Chị Bùi Huyền Thương (29 tuổi, hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM) là mẹ của một cậu con trai tên ở nhà là Sồi hiện 11 tháng tuổi. Từ khi lọt lòng, Sồi đã được mẹ nuôi theo phương pháp EASY và hỗ trợ con tự ngủ sớm. Sồi ngủ riêng và có thể tự ngủ khi đuợc 4 tuần tuổi, cai ăn đêm từ 3 tháng và ăn dặm theo phương pháp BLW (Baby Led Weaning) hoàn toàn.
Chọn BLW vì đề cao tính tự lập và tôn trọng nhu cầu của mỗi đứa trẻ
Nói về lý do cho con ăn dặm BLW hoàn toàn, chị Thương cho biết: "Lần đầu tiên làm mẹ mang tới cho mình rất nhiều áp lực do thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Cầu toàn và luôn muốn con tự lập, điều đó thôi thúc mình tìm hiểu tài liệu nuôi dưỡng và giáo dục con ngay khi vừa đưa con từ bệnh viện về nhà.
Quan điểm của mình là nuôi con cần phải có kiến thức, mỗi áp dụng phải căn cứ dựa trên nghiên cứu khoa học tiến bộ, không nên "đẽo cày giữa đường" và nghe "bà hàng xóm".
Mình không bài trừ các phương pháp truyền thống, nhưng mình là 1 bà mẹ hiện đại và luôn tin ở bản năng của em bé trong chuyện tự ăn, tự ngủ và tự chơi. Mình đã đọc tài liệu về phương pháp ăn dặm BLW, thấm nhuần mọi chân ái và thấy nó phù hợp với suy nghĩ, định hướng của mình: Đề cao tính tự lập và tôn trọng nhu cầu của mỗi đứa trẻ".
Chị Thương cho con ăn dặm từ 6 tháng rưỡi. Trong vòng hơn 1 tháng chỉ ăn rau củ quả hấp và đổi liên tục các loại khác nhau. Khi con gần 8 tháng chị mới cho con cơ hội làm quen chất đạm và đa dạng cách chế biến hơn.
Bà mẹ trẻ thường cho con thử dị ứng trước khi ăn thật. Bảy tháng Sồi được ăn thử thịt bò, lòng đỏ trứng nhưng bị dị ứng nên chị Thương tạm ngưng. Tám tháng bé được làm quen chất đạm qua thịt lợn, gà, đậu gà, yến mạch, bơ sữa nhạt, phô mai, bánh mỳ và làm quen lại với trứng, thịt bò. Chín tháng chị cho con làm quen tôm, cua, lươn. Đến hiện tại 11 tháng tuổi, Sồi đã ăn được hầu hết thực phẩm giống như bố mẹ và không dị ứng với loại thực phẩm nào.
Chị Thương cho con ăn dặm theo đúng nghĩa, bữa ăn "dặm" thêm cùng sữa. Vì đây là giai đoạn các bé dưới 1 tuổi tập làm quen với thức ăn thô, ngoài sữa mẹ. Ăn dặm không thể thay thế được sữa.
Mỗi ngày, Sồi ăn 4 cữ sữa và dặm thêm 2 bữa thức ăn thô theo phương pháp BLW. Để chuẩn bị đồ ăn dặm cho con, chị Thương dậy từ 5h sáng, vắt sữa, cho con ăn xong là 6h kém. Sau đó bố Sồi vệ sinh cá nhân cho con và chơi cùng con để chị Thương nấu đồ ăn cả ngày cho bé.
Mỗi ngày, chị Thương đều đặn chuẩn bị cho con 2 bữa ăn thô theo phương pháp BLW.
Khi nấu ăn cho cả nhà, trước khi nêm gia vị, chị múc ra 1 phần cho con. Các món ăn của Sồi không nêm đường, mắm hay muối mà lấy vị ngọt tự nhiên từ trái cây, rau củ hay nước xương. Sồi ăn dặm vào bữa trưa và chiều, bữa chiều sẽ lặp lại món đạm của bữa trưa, trái cây và rau củ được thay đổi. Mẹ Sồi mua nguyên liệu luôn chọn mua trong siêu thị gần nhà. Mỗi lần mua cho 2-3 ngày, không tích trữ đồ ăn lâu để đảm bảo sự tươi ngon.
Các bữa phụ chị Thương thường cho con ăn trái cây, sinh tố hoặc làm đậu hũ non yến mạch, đậu gà, hạt sen... Chị tâm sự, các món mình làm cho con đều rất đơn giản và đời thường chứ không có công thức quá khó hay nguyên liệu cầu kỳ, bất cứ mẹ nào cũng làm được.
"Khó khăn nhất trong giai đoạn ăn dặm BLW của Sồi không nằm ở bé, mà là nằm ở mình. Vì mình rất thiếu thời gian để chế biến và mua nguyên liệu nấu ăn cho con. Cũng thiếu cả thời gian dọn rửa "bãi chiến trường" của con mỗi lần ăn nữa.
Một khó khăn nữa là việc lên thực đơn và cân đối dinh dưỡng trong các bữa. Phải làm sao để đa dạng thực phẩm, đa dạng mùi vị, đa dạng cách chế biến và đa dạng dinh dưỡng?
Thực đơn ăn dặm của Sồi không chỉ đa dạng, đủ chất, ngon miệng và còn rất đẹp mắt.
Sồi bắt đầu ăn dặm từ khi được 6,5 tháng, đến hiện tại, bé ăn thô và bốc nhón rất tốt.
Mình cho con ăn theo tư duy "eat a rainbow" (cầu vồng dinh dưỡng) nên luôn đảm bảo khay ăn đẹp mắt, vừa nuôi dưỡng cảm hứng nấu nướng của mình, vừa giúp con có hứng thú khám phá đồ ăn.
Kinh nghiệm của mình là để con tự quyết định con ăn gì và ăn bao nhiêu, việc của mẹ là cung cấp thức ăn và quan sát thái độ của con khi ăn uống chứ không bắt con phải ăn như mong muốn của mẹ rồi đặt áp lực lên con trẻ. Khi mẹ có đủ kiến thức, biết cách phân biệt ọe và hóc, mẹ đặt niềm tin ở con, kiên nhẫn thì sẽ chẳng có khó khăn gì cả" - chị Thương nói.
Sau khoảng 3 tháng ăn BLW kỹ năng bốc, nhai, nuốt của Sồi khá tốt. Đến 9-10 tháng là bé biết bốc nhón và hiện tại dù chưa biết xúc thìa nhưng Sồi đã cầm được thìa thức ăn và đút vào miệng chuẩn xác.
Cố gắng gấp 3-4 lần bình thường để có thể lo cho con những bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng
Để có được những bữa ăn ngon miệng, đủ dinh dưỡng lại đẹp mắt cho con, chị Thương phải cố gắng gấp 3-4 lần người bình thường. Chị là người ngủ muộn nhất nhà và cũng là thành viên dậy sớm nhất. Hết thời gian nghỉ thai sản, em gái là người giúp chị Thương trông con. Tuy nhiên, vì Sồi đã tự ngủ tốt và ngủ đủ nên trộm vía bé rất ngoan, không gây khó khăn cho người trông.
Để con có được những bữa ăn ngon, chị Thương phải cố gắng gấp 3-4 lần bình thường.
Các bữa ăn phụ của Sồi.
Sáng đi làm, trưa chạy xe 8km về với con, xong xuôi lại chạy xe đi làm tiếp. Thời gian đầu cũng không tránh được mệt mỏi nhưng dần dần chị cũng quen và mọi thứ vào nếp. Chị Thương bày tỏ: "Khi mình làm vì đam mê, niềm vui luôn thường trực. Mệt mỏi dường như bị quên lãng. Nhưng chỉ cần nhìn thấy con ăn ngon lành những món mẹ chuẩn bị, mình lại có thêm động lực phấn đấu.
Mẹ nào đang nghiên cứu ăn dặm cho bé, thì mình khuyên rằng chúng ta nên tôn trọng nhu cầu ăn uống của con, tìm hiểu kỹ các kiến thức về ăn dặm và các phương pháp cho bé ăn. Luôn luôn tin tưởng vào con mình, lòng tin sẽ giúp các mẹ bình tĩnh và kiên trì với con cái hơn.
Khi tình yêu con dâng cao cộng thêm mong mỏi dành cho con những gì tốt nhất của một người mẹ, chúng ta sẽ sớm vượt qua mọi khó khăn và luôn tìm được nguồn cảm hứng để tiếp tục".
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.