Khi giun trưởng thành đẻ trứng, trứng theo phân các loài động vật này thải ra trong môi trường nước biển. Lúc này ấu trùng giun ở giai đoạn 1 và 2 sẽ bơi tự do trong nước. Sau đó, một số loài tôm, mực, bạch tuộc sẽ ăn phải ấu trùng này. Và đến lúc cá heo, cá voi, sư tử biển, hải cẩu, hải mã ăn lại các loài này thì ấu trùng sẽ phát triển thành giun Anisakis.
|
Còn ở người, nếu ăn phải các loại động vật nhiễm ấu trùng giun Anisakis, chủ yếu do ăn gỏi cá sống, tôm chấm mù tạt, ăn sushi cá hồi sống, hàu vắt chanh, lẩu bạch tuộc tái... thì ấu trùng sẽ vào niêm mạc dạ dày, ruột non gây đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy... giống như triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, một số người còn nổi mề đay.
Nhiều nghiên cứu ghi nhận người bệnh nhiễm giun Anisakis do ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín có chứa ấu trùng giun Anisakis; nhiều nhất là ở Nhật Bản, Hà Lan và Tây Ban Nha. Nếu như người Nhật ăn món cá sống từ món sushi và sashimi, thì ở Hà Lan ăn cá trích sống với 12.000 trường hợp mắc bệnh được thông báo.
Giun trưởng thành có kích thước từ 2-4cm. Cơ thể có lớp tế bào tiết ra lớp biểu mô bảo vệ cơ thể thoát khỏi các dịch tiêu hóa của động vật mà chúng ký sinh. Ấu trùng giun Anisakis thường gây bệnh sau vài giờ ăn thực phẩm không nấu chín hoặc sau 1-2 tuần vào cơ thể người.
|
Hiện Tổ chức Y tế thế giới xếp loại nhiễm giun Anisakis vào nhóm bệnh bị lãng quên, đặc biệt tại Việt Nam tỷ lệ người nhiễm bệnh chưa nhiều nên chưa được quan tâm. Với người nhiễm bệnh Anisakis, khi xét nghiệm sẽ thấy bạch cầu ái toan trong máu (biểu hiện của bệnh ký sinh trùng) tăng 30% – 40 % so với người bình thường dưới 5%.
Ấu trùng giun Anisakis có thể dễ dàng ngăn ngừa bằng cách nấu chín thức ăn ở nhiệt độ > 60 độ C hoặc đóng băng thực phẩm; việc ướp muối sẽ không giết chết ký sinh trùng.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.