Làm gì khi con quá sợ bác sĩ?

(lamchame.vn) - Bé có vấn đề về sức khỏe, nhưng cứ nhắc đến hai tiếng “bác sĩ” là con lại khóc thét, giằng co. Làm thế nào để bác sĩ khám cho con, làm thế nào để con chịu uống thuốc hay để cho bác sĩ tiêm ? Chuyện tưởng chừng nhỏ nhưng khá đau đầu với cha mẹ.

Hãy thông cảm với con

Trước hết, nên phân tích vì sao con sợ bác sĩ để có thể bình tĩnh và thông cảm với con. Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, sức khỏe và thái độ có liên quan đến nhau. Khi trong người không khỏe, các bé sẽ dễ tỏ ra cáu gắt, nhõng nhẽo hoặc hung hăng. Bé không còn hiếu động như mọi khi. Gặp người lạ, bé trở nên thụ động và nhút nhát, lo lắng và phản ứng dữ dội.

Kinh nghiệm đau thương từ những mũi tiêm có thể là nguyên nhân khiến bé sợ bác sĩ (ảnh minh họa)

Một lý do rất thường thấy ở hầu hết các em bé đó là “kinh nghiệm thương đau” từ những lần đi khám bệnh trước đó. Bạn hãy nhớ lại xem, có lần nào bạn nói dối con là “tiêm không đau chút nào” “thuốc này ngọt như kẹo” chưa? Chính vì sự thật không như những lời dỗ dành ngon ngọt của người lớn nên bé cảm thấy bất an khi phải vào viện lần nữa.Lý do khác có thể do trẻ nhỏ không thích chờ đợi. Phải chờ đợi quá lâu, phải ngồi một chỗ đợi tới lượt khám cũng khiến bé không thoải mái, quấy khóc hoặc quậy phá.

Nghệ thuật của cha mẹ

Theo các chuyên viên tâm lý, trước khi đưa bé đi khám bệnh, cha mẹ nên chuẩn bị sẵn tâm lý cho trẻ. Cha mẹ phải nói thẳng với bé sẽ đến bệnh viện khám bệnh. Tuyệt đối không nói dối rằng đưa con đi chơi hay đi đâu đó để bé thích. Hãy trấn an con bằng cách miêu tả bác sĩ rất hiền, rất thương con và làm cho con hết bệnh.

Đừng để con phải đi khám bệnh với người giúp việc hay ông bà, bạn hãy  thu xếp công việc và đích thân đưa con đi. Nếu trẻ nhìn thấy bố hay mẹ và cảm giác bố mẹ mình thoải mái ở một nơi mới, tỏ ra tin tưởng bác sĩ, thì chúng cũng an tâm hơn.

Hãy ở bên con trong suốt quá trình khám bệnh (ảnh minh họa)

Cha mẹ nên nhớ, hầu hết các bé rất sợ những mũi tiêm. Nhưng không vì thế mà nói dối con là “sẽ không phải tiêm” hay những câu “con đừng sợ” “tiêm không đau đâu” hoặc “không được khóc”. Bởi chính những câu nói đó sẽ khiến con cảm thấy bất an, giống như “hiểm họa đang đến gần”. Thay vì thế, hãy nói rằng ba/mẹ biết con không thoải mái nhưng điều đó sẽ qua nhanh và ba mẹ sẽ ở bên con trong suốt thời gian này. Khi rời khỏi phòng bác sĩ, hãy ôm con, hôn con một cách âu yếm và khích lệ như "con đã làm rất tốt. Ba/mẹ muốn kể ngay với bà hay bố là con đã can đảm như thế nào".Bạn nên mang theo một món đồ chơi yêu thích của con, một cuốn truyện tranh…để giúp con bình tĩnh trong khi phải chờ tới lượt khám. Bởi nếu con chú ý đến cảnh vật xung quanh, thấy thái độ của những em bé khám trước đó…bé sẽ bị phân tâm và bắt đầu cảm thấy lo lắng, sợ hãi.

Một điều quan trọng, bản thân cha mẹ cũng cần phải tỏ ra thật bình thản, tự tin. Khi phụ huynh dẫn bé đi khám bệnh mà tâm trạng rối bời, lo lắng, hoang mang thì bé cũng cảm nhận được và sẽ lo lắng sợ hãi hơn. Phụ huynh hãy cười với bé, tỏ ra thoải mái, điềm tĩnh. Như vậy bé sẽ dễ chịu và nghe lời. Lần đi khám bệnh sau, bé sẽ yên tâm và can đảm hơn. Nỗi sợ bác sĩ và bệnh viện của bé sẽ không còn là vấn đề to tát với cha mẹ nữa.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang