Trẻ sơ sinh mới chào đời sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề khiến cho các mẹ bỉm vô cùng bối rối, đặc biệt là những chị em lần đầu làm mẹ. Chị Thùy Linh (sinh năm 1990, sống tại Hà Nội) cũng vừa chia sẻ câu chuyện về những triệu chứng mà con trai mới chào đời gặp phải khiến chị lo lắng đến mất ăn mất ngủ.
Cụ thể, lúc mới sinh ra, con trai chị Linh đã có biểu hiện của chứng vàng da, tuy nhiên bác sĩ nói không cần quá lo lắng vì màu vàng sẽ dần dần tự hết. Gần 2 tuần sau, chứng vàng da ở bé không hề giảm khiến cả gia đình bắt đầu hoảng loạn, lập tức đưa bé đi khám vì sợ sẽ có vấn đề nguy hiểm xảy ra.
Tuy nhiên, khi khám xong cho bé, bác sĩ giải thích rằng con trai chị Linh bị vàng da sinh lý. Biểu hiện là màu vàng từ trên đầu xuống dưới chân và sẽ hết từ chân lên đầu. Hiện tượng này kéo dài đến 45 ngày nên hiện tại bé mới 13 ngày tuổi nên không cần quá hoang mang.
Con trai chị Linh bị mắc vàng da sinh lý sau nhiều ngày mới tự hết.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng cho biết các mẹ hay nhầm lẫn giữa vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Đối với vàng da sinh lý thì con đi ngoài có màu vàng, nước tiểu cũng màu vàng nhạt do cơ thể đào thải chất Bilirubin gây vàng da. Ngược lại, nếu bé đi ngoài có màu trắng, biếng ăn, ngủ li bì thì cần phải đưa đi khám ngày chứ không được đợi đến 45 ngày vì đó là biểu hiện của vàng da bệnh lý.
Chia sẻ thêm về chuyện này, chị Linh cho biết vì lần đầu làm mẹ nên chị không tránh khỏi những bỡ ngỡ và vô cùng sợ hãi: "Trước khi đến viện mình có lên mạng tìm hiểu thì lại hiểu nhầm thành con bị vàng da bệnh lý, mà chứng bệnh này lại vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng bé do bố mẹ chủ quan. Mình sợ hãi và khóc lóc rất nhiều rồi lập tức bảo chồng đưa hai mẹ con vào viện. Được bác sĩ giải thích vậy mới đỡ lo. Sau đó về nhà thì dần dần màu vàng mới tự hết".
Tuy chứng vàng da không còn xa lạ với nhiều mẹ bỉm, nhất là khi số trẻ mắc vàng da ngày càng nhiều nhưng không phải ai cũng hiểu rõ sự khác biệt giữa chúng. Vì vậy khi mang thai và chuẩn bị sinh con, các mẹ nên tìm hiểu thật kỹ để tránh những lo lắng về sau.
Cụ thể, vàng da là hiện tượng hồng cầu bị vỡ, chức năng chuyển hóa bilirubin của gan chưa hoàn thiện. Vàng da sinh lý thường sẽ biến mất sau một thời gian ngắn, ngược lại vàng da bệnh lý có thể gây biến chứng vàng da nhân não, có thể khiến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng chậm phát triển ở trẻ.
Phân biệt vàng sinh lý và vàng da bệnh lý
Vàng da sinh lý
- Mức độ vàng da nhẹ là chỉ vàng da đơn thuần (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn) không kèm theo các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ,...). Nước tiểu của trẻ sơ sinh có màu tối hoặc màu vàng (nước tiểu của trẻ sơ sinh thường không màu) và phân nhạt màu.
- Khi trẻ được khoảng 2 tuần tuổi, gan đã phát triển đầy đủ hơn và đủ sức xử lý Bilirubin nên bệnh vàng da sẽ tự khỏi mà không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào.
Vàng da bệnh lý
- Biểu hiện là vàng da đậm xuất hiện sớm, không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng, mức độ vàng toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt. Đồng thời với vàng da, có sự xuất hiện của các triệu chứng bất thường khác như: trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật, xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng hơn bình thường.
- Nếu không phát hiện và điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý kịp thời có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh do Bilirubin gián tiếp thấp vào não làm cho trẻ tử vong hoặc bị hại não suốt đời.
Dấu hiệu trẻ cần đi khám
- Vàng da xuất hiện sớm trước 48 giờ sau sinh. Vàng toàn thân, vàng cả lòng bàn tay và lòng bàn chân. Vàng da kéo dài trên 1 tuần đối với trẻ đủ tháng, trên 2 tuần với trẻ thiếu tháng. Trẻ bị vàng da kèm các dấu hiệu bất thường khác như bú ít, co giật, sốt, phân bạc màu,...
- Hiện tượng vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Vì vậy, hàng ngày cần quan sát màu da toàn thân của trẻ ở nơi sáng. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), nên ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra, nếu trẻ bị vàng da nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt. Khi trẻ có biểu hiện nghi là vàng da, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra.
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/me-tre-khoc-loc-cau-cuu-bac-si-vi-con-trai-13-ngay-tuoi-van-co-bieu-hien-nay-222021391993738.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.