Mát xa và tắm cho bé vào mùa đông, bác sĩ lưu ý những điều cực quan trọng để con không bị nhiễm lạnh

Sức đề kháng của trẻ đa phần chưa được hoàn thiện như người lớn, bởi vậy, khi nhiệt độ thay đổi đột ngột sẽ khiến trẻ rất dễ ốm. Đây là thời điểm các mẹ nên hết sức lưu ý trong việc bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân xấu gây bệnh từ môi trường bên ngoài.

Từ tối 29/12, khối không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội cùng các tỉnh miền bắc, khiến nền nhiệt đột ngột giảm xuống mức rất sâu duy trì ở mức nhiệt thấp kể từ đầu mùa Đông đến nay, thậm chí có thể so sánh với những đợt rét kỷ lục của các năm trước. Kiểu thời tiết hiện nay được các chuyên gia y tế đánh giá là gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Để đảm bảo sức khỏe cho con trong những ngày nhiệt độ giảm sâu, hãy cùng trò chuyện với bác sĩ Đoàn Thị Mai, nghiên cứu sinh khoa Y trường Saint-Petersburg State University (Nga) để biết cách chăm sóc trẻ đúng chuẩn vào mùa đông nhé!

Mát xa và tắm cho bé vào mùa đông, bác sĩ lưu ý những điều cực quan trọng để con không bị nhiễm lạnh - Ảnh 1.

Bác sĩ Đoàn Thị Mai – NCS khoa y trường Saint-Petersburg State University.

Vào những ngày đông lạnh giá, chúng ta có nên ngừng mát-xa cho bé hay không?

Vào mùa đông, chúng ta càng nên mát-xa cho bé. Lý do là bởi, mát-xa giúp lưu thông các mạch máu, từ đó giúp trẻ khỏe mạnh tăng sức đề kháng.

Tuy nhiên, khi mát-xa cho bé, các mẹ cần chú ý trong việc giữ ấm cho trẻ bằng việc duy trì nhiệt độ phòng ổn định trong khoảng 24-26 độ, có thể sử dụng máy sưởi để tăng độ ấm cho phòng. Ngoài ra nên rửa sạch tay, tháo bỏ toàn bộ trang sức, làm ấm tay và sử dụng dầu mát-xa của trẻ em để bảo vệ làn da non nớt của bé.

Khi thời tiết chuyển lạnh, nhiều mẹ cho rằng nên sử dụng dầu mù tạt thay vì dầu dừa để làm tăng tác dụng giữ ấm cho bé, điều này có đúng hay không thưa bác sĩ?

Việc chọn lựa dầu mát-xa cho trẻ bố mẹ cần hết sức cẩn trọng, bởi vì da bé vô cùng non nớt, nhạy cảm, đặc biệt là da em bé dưới 6 tháng tuổi.

Mỗi một loại dầu sẽ phù hợp với làn da khác nhau: da khô, da dầu, da nhạy cảm, da hỗn hợp… Và thực sự là quá khó để chúng ta xác định được con chúng ta thuộc kiểu da nào. Vì thế nên hãy dùng các loại dầu mát-xa chuyên dụng cho trẻ em được các công ty lớn và uy tín nghiên cứu, sản xuất.

Với câu hỏi có nên dùng dầu mù tạt để mát-xa cho bé vào mùa đông hay không, tôi có thể trả lời các bạn rằng: mục đích của việc mát-xa đó là hành động chà xát nhẹ nhàng trên da bé và nhiệt độ của lòng bàn tay chúng ta sẽ giúp làm ấm da bé, đồng thời giúp lưu thông mạch máu chứ không phải bôi tinh dầu để giữ ấm trên da.

Mát xa và tắm cho bé vào mùa đông, bác sĩ lưu ý những điều cực quan trọng để con không bị nhiễm lạnh - Ảnh 3.

Theo BS Đoàn Thị Mai, lưu ý quan trọng nhất trong việc mát-xa cho trẻ vào mùa đông chính là phải đảm bảo không gian đủ ấm cho trẻ, đề phòng nhiễm lạnh.

Sau khi mát-xa, chúng ta còn cần tắm lại sạch sẽ cho bé để dầu thừa không gây bít tắc lỗ chân lông làm viêm da trẻ. Như vậy, việc lựa chọn dầu mù tạt các bạn có thể thử nghiệm với bé từ 6 tháng tuổi trở lên. Trước khi sử dụng cho bé cần test trên da trước (vùng cẳng tay hoặc mu bàn tay) để biết bé có bị dị ứng hay không. Thực tế thì dầu mù tạt cũng là một loại dầu dễ kích ứng và gây khô da, tuy nhiên với những em bé có da nhạy cảm như chàm sữa thì không nên dùng loại dầu này.

Những ngày rét đậm có nên tắm cho bé không bác sĩ, và làm thế nào để giữ ấm cơ thể cho bé trong lúc tắm vào mùa đông?

Để giữ ấm cho bé khi tắm vào mùa đông cần chú ý những điều sau:

Số lần tắm trong tuần nên từ 2-3 lần, tức là cách một vài ngày bạn có thể tắm cho bé một lần. Tuy nhiên quần áo thì cần phải thay mới hàng ngày cho bé, đặc biệt là lớp quần áo lót trong cùng, vì bé hoạt động và đổ mồ hôi nhiều, quần áo sẽ bị ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gây nứt nẻ ngứa da, viêm da. Vì vậy nên các mẹ cần thay đồ mới để đảm bảo sạch sẽ khô thoáng da cho bé, ngay cả khi không tắm.

Thời điểm tắm cho bé nên vào khoảng khung giờ từ 13-16 giờ chiều, lúc này thời tiết thường ấm nhất và thân nhiệt bé cũng ổn định. Ngoài ra không tắm lúc bé đói bụng, cũng không tắm lúc ăn no và lúc bé vừa ngủ dậy, vì lúc này thân nhiệt bé hơi thấp và chưa ổn định.

Thời gian tắm chỉ cần khoảng 5-7 phút, còn trẻ sơ sinh đến dưới 3 tháng chỉ cần 3-5 phút là đủ. Chú ý khi tắm để nước ấm ngập đến vùng vai bé sẽ đảm bảo giữ ấm, không làm bé bị nhiễm lạnh.

Địa điểm tắm là trong phòng kín, nhiệt độ ổn định, duy trì ở mức trên 24 độ, không có gió lùa. Các mẹ có thể sử dụng thêm máy sưởi để làm ấm không gian khi bé tắm.

Thêm nữa, sau khi tắm xong cần nhanh chóng lau khô, ủ ấm người, bôi kem dưỡng ẩm và mặc quần áo cho bé. Ít nhất 30 phút sau bé mới được ra khỏi phòng.

Mát xa và tắm cho bé vào mùa đông, bác sĩ lưu ý những điều cực quan trọng để con không bị nhiễm lạnh - Ảnh 5.

Bôi kem dưỡng ẩm cho bé được coi là một việc làm cần thiết sau khi tắm để đề phòng khô da, góp phần hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về da (Ảnh minh họa).

Bác sĩ có thể hướng dẫn cách mặc quần áo thích hợp nhất cho trẻ nhỏ vào mùa đông?

Dù là mùa đông hay mùa hè thì em bé của chúng ta cũng sẽ đổ mồ hôi rất nhiều. Vì vậy cần chọn lựa quần áo có tính mềm mại thấm hút mồ hôi tốt và thông thoáng, ví dụ như chất liệu cotton.

Vào mùa đông cần mặc đủ ấm nhưng phải thoáng khí. Ở trong nhà, mẹ có thể cho bé mặc hai lớp quần áo, lớp trong cùng bằng vải cotton để thấm hút mồ hôi, lớp bên ngoài bằng vải len, nỉ… để giữ ấm, đi tất chân và không cần sử dụng mũ. Phần đầu của bé là vùng tỏa nhiệt nhiều nhất nên luôn cần được thông thoáng để cân bằng nhiệt cho cơ thể.

Mát xa và tắm cho bé vào mùa đông, bác sĩ lưu ý những điều cực quan trọng để con không bị nhiễm lạnh - Ảnh 6.
 

Khi ra ngoài các mẹ cần mặc thêm cho bé từ một đến hai lớp quần áo tùy thuộc vào thời tiết, chất liệu cản gió, giữ ấm tốt, cần đội mũ che tai cho bé nữa.

Thông thường ở trong nhà trẻ sẽ mặc số lớp quần áo bằng hoặc ít hơn người lớn một lớp, ra ngoài sẽ mặc nhiều hơn người lớn một lớp.

Tuy nhiên có một lưu ý là cần kiểm tra thường xuyên vùng lưng ngực để mặc thêm hoặc cởi bớt đồ cho bé và lau mồ hôi vì khả năng điều hòa thân nhiệt của trẻ còn kém.

Cách bảo vệ bé khỏi các bệnh thường gặp trong mùa đông là gì?

Vào mùa đông, bé có xu hướng ở trong nhà hoặc phòng kín nhiều hơn, có nhiều bé thậm chí nhiều ngày không được ra ngoài hít thở không khí trong lành.

Điều này sẽ khiến trẻ dễ bị ốm hơn. Bởi vì trong một môi trường không khí ổn định, các loại vi khuẩn và vi rút gây bệnh có thể phát triển nhanh chóng làm tăng mật độ trong phòng lên, như vậy sẽ kéo theo nguy cơ tăng khả năng tiếp xúc của bé với các mầm bênh.

Hơn nữa, mùa đông mọi người có xu hướng ở gần nhau hơn nên càng dễ lây bệnh cho nhau, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp. Từ đó khiến trẻ dễ bị lây cảm, cảm cúm từ người lớn.

Vì vậy, trẻ cần được ra ngoài để vận động, tăng khả năng thích nghi với các yếu tố thời tiết môi trường, giúp tăng sức đề kháng và phòng được nhiều bệnh dễ lây nhiễm. Người lớn cần chú ý giữ vệ sinh tay khi tiếp xúc bé, tránh thơm em bé, khi có dấu hiệu ốm cần đeo khẩu trang và cách li với bé. Phòng bé cần được thông khí và vệ sinh sạch hàng ngày.

Bạn cũng cần giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vùng cổ họng. Ngoài ra, các mẹ cũng đừng quên nhỏ nước muối sinh lý để giữ ẩm cho mũi của bé.

Đồng thời cần duy trì thực hiện chế độ ăn uống ngủ nghỉ đúng giờ, đi ngủ sớm, tránh ăn đêm nhiều lần. Đặc biệt là thường xuyên cho trẻ uống đủ nước (đủ sữa với trẻ nhỏ) để giữ ẩm cho vùng cổ họng. Ăn nhiều rau xanh trái cây, ăn đủ thịt cá, hạn chế tối đa các loại bánh kẹo ngọt và không sử dụng đồ uống có ga.

Cuối cùng, các bạn đừng quên tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch cho bé, đây là cách tốt nhất và chủ động để chúng ta bảo vệ bé trước nhiều bệnh nguy hiểm nhé!

 
 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang