữ khác trước mặt một người đàn ông, một điều đương nhiên là bạn tự biến mình thành “kẻ mạnh” và cho tiểu tam cái quyền được làm “kẻ yếu”, được làm “nạn nhân”, được giương ánh mắt yếu đuối ra nhìn chồng bạn cầu cứu, và lúc này, chồng bạn tự dưng lại đóng vai anh hùng ra tay cứu mỹ nhân.

Khi bị phản bội dù đau và điên lắm nhưng nhất định không được
 

Vâng, mặc dù tất cả cộng đồng mạng đứng về phía bạn, mặc dù toàn bộ chị em phụ nữ ở Việt Nam bảo vệ bạn thì trong mắt người chồng kia, bạn lại đang đóng vai ác. Ơ kìa, tỉnh táo lại xem nào: bạn mới là nạn nhân cơ mà? Đừng nhé, đừng bao giờ cho phép tiểu tam chiếm vai của mình. Nếu muốn kéo chồng về (ờ thực ra mình cũng chẳng ủng hộ việc kéo một người đàn ông phản bội về nhưng đó lại là lựa chọn phổ biến của rất nhiều phụ nữ nên mình cứ phân tích thôi, đừng ai bảo là “ủa chồng ngoại tình còn kéo về làm chi” nhé), ừ nếu muốn kéo về thì việc đầu tiên, đừng bao giờ cho phép tiểu tam đóng vai nạn nhân và ở vị thế yếu đuối, cần được che chở, cần được bảo vệ.

Mỗi lần muốn lên đường đi đánh tiểu tam thì cứ nghĩ đến việc: mình làm thế là có lợi cho tiểu tam, mình làm thế là có lợi cho tiểu tam. Cứ nghĩ đến thế bảo đảm bạn sẽ không muốn đánh nữa!".

Không phải là không đánh kẻ thứ 3 vì "sợ bẩn tay" hoặc lý do cao thượng nào đó mà là vì đánh ghen dù kẻ thứ 3 có đau nhưng lại dễ mang lại cho cô ả lợi thế. Ấy là lợi thế của kẻ yếu đuối đáng thương. "Ối anh ơi đau quá" và thế là có khi ông chồng lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay luôn với người vợ tào khang để "giải cứu chú thỏ non đáng thương", đau xót nào hơn?

Có thể gây thương tích sẽ bị truy tố hình sự

"Còn nếu bạn chọn chia tay thì sao? Như đã nói ở trên, xã hội này luôn bảo vệ những kẻ yếu thế. Việc đóng tròn vai nạn nhân sẽ mang lại cho bạn rất nhiều quyền lợi trong việc phân chia tài sản, giành quyền nuôi con, được sự ủng hộ từ hai bên nội ngoại. Chưa kể, trong các loại tấn công thì tấn công về thể chất là mức độ kém hiệu quả nhất.

Này nhé, nếu bạn gây thương tổn cho cô kia trên 11%, bạn sẽ bị truy tố hình sự, còn nếu dưới 11% thì dăm ba hôm là lành lại ngay, một vài vết xước, vết bầm có khi còn khiến cô ấy trông tội nghiệp và tròn vai nạn nhân hơn ấy chứ. Nếu bạn muốn trả thù bằng được thì cũng chẳng thiếu cách và chi bằng hãy chờ tới khi thủ tục xong xuôi, quyền lợi đã được giành trọn, lúc bấy giờ bạn làm gì cũng chưa muộn (tất nhiên nếu đã máu đến mức đó thì cũng phải xác định hậu quả pháp luật bạn có thể gánh nhé. Kể cả bạn đi thuê người thì khi bị tóm, kẻ chủ mưu vẫn tội nặng nhất. Dám chơi dám chịu, nếu thấy đáng và dám chịu hậu quả thì cứ chơi thôi".

Quyền nạn nhân... thuộc về bạn

"Đấy, nên thôi các bạn ạ. Mình thì trước giờ chưa bao giờ ủng hộ oánh ghen, tại mình nhát gan với cả cũng sợ trả giá. Giờ lấy chồng xong mình có thêm lí lẽ mới, không đánh ghen để không đẩy mình vào thế bất lợi. Khi một người ghen, mình ít khi khuyên họ phải nghĩ tới con cái, cha mẹ, bộ mặt hay tình cảm vợ chồng lắm; vì khi có một cái chân bị đau, người ta chỉ nghĩ được tới mỗi cái chân đau đó thôi, làm gì nghĩ được những thứ khác. Thế nên, hãy nghĩ về quyền lợi của chính mình các bạn nhé, và nếu cay cú cô bồ thì hãy nghĩ tới việc làm sao để không cho phép cô ta là nạn nhân trong bất cứ câu chuyện nào.

Bởi vì khi bạn bị phản bội, chỉ có bạn là người có quyền được làm nạn nhân mà thôi, dù là trong mắt ông chồng hay trong mắt thẩm phán phiên tòa Ly Hôn. Vậy nhé!".

Khi bị phản bội dù đau và điên lắm nhưng nhất định không được
 

Vậy thì khi biết chồng có bồ, đừng đi tìm gặp hay dằn mặt tình địch, hãy chuyển 1 hướng khác vui tươi, tích cưc và đặc biệt... chủ động hơn. Ấy là đi tìm gặp luật sư. Thứ nhất là bạn sẽ kiềm chế được cảm xúc để không đánh ghen. Thứ 2 bạn sẽ có câu trả lời tốt nhất cho việc phân chia tài sản, con cái. Thứ 3 nó khiến bạn chủ động cho việc chấm dứt hay giữ lại cuộc hôn nhân này. Thứ 4 hình ảnh mình vẫn đẹp, trong mắt chồng thì anh ta mới là kẻ gây tội, trên MXH bạn cũng không bị hình ảnh quần áo xô xệch, mắt mũi long sòng sọc lưu truyền muôn đời sau.

Vì thế, phát hiện hay gặp chồng đang bên bồ. Phụ nữ hãy nhớ tuyệt đối đừng đánh ghen. Không cần cao thượng đâu nhưng lợi ích chính mình là trên hết. Đừng mang đến cho mình những điều bất lợi chỉ vì người mà bạn cho rằng đang "cướp chồng" bạn. Chẳng phải họ cũng rất xứng đáng với nhau đó sao?

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang