Không ăn tết nhà ngoại để giữ nề nếp gia phong

'Khi đã là một phụ nữ trưởng thành, tôi nhận thấy rằng, nề nếp gia phong lại là thứ vô cùng cần thiết trong một gia đình. Vì nếp nhà, tôi sẵn sàng từ bỏ ý muốn của mình để nhường chỗ cho sự hòa hợp, để sống “tùy duyên, thuận pháp”...

Xem việc ăn Tết ở nhà ngoại là lẽ... đương nhiên

Dư luận đang nóng về chuyện Tết nội - Tết ngoại khiến tôi thấy cần phải viết ra những điều mà tôi đúc rút trong mối quan hệ vợ chồng thông qua việc... về Tết. Tôi lấy chồng được hơn 10 năm, có hai con. Trước đây, cũng vì chuyện Tết nội, Tết ngoại mà gia đình tôi chẳng mấy khi được ăn cái Tết vui vẻ.

Bố tôi mất khi tôi vừa sinh đứa con đầu lòng được ít tháng. Các anh, chị tôi đều đi làm ăn xa nên từ ngày bố tôi mất, dường như Tết nào tôi cũng đưa các con về quê ngoại ăn Tết. Mặc dù quê ngoại xa hàng trăm cây số, con còn nhỏ nhưng vì thương mẹ vò võ một mình nên tôi nghiễm nhiên nghĩ rằng, việc cả nhà về ăn Tết quê ngoại là lẽ đương nhiên.

Ba năm đầu kết hôn, năm nào mẹ con tôi cũng ăn Tết ở quê ngoại. Chồng tôi thường thuê xe đưa mẹ con tôi về quê ngoại ăn Tết còn riêng chồng tôi thì ăn Tết ở quê nội. Nhà của vợ chồng tôi ở Hà Nội thì khóa lại.

Thế nhưng, cũng vì chuyện ăn Tết mà mỗi người một nơi nên tình cảm vợ chồng tôi cũng vì thế mà cứ nhạt dần. Mỗi lần vợ chồng có chuyện xích mích, cãi cọ, chồng tôi đều cho rằng tôi ích kỷ. Nghe chồng nói vậy tôi ấm ức vô cùng vì nghĩ rằng hàng ngày mình đã hết lòng hết dạ với chồng con.

Tôi đã khổ vì chồng tôi nhiều nhưng khi cãi nhau, bao giờ chồng tôi cũng cho rằng mình đúng. Anh ấy nói tôi vô tâm nhưng không bao giờ nói ra miệng việc mẹ con tôi đã sai khi thường xuyên về ăn Tết bên ngoại. Mãi mấy năm sau đó, khi mâu thuẫn vợ chồng được giải quyết ổn thỏa. Quan hệ vợ chồng tôi trở nên hòa hợp và bình yên hơn thì tôi mới nhận ra cái sai của mình.

Khi tôi chín chắn và biết suy nghĩ hơn, tôi mới nhận ra mình vô tâm khi năm nào cũng về ngoại ăn Tết. Biết rằng hoàn cảnh gia đình mình neo người nhưng tôi đã vô tâm đón nhận sự quan tâm của chồng mà không hay biết rằng điều đó đã làm chồng tôi cảm thấy chạnh lòng.

Sau này vì thấy việc mình là con gái mà cứ lo trách nhiệm với bên ngoại như con trai trưởng trong nhà cũng không hay nên tôi đã nói với anh, chị mình cố gắng thu xếp công việc để về ăn Tết với mẹ.

Thay đổi thái độ, thay đổi cuộc đời

Kể từ đó, năm thì tôi ăn Tết ở Hà Nội, năm thì ăn Tết ở nhà nội. Suốt nhiều năm tôi chưa có cái Tết nào ở nhà ngoại cả. Tết năm ngoái, cả gia đình nhỏ của chúng tôi cũng ăn trọn một cái Tết ở nhà nội. Năm nay tôi có ý định về quê ngoại ăn Tết từ cách đây gần nửa tháng.

