Lễ hóa vàng Tết Kỷ Hợi 2019 chuẩn bị ra sao, vào ngày nào cho hợp lý?   

(lamchame.vn) - Ở Việt Nam tục hóa vàng để tiễn gia tiên về trời, sau những ngày về ăn Tết với con cháu đã có từ xa xưa và trở thành tục lệ. Đây cũng là một trong những nét đặc trưng trong văn hóa Tết cổ truyền của người Việt.       

Thông thường, việc chọn ngày làm lễ hóa vàng tùy thuộc vào mỗi gia đình, chủ yếu từ mùng 3 đến khoảng mùng 10 Tết Nguyên đán. Tuy nhiên cũng có nhà văn hóa cho rằng, mùng 3 vẫn là ngày Tết Thầy, nên để tổ tiên vẫn ở lại ăn Tết với con cháu. Mùng 4 và mùng 5 mới là ngày các gia đình nên tiễn các cụ về cõi vĩnh hằng.  

Trong cuốn "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính khi viết về Tết Nguyên đán có thuật lại, có nhà ăn Tết một hôm có nhà ăn Tết ba hôm, có nhà ăn đến bảy hôm, nhưng phần nhiều là ăn Tết ba hôm. 

Đến ngày mồng 4 thì hóa vàng. Ngày ấy xấu hay là chạm phải ngày tuổi chủ nhà thì hóa trước sau một ngày cũng được, có nhà để đến mồng 7 mới hóa vàng, gọi là ngày cúng tiễn ông vải. Hôm ấy con cháu họp đông đủ mà ăn uống vui vầy với nhau. 

Theo dân gian, ngày mồng 10 âm lịch được gọi là ngày vía thần tài, nên người ta khuyên gia chủ nên tiến hành lễ hóa vàng trước ngày này.
Trong cuốn Văn khấn Nôm truyền thống (tái bản có bổ sung, NXB Thanh Hóa) của cố Thượng tọa Thích Viên Thành có viết "lễ hóa vàng vào ngày mồng 3 hoặc ngày khai Hạ mồng 7 Âm lịch".

Điều quan trọng nhất là phải có lễ tạ gia tiên, gia thần và chư vị thánh thần, phật. Theo quan niệm dân gian, có lễ tạ thì tấm lòng của chủ nhà mới được người âm chứng giám. 

Sau khi lễ, các gia chủ sẽ hóa vàng. Phần tiền, vàng của gia thần phải hóa trước, tiền vàng, đồ dùng của tổ tiên hóa sau. Tục xưa, tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt vài cây mía dài. Dân gian cho rằng đây là đòn gánh để các linh hồn dùng làm gậy chống, hay mang hàng hóa. 

Lễ vật dâng cúng trong lễ tạ năm mới cũng đơn giản, gồm: Nhang, hoa, ngũ quả; Trầu cau, rượu, đèn nến, bánh kẹo; Mâm lễ mặn hoặc chay cùng các món ăn ngày Tết đầy đủ, tinh khiết.

Văn khấn lễ hóa vàng (lễ tạ năm mới) theo cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam: 
- Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)
- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương
- Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ. Chư vị Tôn thần
- Con kính lạy Ngài Đương niên hành khiển, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch Tôn thần.
- Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.
Hôm nay là ngày mùng 3 tháng giêng năm …………………
Chúng con là: ……………………………tuổi………………
Hiện cư ngụ tại ……………………………………………….
Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh.
Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được bách sự như ý, vạn sự bình an, tài lộc song toàn, gia đạo hưng vượng. 
Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần).

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang