Chị Lê Thị Minh Nguyệt, 37 tuổi, là người Hà Nội nhưng hiện nay đã chuyển vào ở Đà Nẵng sinh sống được 8 năm. Mặc dù là người phụ nữ duy nhất trong gia đình thế nhưng việc nhà, việc bếp núc hàng ngày chị Nguyệt chưa từng phải một mình đảm đương.
Không chỉ có ông xã luôn sẵn sàng trợ giúp vợ, 2 cậu con trai của chị cũng hào hứng vào bếp. Chị Nguyệt cho rằng, việc bố có mặt trong bếp nấu nướng và dọn dẹp trở thành hình mẫu để các con trai của mình noi gương. Chính vì vậy các con không hề có sự phân biệt bếp núc là của phụ nữ hay đàn ông.
Mỗi ngày, các thành viên cùng nhau sáng tạo cho các món ăn, trình bày và khoe nhau đây là thành quả của ai trở thành những giây phút được chờ đón. "Mình cũng thường xuyên đăng các món ăn nhà làm lên facebook, được bạn bè khen ngợi. Các con mình biết mọi người khen thì lại rất thích, thêm động lực để năng vào bếp" - Chị Nguyệt chia sẻ.
Cậu lớn nhà chị Nguyệt đã 10 tuổi và cậu út 4 tuổi đều được mẹ cho tập làm quen với các công việc trong bếp từ năm 3-4 tuổi. Và chính vì thế, các bé đều đã thành thạo những công việc đơn giản. Cậu cả đã tự tay nấu cơm, nấu canh và làm loạt món mặn cầu kỳ như: thịt viên, cá nướng, thịt chiên xù, nấu mỳ ý, làm bánh pizza, bánh tart mặn… Bạn nhỏ của chị Nguyệt 4 tuổi cũng phụ giúp được các khâu đơn giản trong nấu nướng như cắt, thái, rửa…
Cậu út nhà chị Nguyệt mới 4 tuổi nhưng có thể phụ giúp các việc đơn giản trong nhà bếp như cắt, thái, rửa đồ...
Còn cậu cả 10 tuổi nhà chị Nguyệt thì chẳng khác gì một đầu bếp thứ thiệt, có thể nấu rất nhiều món cầu kì như nem rán, mì Ý, khoai chiên, pizza...
Để các con có được tình yêu với chuyện bếp núc, chị Nguyệt tâm niệm mẹ phải là người truyền cảm hứng. Với bản thân chị, ban đầu cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của mình đã giúp 2 bé thích thú với việc vào bếp, chị Nguyệt chia sẻ:
Thứ nhất là RA KẾT QUẢ. Trẻ con thích có được thành quả chứ không phải chỉ phụ giúp một vài thao tác. Chính vì vậy cha mẹ phải tìm các món thật đơn giản, cùng các thiết bị hỗ trợ để các con có thể thao tác và ra thành quả.
Thứ hai là AN TOÀN. Bếp núc là chỗ khói lửa và ngay cả người lớn cũng có thể bị đau và bị thương nếu không cẩn thận. Gia đình chị Nguyệt lựa chọn bếp từ, dao thái cùn, máy lọc nước uống tại vòi, nồi ủ… và thông báo trước cho con những nguy hiểm có thể gặp phải trong bếp.
Thứ ba là sự KIÊN TRÌ. Các bạn nhỏ có độ kiên trì không cao, nếu như bắt các con làm những việc lặp đi lặp lại sẽ dễ chán, chính vì vậy phải luôn biết khen, động viên mỗi khi các con nỗ lực và cố gắng. Thời gian cha mẹ dành cho các con tập yêu bếp cũng cần nhiều.
"Gọi là bí quyết thì cũng không hẳn, nhưng mình luôn nghĩ tới việc người mẹ là người truyền cảm hứng yêu bếp cho các thành viên khác trong gia đình. Rất may mắn là ở trường mẫu giáo nơi các con học, các cô cũng thường xuyên hướng dẫn các con những việc liên quan đến bếp núc từ sớm như bóc vỏ trứng cút, làm bánh, tự rửa chén bát nên các con cũng quen dần" - bà mẹ 2 con cho hay.
Con trai tự lập và yêu thích, có thói quen vào bếp sẽ tốt nhất cho chính bản thân các con đầu tiên, sau đó mới đến những người thân. Việc nấu nướng vào bếp cũng giúp các con phân biệt được các loại thực phẩm, trân trọng hơn thức ăn mình có mỗi ngày, đặc biệt là lựa chọn thực phẩm và thói quen chế biến tốt cho sức khoẻ.
Ngoài ra, các con cũng tăng khả năng thưởng thức ẩm thực, khi đi ăn nhà hàng, các con sẽ mở lòng thử nhiều món mới, ăn và cảm nhận thành phần, cách chế biến, từ đó về lại tự tìm công thức để mong có thể thực hiện. Thói quen nấu nướng giúp các con có ý thức chăm sóc những người thân yêu. Con trai lớn của chị Nguyệt rất thích mời bạn về và nấu ăn cho bạn. Sau này có gia đình, nhất định con sẽ tự có ý thức vào bếp cùng vợ, hoặc nấu cho vợ và con ăn dù vợ con có vào bếp hay không.
"Bản thân mình luôn biết ơn bố mẹ chồng đã nuôi dưỡng cho chồng mình thói quen chia sẻ việc nhà và chăm sóc cho người thân, chính vì vậy mình luôn mong các con trai mình cũng sẽ tốt với vợ như vậy. Việc người đàn ông chia sẻ và gánh vác cùng việc nhà sẽ giúp hạnh phúc gia đình được dài lâu" - chị Nguyệt hạnh phúc cho biết.
Trong thời gian dịch Covid-19 đang xảy ra, nhờ đam mê với việc nấu nướng, các bé nhà chị Nguyệt cũng cảm thấy vui vẻ hơn nhiều khi được tham gia chế biến các món mới, lạ. Khi bố mẹ bận, các bé cũng hoàn toàn có thể tự nấu các bữa đơn giản nhưng vẫn đủ chất.
"Điều mình thấm thía nhất trong hành trình giúp con yêu bếp đó là từ TRAO QUYỀN. Đây cũng là từ mình học được từ những triệu phú kinh doanh khi họ luôn có ý thức hệ thống và đơn giản hoá mọi thứ để có thể đạt được tự do. Mình đã áp dụng nguyên tắc này một cách triệt để để các con yêu bếp: Từ việc đơn giản hoá các công thức, tin tưởng và để con làm, chấp nhận việc con làm sai, bị đau hay thất bại…
Mình trao quyền cho các con được chăm sóc cho bữa ăn của gia đình, và mình cũng trao quyền cho bản thân được thoát ra từ NỘI TRỢ cho dù mình ở nhà và lo đủ 3 bữa chính, 2 bữa phụ. Mình tin bất kỳ người mẹ nào cũng có thể làm việc này, chỉ cần CAN ĐẢM bước ra ngoài các định kiến!" - Bà mẹ 2 con chia sẻ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.