Tuy nhiên tôi mới chỉ gửi thông điệp đó qua người khác chứ chưa nói chuyện trực tiếp với chồng. Cách đây khoảng 1 tuần chồng tôi lại bàn với tôi kế hoạch năm nay về quê nội ăn Tết. Tôi bảo: Tùy chồng, vợ thì ăn Tết ở đâu cũng được. Vợ cũng thích ăn Tết ở quê nội hơn, vì vừa gần vừa tiện mà các con cũng vui. Nhưng lâu lắm rồi em không về quê ngoại. Năm nay mà không về ăn Tết quê ngoại, mọi người ở quê lại thắc mắc “không biết con bé này đi lấy chồng thế nào mà lâu rồi không thấy về”.

Chồng tôi sau một hồi suy nghĩ liền nói: Vậy thì ăn Tết ở nhà nội, mùng 3 Tết sẽ về quê ngoại. Vợ yên tâm là ở quê ai cũng thấy không có ai lấy được một ông chồng tốt như anh. Nếu không sợ mệt thì năm nay sẽ về ngoại nhưng vẫn phải ăn Tết ở nhà nội, mùng 3 mới về ngoại được.

Đương nhiên là tôi đồng ý với kế hoạch của chồng. Bởi tôi hiểu rằng, chồng tôi dù không đặt nặng Tết bên nội hay bên ngoại nhưng anh ấy muốn duy trì nề nếp gia phong cho chính gia đình mình. Không chỉ tôn trọng mà tôi nhận thấy điều đó là cần thiết. Nếu là ngày mới lấy nhau thì tôi cũng hiếu thắng đòi về ngoại cho bằng được từ trước Tết.

Nhưng bây giờ, tôi đã là phụ nữ 40, đã qua cái tuổi nông nổi trẻ con, hiếu thắng và cả vô tâm. Phụ nữ 40 hiểu rằng, khi đã làm vợ, làm mẹ thì sự hòa thuận trong gia đình mà ở đây là sự hòa thuận của vợ chồng được đặt lên hàng đầu.

Phụ nữ 40 cũng hiểu rằng, hạnh phúc hoàn toàn không thể dựng lên từ ý muốn cá nhân bởi trong một gia đình không chỉ có một cá nhân mà là 2, là 3, là 5 thậm chí còn nhiều cá nhân hơn thế nữa. Nếu cứ lấy cái ý muốn của mình làm trung tâm thì mỗi người sẽ đi về một nẻo, cũng giống như những cái Tết mà chồng một nơi, vợ một nẻo như hồi chúng tôi mới lấy nhau vậy.

Tôi không cổ súy cho tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ: “Con gái là con người ta”, là “xuất giá tòng phu”. Tôi cũng không nghĩ rằng, việc ăn Tết nội hay ngoại cứ phải nhất nhất làm theo một khuôn mẫu cứng, cho dù đó là những khuôn mẫu chuẩn mực như “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”.

Nhưng khi đã là một phụ nữ trưởng thành, tôi nhận thấy rằng, nề nếp gia phong lại là thứ vô cùng cần thiết trong một gia đình. Vì nếp nhà, tôi sẵn sàng từ bỏ ý muốn của mình để nhường chỗ cho sự hòa hợp, để sống “tùy duyên, thuận pháp”, để niềm hạnh phúc của mình không phải là hạnh phúc của cá nhân mà còn là hạnh phúc của cả một gia đình, trong đó có chồng và các con.

Qua bản thân mình tôi thấy rằng, thực ra Tết nội hay Tết ngoại không hề quan trọng, quan trọng là sự hòa thuận của hai vợ chồng. Chỉ có sự hòa thuận, hợp lẽ mới có thể mang lại một cái Tết thực sự vui vẻ, đầm ấm.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang