Có thể nói, việc dạy trẻ kiếm tiền, quản lý tài chính từ khi còn nhỏ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích trong việc giúp trẻ tự kiểm soát và biết cách thỏa mãn đúng mực những ham muốn của bản thân. Thế nhưng, nhiều bậc bố mẹ vẫn không để ý đến việc dạy con những kỹ năng tài chính này. Câu chuyện của chị Nguyễn Ngọc Hà (hiện đang sống ở Hà Nội) khi dạy con kiếm tiền bằng cách đi bán kẹo dưới đây chắc chắn sẽ truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho các bố mẹ khác trong việc dạy con về tài chính.
Cậu bé Măng đạp xe bán kẹo loanh quanh tầng hầm chung cư.
"Doanh nhân nhí" háo hức vào cuộc.
Theo "nghiệm thu" của chị Ngọc Hà, bé Măng (4 tuổi) sau 2 buổi đi bán kẹo đã thu được tổng cộng 310.000 đồng trong khi giá vốn bỏ ra là 132.000 đồng (bao gồm 122.000 đồng tiền kẹo, 10.000 đồng tiền giấy gói). Tuy số tiền thu được không lớn nhưng bé Măng đã có một trải nghiệm tài chính đáng nhớ trong đời mình khi biết học cách kiếm tiền, hiểu khái niệm lời lãi, ý thức sống có trách nhiệm hơn với những món đồ cần mua và chia sẻ với mẹ nhiều hơn trong các công việc vừa sức mình.
Cậu bé Măng tự kiểm kê, bọc kẹo, chuẩn bị mặt hàng để đi bán.
Việc bán kẹo được chuẩn bị trước đó 3 ngày: "Mỗi ngày, hai mẹ con làm một việc nhỏ: mua kẹo, mua giấy gói, bọc kẹo. Những cái kẹo tự bọc nhìn không bắt mắt nên bán không chạy. Tuy nhiên đó là một hoạt động cần thiết, vì khi cùng mẹ đi mua giấy và cùng bọc kẹo con sẽ bị thu hút và rất chú tâm. Trong mấy ngày chuẩn bị thì câu chuyện của hai mẹ con đều xoay quanh việc bán kẹo".
Việc tìm địa điểm bán kẹo cũng gặp một chút khó khăn, thử thách: "Mình qua hai quán cafe để xin quản lý cho Măng sáng thứ Bảy qua bán kẹo thì cả hai quán đều từ chối. Cảm giác của mình lúc đó thấy hơi tệ, đành đi ra khỏi quán và về nhà. Sau đó thì hai mẹ con quyết định sẽ đi dạo bán quanh khu chung cư, nhưng cũng xui thiệt vì hôm sau trời mưa bão nên đành đi xuống hầm bán. Mình còn dạy Măng tìm những "khách hàng tiềm năng" là các cặp mẹ con, bố con đi cùng nhau. Và kết quả sau hai ngày bán hàng thì con cũng đã lời được một món tiền kha khá".
Chị Hà còn chia sẻ thêm về một số kỷ niệm vui trong kế hoạch bán kẹo của Măng: "Buồn cười nhất có một ông bố thấy Măng bán kẹo từ xa là đã chuẩn bị tiền, Măng không biết nên phóng vèo qua. Thế nhưng ông bố ấy còn bèn gọi với lại để mua, thật sự khiến mình rất cảm kích. Măng còn gặp một cặp bà cháu, con mời mua nhưng bà không mang theo tiền nên không mua được. Thế là khi gặp một cô tiếp theo, câu cửa miệng Măng hỏi: "Cô có tiền mua kẹo không?", chắc vì sợ cô không có tiền thì mất công chào mời".
Măng độc lập, tự tin thực hiện nhiệm vụ của mình.
Quá trình tổng kết việc bán kẹo cũng mang lại cho hai mẹ con chị Hà rất nhiều niềm vui. Khi được hỏi bán kẹo lấy tiền để làm gì, Măng liền trả lời để mua kẹo ăn và mua đồng hồ cho em trai. "Lý do mua đồng hồ cho em Mía vì cách đây lâu lâu, Măng thấy cả nhà đeo đồng hồ, con bảo rằng: "Em Mía không có đồng hồ, khổ thân em Mía nhỉ!". Nhân cơ hội đó, mình khuyến khích con hãy làm việc chăm chỉ tiết kiệm tiền mua tặng em một cái đồng hồ. Hiện tại, hộp tiền của con đã được nửa cái đồng hồ rồi".
Ngoài ra, để giải thích dễ hiểu nhất cho con về việc mua kẹo bằng tiền rồi lại bán kẹo lấy tiền, chị Hà đã nghĩ ra cách rất thú vị. Theo đó, mẹ giơ một ngón tay lên và nói: "Con bỏ ra chừng này tiền mua kẹo, nhưng khi bán hết con sẽ thu lại được chừng này", đồng thời giơ năm ngón tay lên. Chỉ nói vậy vài ngày, cậu bé Măng đã quen với khái niệm buôn bán, khi được hỏi bán kẹo kiếm tiền ra sao, cậu liền miêu tả lại hệt như vậy. Cũng theo chia sẻ của chị Hà, sau lần bán kẹo đầu tiên, bé Măng tỏ ra rất thích thú và rất mong có những lần bán kẹo tiếp theo nữa. Chị Hà nhất định sẽ tạo điều kiện để con thực hiện được mong muốn này.
Cậu bé Măng và em trai tên Mía.
Chia sẻ về lý do dạy con kiếm tiền từ nhỏ, chị Hà cho biết: "Mình nghĩ việc cho con làm quen với tiền không hề xấu. Ngược lại nếu biết làm quen đúng cách sẽ rất có lợi. Nên từ khi Măng còn bé xíu, mình đã lên kế hoạch sẽ dạy con những việc liên quan đến tài chính. Cụ thể, mình thường dẫn Măng đi mua đồ, chọn những món có mệnh giá nhỏ như chai nước suối, hộp sữa... để con tự cầm tiền vào hỏi giá, còn mẹ đứng đợi bên ngoài. Thêm vào đó, mình còn để con giúp đỡ mẹ nhiều việc trong nhà. Với những việc nặng nhọc như rửa bát hay đổ rác ra thùng rác lớn, mình sẽ trả công xứng đáng cho con, khoảng từ 1 nghìn đến 10 nghìn tùy thuộc với tờ tiền lẻ mẹ có trong ví".
Trước câu hỏi liệu có lo sợ trả công như vậy khiến con sinh ra tâm lý đòi tiền khi làm việc nhà hay không, chị Hà cho biết: "Mình không ngại chuyện đó. Vì nếu như việc vừa sức thì sẽ là việc con cần làm, việc gắng sức thì mẹ sẽ trả công để con cố gắng. Sau lớn một chút, các công việc mẹ trả tiên sẽ ít dần, con cần tìm cách kiếm tiền tiêu vặt kiểu khác, ví dụ như bán kẹo chẳng hạn".
Dựa trên quan điểm như vậy, việc cho bé Măng đi bán kẹo đã nằm trong kế hoạch của chị Hà từ rất lâu trước đây. Đến thời điểm thích hợp, hai mẹ con liền cùng nhau bắt tay vào thực hiện.
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.